Sốt siêu vi và sốt xuất huyết đều là hai căn bệnh phổ biến ở nước ta và triệu chứng bệnh đôi khi khá giống nhau. Tuy nhiên đây là hai dạng bệnh hoàn toàn khác nhau và cần phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cách phân biệt chúng trong bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi là tên gọi dùng để chỉ một nhóm bệnh sốt do virus gây nên. Phần lớn bệnh sẽ không nguy hiểm và tự khỏi trong vòng 1 tuần bắt đầu sốt nếu biết cách chăm sóc bản thân và điều trị đúng cách.
Biểu hiện điển hình của bệnh sốt siêu vi là cảm giác đau nhức, mệt mỏi, nhiều nhất ở mô cơ, sau đó là các triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, viêm long hô hấp, họng sưng đỏ đau. Các trường hợp ít gặp hơn có hạch ở vùng đầu, mặt, cổ bị sưng, đau, phì đại đến có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy, kèm theo kết mạc mắt bị viêm, đỏ, chảy nước mắt sống, … Nếu bạn bị sốt siêu vi do virus đường tiêu hóa, thì có thêm tình trạng rối loạn tiêu hóa như đi tiêu lỏng, không có máu và chất nhầy hoặc bị nôn ói mỗi sau khi ăn.
Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và trung gian truyền bệnh là loài muỗi Aedes aegypti và số ít muỗi Aedes albopictus. Khi bạn bị sốt xuất huyết sẽ sốt cao từ 39 – 40 độ C, kéo dài từ 2 – 7 ngày và ít đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngoài ra người bệnh còn có cảm giác ớn lạnh, đau nhức đầu tập trung ở vùng hai bên thái dương và sau gáy, nặng hơn còn thấy đau nhức hai bên hốc mắt, ho khan, rát họng.
Về biểu hiện ở đường tiêu hóa, người bệnh thường bị táo bón hoặc tiêu chảy kèm phát hiện dấu xuất huyết dưới da, thường tập trung ở phía trong cánh tay, đùi, bụng. Bệnh tiến triển vào giai đoạn nặng sẽ biểu hiện xuất huyết rõ rệt như bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ói ra máu, đi tiêu phân đen.
Sự khác biệt cơ bản của sốt siêu vi và sốt xuất huyết
Sự khác biệt đó chính là nguyên nhân của hai bệnh này, đối với sốt siêu vi là xuất phát từ nhiều loại siêu vi trùng khác nhau, thì tác nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là virus dengue. Đồng thời, nguyên nhân sốt xuất huyết còn phải lưu ý đến muỗi vằn – con vật trung gian truyền bệnh chủ yếu. Ngoài nguyên nhân muỗi vằn đốt thì bạn còn có nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết qua đường máu qua quá trình được truyền máu hay dùng chung kim tiêm từ người bệnh.
Ngoài ra sự khác biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết còn ở thời điểm phát bệnh. Thay vì phát sinh bệnh vào thời điểm giao mùa như sốt siêu vi, thì sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa bão. Điều kiện ẩm thấp và nước đọng trong thời gian này tạo điều kiện cho muỗi vằn thuận lợi sinh sản và phát triển, từ đó lây lan virus dengue bằng con đường đi hút máu người.
Một mặt khác biệt nữa là sốt xuất huyết còn có khả năng lây nhiễm cho bất kỳ ai và mỗi người chỉ có thể bị tối đa 4 lần trong cuộc đời (virus có 4 týp gây bệnh). Tuy nhiên, bệnh sốt siêu vi hay gặp ở trẻ nhỏ cũng như đối tượng bị suy giảm miễn dịch và có thể bị nhiều hơn 4 lần trong đời.
Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Để phân biệt được sốt siêu vi và sốt xuất huyết một cách chính xác thì hiện nay người ta sẽ dựa vào các cách sau đây:
Thăm khám lâm sàng
Bản chất bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết khác nhau nên biểu hiện ở những triệu chứng khác nhau. Vì thế, các bác sĩ thăm khám lâm sàng rồi có thể chỉ ra triệu chứng khác nhau như sau:
Biểu hiện của sốt siêu vi
- Thường xuyên sốt cao khoảng 38-39 độ C, thậm chí lên đến 40-41 độ C kéo dài nhiều ngày liên tiếp và uống thuốc hạ sốt thì hết nhưng hết thuốc thì bị sốt lại.
- Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, nhức đầu dữ dội, trong đầu có cảm giác chao đảo do tuần hoàn máu mạnh và mạch máu căng giãn ra.
- Đau nhức đầu nhiều khi bệnh nhân có cảm giác mà thái dương đập mạnh.
- Bệnh nhân thường nghiền mắt và nằm co lại, li bì đi vì choáng váng, cảm giác phù nề, mắt sưng căng khó chịu, nhìn kém.
Biểu hiện của sốt xuất huyết
- Người bệnh bị sốt cao 39 – 40 độ C với tính chất liên tục và kéo dài từ 2 – 7 ngày và sẽ rất khó hạ sốt nên thường kèm theo cảm giác ớn lạnh và rét run.
- Sốt xuất huyết khác sốt siêu vi ở triệu chứng đau nhức đầu khi tập trung nhiều ở khu vực 2 bên thái dương và sau gáy, 2 bên hốc mắt bị đau nhức.
- Trẻ em bị sốt xuất huyết ở giai đoạn xuất huyết sẽ xuất hiện các chấm xuất huyết ở da, chân răng, dạ dày,…. còn sốt siêu vi sẽ không có biểu hiện xuất huyết này. Bác sĩ khám bằng cách dùng tay căng vùng da bị xuất huyết, nếu nốt ban biến mất là sốt siêu vi, còn không biến mất là do sốt xuất huyết.
- Triệu chứng tiêu hóa, người bị sốt xuất huyết bị tiêu chảy, chảy máu chân răng, khó tiêu, đầy bụng, tiêu phân có máu đông hoặc máu tươi.
- Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vacxin phòng bệnh hiệu quả. Nếu điều trị không tốt thì có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như sốt xuất huyết giảm tiểu cầu.
Xét nghiệm
Để xác định được chắc chắn là sốt xuất huyết hay sốt siêu vi bằng cách đơn giản và nhanh nhất là bạn làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đặc hiệu trong bệnh sốt xuất huyết là có Test Dengue(+) và xét nghiệm công thức máu có số lượng tiểu cầu giảm, thể tích khối hồng cầu Hct tăng. Còn trường hợp các chỉ số xét nghiệm máu bình thường hoặc tăng bạch cầu mức độ nhẹ thì bạn chỉ bị sốt siêu vi.
Bài viết trên đã giới thiệu về hai căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta là sốt siêu vi và sốt xuất huyết, đồng thời nên một số cách phân biệt chúng. Nếu bạn đang bị sốt và phát hiện mình có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thì nên cần theo dõi sức khỏe bản thân kỹ lưỡng hơn để phân biệt với sốt siêu vi. Nhưng muốn tốt nhất thì bạn nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh.
Mời bạn tham khảo sản phẩm Xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà – Fastep
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: Timesofindia, CIH
Có thể bạn quan tâm