Bệnh sùi mào gà ở miệng (HPV ở miệng) đang là một vấn đề phổ biến và được quan tâm nhiều ở giới trẻ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng sức khoẻ nguy hiểm, đặc biệt là ung thư hầu họng. Việc nhận biết sớm nguyên nhân, dấu hiệu và áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tác động của bệnh cho cá nhân cũng như ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây!
Tóm tắt nội dung
- 1 Tổng quan về bệnh sùi mào gà ở miệng
- 2 Các dấu hiệu sùi mào gà ở miệng
- 3 Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây sùi mào gà ở miệng
- 4 Sùi mào gà ở miệng có lây không?
- 5 Nguy cơ ung thư miệng, vòm họng
- 6 Xét nghiệm, chẩn đoán sùi mào gà ở miệng
- 7 Cách phòng bệnh sùi mào gà ở miệng
- 8 Phương pháp điều trị sùi mào gà ở miệng
- 9 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 10 Một số câu hỏi liên quan
Tổng quan về bệnh sùi mào gà ở miệng
Sùi mào gà ở miệng là tình trạng nhiễm virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra các nốt sùi nhỏ, lở loét, mụn cóc trong miệng, môi hoặc cổ họng. Đây là một dạng của bệnh sùi mào gà nhưng xuất hiện ở các khu vực không phải sinh dục. Virus HPV có nhiều loại khác nhau nhưng theo nghiên cứu cho rằng HPV type 6 và 11 là những loại chủ yếu gây nên tình trạng sùi mào gà ở miệng.
Sùi mào gà ở miệng có thể lây qua quan hệ tình dục bằng miệng, tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt hoặc vật dụng bị nhiễm và trong một số trường hợp hiếm hoi như thông qua việc hôn hoặc sinh con qua đường âm đạo từ mẹ bị nhiễm virus.
Các dấu hiệu sùi mào gà ở miệng
Đa số người nhiễm sùi mào gà ở miệng không có triệu chứng rõ ràng và thường phát hiện muộn. Do đó, không thể nhận ra những người đang mắc bệnh hay những người đã nhiễm virus nhưng chưa có triệu chứng, chính đối tượng này là nguồn lây bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng vì họ có thể truyền vi rút sang cho bạn tình.
Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu không thể bỏ qua đó là hình thành các nốt mụn li ti ở niêm mạc miệng, môi, lưỡi hoặc trong cổ họng. Dần dần, chúng trông giống như hình ảnh mào gà và có màu trắng. Đây là triệu chứng đặc trưng của người mắc bệnh sùi mào gà ở miệng nói riêng và sùi mào gà nói chung.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây sùi mào gà ở miệng
Nguyên nhân sùi mào gà ở miệng thường do virus ú nhú ở người gọi là virus HPV (Human Papilloma Virus) xâm nhập qua tổn thương hở trên niêm mạc, chủ yếu ở miệng. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở miệng bao gồm:
- Quan hệ tình dục bằng miệng không an toàn: Các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến sùi mào gà ở miệng, đặc biệt là ở nam giới.
- Nhiều bạn tình: Việc có nhiều bạn tình có thể làm tăng nguy cơ của nhiễm virus HPV. Theo thống kê cho thấy nếu có hơn 20 bạn tình trong suốt cuộc đời thì khả năng nhiễm HPV miệng sẽ tăng thêm 20% so với người bình thường.
- Giới nam: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì nam giới có nguy cơ được chẩn đoán nhiễm HPV miệng cao hơn nữ giới .
- Sử dụng chung dụng cụ ăn uống và đồ dùng cá nhân: Việc sử dụng chung vật dụng cá nhân như cốc, khăn, bàn chải đánh răng,… có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV trong cộng đồng.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của virus HPV. Hơi nóng và khói thuốc có thể làm niêm mạc miệng bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng đồng thời là một yếu tố nguy cơ của ung thư miệng.
- Nghiện rượu: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ rượu với liều lượng lớn làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở nam giới. Đặc biệt, nếu bạn vừa hút thuốc vừa uống rượu nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể.
Sùi mào gà ở miệng có lây không?
HPV miệng chủ yếu lây truyền qua các con đường sau:
- Quan hệ tình dục bằng miệng: Đây là con đường lây nhiễm chính của HPV miệng. Virus có thể tồn tại trong nước bọt hoặc dịch tiết của người nhiễm và sẽ lây khi quan hệ không sử dụng biện pháp bảo vệ, tiếp xúc với vết thương hở hoặc vùng da bị tổn thương trong miệng của đối phương.
- Tiếp xúc miệng-miệng: Nghiên cứu cho thấy HPV có thể lây truyền qua đường miệng-miệng do virus có thể tồn tại trong nước bọt hoặc dịch tiết của người nhiễm, mặc dù cần thêm bằng chứng để xác nhận mức độ rủi ro của hình thức này.
- Sử dụng chung dụng cụ cá nhân: Dù ít phổ biến hơn nhưng việc sử dụng chung dụng cụ ăn uống hoặc cá nhân (cốc, khăn, bàn chải đánh răng,…) có thể là con đường gián tiếp làm lây lan virus nếu có tiếp xúc với nước bọt hoặc niêm mạc của người nhiễm với vùng niêm mạc hoặc vết thương hở của bạn.
- Lây từ mẹ sang con: Virus có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh qua ngã âm đạo nếu mẹ mắc sùi mào gà, dẫn đến nhiễm trùng ở miệng hoặc họng của trẻ sơ sinh.
Nguy cơ ung thư miệng, vòm họng
Hiện nay có gần 200 chủng HPV khác nhau trong đó khoảng 40 có thể lây nhiễm vào niêm mạc sinh dục và miệng, đặc biệt là có 9 chủng có khả năng phát triển thành ung thư. Nghiên cứu hiện nay chỉ ra chủng HPV-16 có nguy cơ cao nhất gây ra ung thư hầu họng. Tuy nhiên, rất ít trường hợp HPV miệng có khả năng phát triển thành ung thư hầu họng. Theo báo cáo ghi nhận, khoảng 1% số người nhiễm HPV-16 có nguy cơ tiến triển thành ung thư hầu họng.
Xét nghiệm, chẩn đoán sùi mào gà ở miệng
Hiện tại chưa có xét nghiệm nào để phát hiện các dấu hiệu ban đầu của sùi mào gà ở miệng. Nha sĩ hoặc bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương do HPV miệng qua các lần khám sàng lọc, tái khám định kỳ hoặc bạn có thể tự nhận thấy các tổn thương trước và đặt lịch khám. Hầu hết các xét nghiệm hiện tại chỉ xác nhận sự hiện diện của virus HPV ở người đã có triệu chứng.
Nếu bạn có tổn thương, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện lấy sinh thiết ở những khu vực nghi ngờ để kiểm tra xem chúng có phải ung thư hay không. Họ cũng có thể kiểm tra mẫu sinh thiết xem có nhiễm virus HPV hay không. Nếu bạn bị ung thư hầu họng, việc điều trị có thể hiệu quả hơn nếu ung thư có liên quan đến HPV.
Mời bạn tham khảo sản phẩm Bộ Xét Nghiệm Các Bệnh Xã Hội (STD) Phổ Biến
Cách phòng bệnh sùi mào gà ở miệng
Hiện nay, hầu hết các tổ chức y tế thế giới chưa có khuyến nghị sàng lọc HPV miệng. Vì vậy việc thay đổi lối sống để giảm yếu tố nguy cơ mắc là một trong những cách dễ dàng nhất để giúp ngăn ngừa HPV. Dưới đây là một số cách để phòng ngừa:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu bạn có quan hệ tình dục, nên đi kiểm tra thường xuyên các bệnh lây truyền qua đường tình dục để phát hiện và điều trị kịp thời.
- Trò chuyện với bạn tình: Hãy thảo luận với bạn tình về tình trạng sức khoẻ của cả hai và hỏi về lần kiểm tra bệnh lây truyền qua đường tình dục gần đây nhất của họ.
- Sử dụng màng ngăn răng hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục bằng miệng: Để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường miệng, bảo vệ cả bạn và bạn tình.
- Giới hạn số lượng bạn tình: Giảm số lượng bạn tình để giảm nguy cơ tiếp xúc với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Tránh quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình không thường xuyên gặp: Để giảm nguy cơ lây nhiễm từ những người không quen biết rõ về tình trạng sức khoẻ của họ.
- Tiêm phòng HPV: Tiêm đủ các mũi vaccine HPV theo lịch trình để bảo vệ khỏi các loại virus HPV gây bệnh. Nếu bạn từ 9 đến 14 tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau từ 6 đến 12 tháng; nếu từ 15 tuổi trở lên, tiêm 3 mũi trong 6 tháng.
Phương pháp điều trị sùi mào gà ở miệng
Hầu hết các tổn thương sùi mào gà ở miệng đều biến mất mà không gây ra biến chứng nào khác. Nếu người bệnh đến khám vì các sang thương ở miệng do HPV có thể sẽ nhận được tư vấn của bác sĩ về vấn đề loại bỏ các sang thương này đi.
Điều trị sùi mào gà ở miệng bằng thuốc bôi ngoài da có thể không đạt được hiệu quả tốt nhất vì sang thương có thể khó tiếp cận. Bác sĩ có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào sau đây để điều trị sùi mào gà ở miệng như phẫu thuật cắt bỏ, phương pháp áp lạnh, sử dụng thuốc tiêm interferon alfa-2B (Intron A, Roferon-A).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Các dấu hiệu bất thường cần gặp bác sĩ để kiểm tra có thể bao gồm:
- Nốt sùi hoặc mụn cóc trong miệng: Các nốt sùi nhỏ, mềm, có màu trắng hoặc hồng nhạt xuất hiện trên niêm mạc miệng, môi, lưỡi hoặc trong cổ họng.
- Lở loét hoặc vết thương không lành: Vết loét hoặc lở trong miệng không khỏi hoặc kéo dài hơn bình thường.
- Khó nuốt hoặc cảm giác vướng víu: Khó nuốt thức ăn hoặc cảm giác vướng víu trong cổ họng, có thể liên quan đến sự phát triển của nốt sùi lớn.
