Bệnh quai bị: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, người bệnh có thể bị sưng ở một hoặc cả hai bên mang tai. Nếu không được điều trị đúng cách, quai bị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây của Docosan cung cấp thông tin tổng quát về bệnh với mong muốn giúp bạn đọc tránh các biến chứng nặng nề của quai bị.

Quai bị là bệnh gì?

Quai bị do virus thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị. Bệnh nhân thường bị đau nhức, sưng to tuyến nước bọt, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, có thể gây biến dạng khuôn mặt, cản trở việc nhai và nuốt trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ em do thường xuyên tiếp xúc trong môi trường sinh hoạt đông đúc như nhà trẻ, sân chơi. Tuy nhiên, nếu bệnh xảy ra với người lớn thì mức độ biến chứng cao hơn và nguy hiểm hơn so với ở trẻ em.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đườn hô hấp nên dễ thành dịch. Thông thường, người bệnh phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau khi có các triệu chứng của bệnh quai bị.

bệnh quai bị ở trẻ em
Bệnh quai bị ở trẻ em phổ biến hơn ở người lớn

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ở những vùng dân cư đông đúc, khu vực có khí hậu lạnh cao hơn ở những vùng còn lại. Cụ thể, số ca mắc quai bị thường tập trung vào những tháng đông – xuân ở các nhà trẻ, trường học.

Triệu chứng bệnh quai bị

Các triệu chứng của bệnh quai bị biểu hiện ở tuyến nước bọt mang tai và đôi khi kèm theo một số biểu hiện khác ngoài tuyến nước bọt, cụ thể là:

Viêm tuyến nước bọt mang tai qua 4 thời kỳ 

Thời kỳ ủ bệnh: từ 14-24 ngày, thời kỳ này không có triệu chứng lâm sàng.
Thời kỳ khởi bệnh: đột ngột với các tiền triệu (có thể có hoặc không)

  • Suy nhược, kém ăn, khó chịu, đau đầu.
  • Sốt nhẹ, có thể kèm lạnh run.
  • Đau họng và đau góc hàm.
  • Đau 3 điểm Rillet- Barthez: sau tai-khớp thái dương hàm-góc dưới của xương hàm. Sau đó tuyến mang tai to dần và đau nhức, đau tăng khi thăm khám hoặc khi nhai.
benh quai bi
Đau 3 điểm: sau tai-khớp thái dương hàm-góc dưới của xương hàm

Thời kỳ toàn phát:

  • Tuyến mang tai sưng to và đau nhức một bên hoặc hai bên, sau đó lan ra vùng trước tai, lan xuống dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm. Bệnh nhân có cảm giác đau vùng tuyến mang tai bị sưng nhưng không nóng và không đỏ.
  • Các triệu chứng đi kèm: sốt 38-390C trong 3 ngày đầu của bệnh, có khi lên tới 400C, đặc biệt khi bệnh nhân bị viêm não hoặc viêm tinh hoàn. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, chán ăn, đau bụng, khó nuốt, khó nói. 

Thời kỳ hồi phục: Sau 1 tuần hoặc 2 tuần. tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần, các triệu chứng đau họng, khó nuốt giảm và từ từ khỏi hẳn. 

Biến chứng bệnh quai bị

Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Các biến chứng có thể gặp là:

  • Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: 
    • Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở nam giới sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời.
    • Biểu hiện bao gồm : tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
  • Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
  • Viêm buồng trứng: Tỷ lệ cho biến chứng này là 7% ở nữ giới sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .
  • Viêm tụy: Tỷ lệ cho biến chứng này là 3% – 7%, đây là một biến chứng nặng của quai bị. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện như: bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.
  • Các tổn thương thần kinh: Tỷ lệ biến chứng thành viêm não của bệnh nhân quai bị là 0,5%. Khi đó, bệnh nhân có các biểu hiện như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
  • Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Nguyên nhân bệnh quai bị

Quai bị khởi phát do virus thuộc họ Paramyxoviridae và có khả năng lây truyền qua đường hô hấp, ăn uống, qua giọt bắn khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus gây bệnh quai bị có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể: từ 30 đến 60 ngày ở nhiệt độ 15 đến 200C, từ 1 đến 2 năm ở nhiệt độ – 25 tới -700C. Virus bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560C, hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn chứa clo hoạt và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.

Quai bị lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Thời gian lây là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Phòng ngừa quai bị bằng cách nào?

  • Tuyên truyền nâng cao ý thức cộng động về tác hại của bệnh quai bị, đặc biệt những biến chứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh; nâng cao ý thức tiêm chủng phòng bệnh chủ động, các biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường phòng lây nhiễm bệnh…
  • Vệ sinh cá nhân thường xuyên , súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng của trẻ.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
  • Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.
  • Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất tiêm vaccine 3 trong 1 (Sởi -Quai bị- Rubellahoặc tiêm phòng quai bị dạng đơn.

Hiện nay, vaccine quai bị thường được phối hợp với vaccine sởi và rubella trong cùng 1 chế phẩm MMR. Không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn đặc biệt là phụ nữ có kế hoạch mang thai đều nên tiêm phòng quai bị.

  • Người lớn: tiêm một liều duy nhất 0.5ml dưới da.
  • Trẻ em: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi trẻ khoảng từ 4 – 6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra, 2 mũi nên được tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng. Có thể tiêm vaccine quai bị cho trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào nên cha mẹ đừng lo lắng nếu đã bỏ lỡ mất các mốc thời điểm trên.
  • Phụ nữ chuẩn bị mang thai: Cần xét nghiệm trước khi tiêm phòng vaccine quai bị. Trong vòng tối thiểu 3 tháng sau khi tiêm vaccine cần tránh mang thai. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vaccine này.

Trên đây là một số thông tin về bệnh quai bị nhằm giúp quý độc giả sớm nhận biết triệu chứng bệnh và thăm khám, phòng tránh kịp thời. Nếu phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần sớm đi khám tại khoa Nội tổng quát, khoa Truyền nhiễm và các phòng khám Đa khoa để nhận chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ Nội khoa điều trị bệnh quai bị

Bác sĩ CKII Bùi Yên Trình – hơn 30 năm kinh nghiệm chuyên khoa Nội tổng quát

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến – hơn 20 năm công tác chuyên khoa Nội- Bệnh viện Chợ Rẫy

Phó giáo sư- Tiến sĩ- Bác sĩ Trần Quang Bính – 35 năm nghiên cứu và điều trị Nội khoa


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo