Chúng ta vẫn thường được tuyên truyền và nhắc nhở về việc uống thuốc tẩy giun, nhưng dù vậy, vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến việc sử dụng nhóm thuốc này, uống thuốc như thế nào, tác dụng của thuốc ra sao, có tác dụng phụ gì hay không? Bài viết sau đây của Doctor có sẵn sẽ giải đáp những câu hỏi thắc mắc về vấn đề này, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Tóm tắt nội dung
Nhiễm giun sán là gì?
Các loại giun sán đường ruột phổ biến, hay gặp ở người Việt Nam, chủ yếu gồm:
- Giun đũa (Ascaris lumbricoides)
- Giun tóc (Trichuris trichiura)
- Giun móc/mỏ (Ancylostoma duodenale/Necator americanus)
- Giun kim (Enterobius vermicularis)
Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải trứng giun từ thức ăn ô nhiễm, nước uống bị ô nhiễm, qua bàn tay bẩn. Đối với giun móc/mỏ, ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người.
Dấu hiệu và tác hại của nhiễm giun
Thông thường, người bệnh nhiễm giun sán sẽ có những biểu hiện như:
- Đau bụng, có khi bị nhầm lẫn với đau dạ dày;
- Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm phân lẫn máu;
- Đầy bụng, khó tiêu;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Chán ăn, ăn không ngon;
- Tắc ruột ở trẻ nhỏ khiến trẻ không thể đi cầu được: do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun;
- Dị ứng, phát ban, nổi mề đay;
- Thiếu máu: da xanh xao, mệt mỏi;
- Ảnh hưởng thần kinh: kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu;
- Trẻ em thường gặp các triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học hành sa sút…
Các bệnh do giun gây nên nhiều tác hại từ nhẹ đến nặng, như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu, chậm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động. Ngoài ra, nhiễm giun còn có thể gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào ruột thừa làm tắc nghẽn lòng ruột thừa gây viêm, giun chui ống mật, có thể gây tử vong.
Các biện pháp để phòng nhiễm giun
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để tẩy giun định kỳ, để tránh nhiễm giun cho bản thân mình và gia đình, mọi người cần thực hiện một số biện pháp nhằm phòng ngừa nhiễm giun. Một số biện pháp có thể kể đến như sau:
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng / lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Giữ vệ sinh cá nhân như cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch sẽ;
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn;
- Đi giày dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm;
- Vệ sinh môi trường xung quanh, không phóng uế bừa bãi.
Mặc dù các phương pháp trên không thể loại trừ tất cả các nguy cơ nhiễm giun, nhưng vẫn có tác dụng trong việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm giun cho bản thân và cho gia đình của mình.
Tại sao cần tẩy giun?
Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em hầu hết đều nhiễm giun, có nhiều loại giun, tuy nhiên thường hay gặp nhất là giun kim và giun đũa. Khi nhiễm giun, trẻ có thể bị thiếu máu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần, kết quả học tập giảm sút… nhiều khi có biến chứng đe dọa tử vong.
Tương tự các nguyên nhân gây nhiễm giun sán như đã nêu ở trên, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì trẻ thường chưa có ý thức trong việc phòng bệnh, như rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trẻ hay đi chân đất chạy nhảy chơi đùa, hay cắn móng tay… Vì vậy, trẻ là một trong những đối tượng cần đặc biệt chú ý trong việc phòng chống bệnh giun sán, với biện pháp là uống thuốc xổ giun định kỳ.
Tẩy giun định kỳ là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa và loại trừ bệnh giun sán kí sinh. Thuốc giun có hiệu quả diệt trừ 98% những loại giun sán thường gặp.
Sử dụng thuốc tẩy giun giúp cho cơ thể có cơ hội loại bỏ các chất cặn bã và hệ tiêu hóa được tăng dường. Không những thể, việc sử dụng thuốc tẩy giun cong giúp phòng ngừa các biến chứng hay bệnh lý có thể gây nên bởi giun kí sinh và giúp cơ thể có thể hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Thuốc tẩy giun bao gồm những loại nào?
Theo phác đồ tẩy giun đường ruột tại cộng đồng của Bộ Y tế Việt Nam, hiện dùng 2 loại thuốc để trị giun: Albendazole hoặc Mebendazole.
Trong đó Mebendazole khá dễ sử dụng và tìm mua. Mebendazole thường được bán tại nhà thuốc, dưới dạng thuốc không cần kê đơn, có tên thương mại (tên biệt dược) quen thuộc như: Fugacar, Vermox, Mebendacin… có tác dụng trị giun kim, giun đũa, giun tóc, giun móc, giun lươn.
Các loại thuốc tẩy giun, xổ giun, sổ lãi có chứa các hoạt động tiêu diệt giun sán, ký sinh trùng có trong đường ruột, theo cơ chế ngăn giun sán sử dụng nguồn dinh dưỡng, gây chết, hoặc tê liệt khả năng của chúng.
Thuốc có thể được sử dụng cho người từ 12 tháng tuổi trở lên.