- Hơi thở có mùi khó chịu: Hơi thở có mùi khó chịu hoặc thay đổi bất thường, có thể do sự nhiễm trùng hoặc viêm do nốt sùi.
- Sưng hoặc nổi hạch: Sưng hoặc nổi hạch ở cổ hoặc vùng dưới hàm có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Một số bệnh viện uy tín
Một số bệnh viện uy tín tại Việt Nam có thể điều trị HPV miệng và các bệnh lý liên quan mà bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện K Trung ương: Là một trong những bệnh viện chuyên sâu về ung bướu, cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư bao gồm ung thư hầu họng liên quan đến HPV.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Bệnh viện có các chuyên khoa về nội khoa và ngoại khoa, nơi có thể điều trị các vấn đề liên quan đến HPV và các bệnh lý khác.
- Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM: Có chuyên khoa về các bệnh truyền nhiễm, nơi cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền bao gồm HPV.
Một số câu hỏi liên quan
Sùi mào gà ở miệng có tự khỏi không?
Đa số trường hợp sùi mào gà ở miệng có khả năng tự khỏi. Trên thực tế, trường hợp nhiễm HPV miệng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong khoảng hai năm. Tuy nhiên, đối với một số người virus HPV có thể tồn tại trong cơ thể hàng thập kỷ. Trong những trường hợp này, HPV miệng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, bao gồm ung thư hầu họng.
Thời gian ủ bệnh là bao lâu?
Thời gian HPV ủ bệnh trung bình phải mất khoảng ba đến sáu tháng để mụn cóc HPV miệng xuất hiện sau khi phơi nhiễm. Tuy nhiên, đa số nhiều người không phát triển triệu chứng nào cả nên không thể rõ thời gian mắc là khi nào.
Có vacxin phòng ngừa sùi mào gà ở miệng không?
Hiện nay có vaccine phòng ngừa sùi mào gà. Các nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine HPV có thể làm giảm đáng kể nhiễm trùng HPV miệng. Vaccine cũng giúp bảo vệ bạn khỏi các chủng HPV có thể gây ung thư hầu họng, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn và ung thư dương vật.
Theo Bộ Y Tế Thế Giới (WHO), vaccine HPV là một loại vaccine an toàn và hiệu quả có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh liên quan đến HPV. Vaccine này trước đây chỉ dành cho những người dưới 26 tuổi. Các hướng dẫn mới hiện nay cho biết những người từ 27 đến 45 tuổi chưa từng tiêm phòng HPV giờ đủ điều kiện tiêm vaccine Gardasil 9.
Làm sao để phân biệt được sùi mào gà ở miệng với các bệnh lý thông thường?
Có sự khác biệt rõ ràng giữa các tổn thương do HPV và các bệnh lý khác ở miệng. Sùi mào gà do HPV có đặc điểm lâm sàng riêng biệt và thường không gây đau, dấu hiệu có thể xuất hiện ở bản thân và bạn tình. Khác với các bệnh lý khác như nấm miệng, loét miệng, viêm nướu,.. thường đi kèm với cảm giác khó chịu như ngứa rát hoặc đau đớn.
Sùi mào gà ở lưỡi có đau không?
Mụn cóc lưỡi là những tổn thương khó chịu gây cảm giác cộm trong miệng và ít khi gây đau. Tuy nhiên nếu có kèm nhiễm trùng thứ phát hoặc bị cọ xát trong quá trình ăn uống đôi khi có thể gây đau đớn.
Sùi mào gà ở miệng có chữa được không?
Sùi mào gà ở miệng (HPV miệng) không thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể tái phát do lối sống và biện pháp phòng ngừa chưa đủ của người nhiễm. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng và loại bỏ các tổn thương hoàn toàn.
Mặc dù không thể điều trị triệt để, nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine HPV và duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên tái khám theo dõi sức khoẻ định kỳ của bạn và bạn tình.
Ngoài ra, mời bạn tham khảo thêm sản phẩm Gói xét nghiệm 12 tác nhân gây bệnh đường tình dục có tại Docosan
Xem thêm:
- Bệnh STD là gì? Dấu hiệu, triệu chứng 10 bệnh thường gặp
- Bệnh hoa liễu là gì? 14 triệu chứng nhận biết bệnh
- Bệnh sốt mò là gì? Top 10 biện pháp phòng chống
Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có được một số kiến thức tổng quát về bệnh sùi mào gà ở miệng. Việc phòng ngừa bệnh và phát hiện sớm để có phương pháp điều trị kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cả bạn tình. Hãy theo dõi Docosan để nắm bắt những kiến thức y khoa một cách sớm nhất nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Oropharyngeal Human Papillomavirus (HPV) Infection
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15010-oropharyngeal-human-papilloma-virus-hpv-infection
- Ngày tham khảo: 06/09/2024
2. Human Papillomavirus (HPV) of the Mouth: What You Should Know
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/hpv-in-the-mouth
- Ngày tham khảo: 06/09/2024
3. HPV and Oropharyngeal Cancer
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/cancer/hpv/oropharyngeal-cancer.html
- Ngày tham khảo: 06/09/2024