Xem thêm: Thuốc giun quả núi và những thông tin quan trọng về thuốc
Những đối tượng không được dùng thuốc tẩy giun
Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm giun là những người sống trong khu vực lưu hành bệnh, dễ lây lan:
- Trẻ mầm non;
- Trẻ em ở độ tuổi đi học;
- Phụ nữ mang thai và cho con bú;
- Người có công việc đặc thù như người hái chè, thợ mỏ,…
Mặc dù ai cũng có thể dị nhiễm giun nhưng những đối tượng trên cần được chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thuốc tẩy giun. Một số trường hợp sau đây cần có sự thăm khám của bác sĩ trước khi uống thuốc tẩy giun:
- Người đang mắc bệnh lý cấp tính, đang sốt (thân nhiệt trên 38.5oC)
- Người đang mắc một số bệnh lý mạn tính, như: suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản
- Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú, trẻ dưới 12 tháng tuổi
Dùng thuốc tẩy giun cho trẻ em như thế nào?
Vì nước ta ở khu vực có khí hậu nhiệt đới, tạo điều kiện thuận lợi cho giun sinh sản và phát triển. Tất cả mọi người đều có khả năng bị nhiễm giun nếu như không chú ý cũng như sinh hoạt không sạch sẽ. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm giun vì trẻ có tính hiếu động cao, luôn muốn tìm hiểu mọi điều xung quanh nên hay cầm nắm mọi thứ dù đồ vật có bẩn hay không.
Mặc dù không có triệu chứng nhiễm giun thì cha mẹ cũng có thể thực hiện tẩy giun cho con trẻ. Việc tẩy giun định kỳ tại cộng đồng cho trẻ được khuyến cáo từ 2 tuổi trở đi. Cần tẩy giun 6 tháng 1 lần cho trẻ. Nếu cần tẩy giun sớm hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ trước khi mua thuốc cho trẻ sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân trẻ.
Hiện nay có 4 loại thuốc được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo sử dụng cho trẻ em là Albendazol, Mebendazol, Pyrantel Embonate và Levamisole. Trong đó, Mebendazol và Albendazol được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào từng độ tuổi:
Đối với trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi (từ 1 tuổi đến dưới 2 tuổi): có thể dùng Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Đối với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên (từ 2 tuổi trở lên): có thể dùng Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Cách dùng thuốc:
- Thuốc có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, lưu ý cần uống thuốc sau khi ăn.
- Đối với trẻ nhỏ, có thể nghiền thuốc rồi pha với nước đun sôi để nguội và cho trẻ uống.
- Nên nhai thuốc tẩy giun và uống với nước.
Lưu ý, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, mề đay, khó thở, sốc phản vệ (hiếm). Vì vậy, cha mẹ cần theo dõi 48 giờ sau khi trẻ uống thuốc tẩy giun, đồng thời chụp lại ảnh loại thuốc tẩy giun đã dùng (vỏ hộp thuốc) để cho bác sĩ xem khi cần đến.
Câu hỏi thường gặp
Trẻ mấy tuổi thì cần phải tẩy giun?
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên là cần phải tẩy giun. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý, phối hợp với nhà trường, cơ sở mẫu giáo, để tẩy giun định kỳ đầy đủ, đúng liều lượng cho trẻ.
Sau khi uống thuốc tẩy giun bao lâu thì giun chết?
Thuốc sẽ được hấp thu và bắt đầu có tác dụng ngay sau khi uống. Tuy nhiên, để tiêu diệt hết giun, cần phải tốn khoảng vài ngày. Dựa theo cơ chế tác động của 2 loại thuốc hiện đang được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng, thuốc sẽ ngăn không cho giun hấp thu các loại đường (glucose) cần thiết để tồn tại và phát triển. Từ đó sẽ tiêu diệt giun sán trưởng thành, nhưng không giết chết trứng giun. Cần cho trẻ uống đúng liều lượng theo lứa tuổi, tránh việc uống quá liều, hoặc uống sai cách.
Uống thuốc tẩy giun có gây hại gì đến cơ thể không?
Khi cho trẻ em, cũng như người lớn, uống thuốc tẩy giun sán, cần chú ý theo dõi các phản ứng phụ có thể có trong 24 giờ đầu tiên sau khi uống thuốc. Một số tác dụng phụ không mong muốn khi uống thuốc tẩy giun, có thể gặp ở mức độ nhẹ như: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi… Đặc biệt đối với những người có cơ địa dị ứng, hoặc đã từng mẫn cảm dị ứng với các thành phần có trong thuốc. Thường các tác dụng phụ kể trên chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ, không đáng lo ngại, và sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn sau khi uống thuốc 1-2 ngày.
Phụ nữ đang cho con bú có uống thuốc tẩy giun được không?
Hiện nay, dữ liệu từ các báo cáo trường hợp chứng minh rằng một lượng nhỏ mebendazole có trong sữa mẹ sau khi uống còn rất hạn chế . Vì vậy, các mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng thuốc khi cần thiết,
Sau khi uống thuốc tẩy giun có được ăn không?
Sau khi tẩy giun, bạn có thể ăn uống bình thường vì thuốc không ảnh hưởng đến quá trình ăn uống cũng như không ảnh hưởng đến sự hấp thu thức ăn của bạn.
Kết luận
Để đề phòng bệnh giun sán, điều quan trọng nhất là tuyệt đối giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống. Đối với trẻ nhỏ, cần chú ý giữ cho tay chân trẻ sạch sẽ, cắt móng tay, không để trẻ đi chân đất, vì ấu trùng giun móc ở ngoài đất có thể đi xuyên qua da kẽ ngón chân để vào màu và di chuyển đến các cơ quan khác và gây bệnh. Ngoài ra, việc tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần đối với trẻ em là một trong những biện pháp hữu hiệu, đơn giản và cha mẹ, người chăm sóc trẻ không thể bỏ quên.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo