Cảm lạnh, cảm cúm là tình trạng bệnh quen thuộc ở khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi người cần nhận biết rõ triệu chứng của bệnh cảm và các nhóm thuốc cảm thường dùng để điều trị bệnh cảm để đảm bảo rút ngắn thời gian mắc bệnh. Cùng Docosan tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Giới thiệu về cảm lạnh, cảm cúm
Cảm lạnh, cảm cúm là gì?
Cảm lạnh là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên dễ lây lan ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang và khí quản do hơn 200 loại virus khác nhau. Bệnh cảm lạnh thường tự khỏi trong vòng một tuần đến 10 ngày. Trong trường hợp người bệnh không cảm thấy khỏe hơn trong vòng 10 ngày, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn. Theo thống kê, trung bình một người lớn bị cảm lạnh từ hai đến ba lần một năm, trong khi đó trẻ nhỏ bị cảm lạnh từ bốn lần trở lên trong vòng một năm.
Cảm cúm là căn bệnh mắc phải do virus cúm, diễn ra phổ biến nhất vào những tháng mùa đông gây nên dịch cúm. Bệnh cúm và cảm lạnh thông thường có thể có các triệu chứng tương tự nhau, ví dụ như sổ mũi và ho. Tuy nhiên, các triệu chứng cảm lạnh thường ít nghiêm trọng hơn bệnh cúm.
Nguyên nhân và tác nhân gây bệnh phổ biến
Rhinovirus là tác nhân phổ biến gây ra tới 50% ca bệnh cảm lạnh thông thường. Trên thực tế có hơn 100 loại Rhinovirus khác nhau. Ngoài ra còn có các loại virus khác, chẳng hạn như Coronavirus, cũng có thể gây bệnh cảm lạnh.
Bệnh cúm chủ yếu do virus cúm gây ra, trong đó cúm A, cúm B và C là những loại phổ biến nhất lây nhiễm cho con người. Cúm A và B là loại cúm thường diễn ra vào mùa đông và có các triệu chứng nghiêm trọng, cúm C không diễn ra theo mùa và các triệu chứng nhẹ nhàng hơn.
Triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm
Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường xuất hiện sớm và tiến triển nhanh chóng, bao gồm:
- Sốt.
- Rùng mình.
- Đau nhức cơ thể.
- Ho.
- Đau đầu.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Mệt mỏi, đuối sức.
- Tiêu chảy hoặc nôn mửa (thường chỉ xảy ra ở trẻ em).
Bên cạnh đó, các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm thường xuất hiện theo từng giai đoạn, bao gồm giai đoạn sớm, giai đoạn hoạt động và giai đoạn muộn.
- Giai đoạn sớm: Từ ngày 1 đến ngày 3
Theo thống kê, triệu chứng thường gặp nhất trong vòng 3 ngày đầu tiên mắc bệnh là cảm giác ngứa trong cổ họng. Ngoài ra, giai đoạn sớm còn có thể kèm theo các triệu chứng như: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho. khàn giọng.
- Giai đoạn hoạt động: Từ ngày 4 đến ngày 7
Các triệu chứng thường chuyển biến nặng hơn và đạt đỉnh trong giai đoạn này. Ngoài các triệu chứng ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể gặp phải các tình trạng: đau nhức cơ thể, đau đầu, chảy nước mắt và nước mũi, mệt mỏi, sốt (thường gặp ở trẻ em).
- Giai đoạn cuối: Từ ngày 8 đến ngày 10
Bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường bắt đầu thuyên giảm và chấm dứt hoàn toàn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể kéo dài như ho dai dẳng đến hai tháng sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp. Trong giai đoạn này, nếu cảm thấy các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc người bệnh bị sốt trở lại, cần liên hệ với bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất và kịp thời phát hiện các biến chứng, chẳng hạn như viêm phế quản, viêm xoang hoặc viêm phổi.
Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Cảm cúm và cảm lạnh đều là các bệnh truyền nhiễm xảy ra trong đường hô hấp, nhưng chúng do những loại virus khác nhau gây ra: Bệnh cúm chỉ do virus cúm gây ra, trong khi cảm lạnh thông thường có thể do một số loại virus khác nhau gây ra, bao gồm Rhinovirus, Parainfluenza và virus Corona theo mùa.
Bệnh cảm cúm và cảm lạnh có các triệu chứng tương tự nhau nhưng biểu hiện của cúm thường dữ dội và khởi phát đột ngột hơn cảm lạnh. Những người bị cảm lạnh có nhiều khả năng bị sổ mũi hoặc nghẹt mũi hơn nhưng thường không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh cúm, chẳng hạn như viêm phổi, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc phải nhập viện.
Vì cảm lạnh và cảm cúm có nhiều triệu chứng giống nhau nên có thể khó, hay thậm chí là không thể phân biệt được chúng nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Khi đó người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp.
Các loại thuốc trị cảm phổ biến
Thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi là thuốc làm giảm tình trạng nghẹt mũi bằng cách giảm sưng, viêm và giảm hình thành chất nhầy trong đường mũi, tuy nhiên nhóm thuốc này không có tác dụng điều trị các triệu chứng khác như sổ mũi hoặc hắt hơi. Thuốc thông mũi có thể được dùng bằng đường uống hoặc xịt trực tiếp vào mũi hay nhỏ vào mắt để cho tác dụng cục bộ hơn.
Trong cơ thể người, mũi được lót bằng nhiều mạch máu nhỏ. Khi con người tiếp xúc với virus hoặc các tác nhân gây dị ứng khác như phấn hoa, bụi mịn, lông thú cưng,… cơ thể sẽ phát động hệ thống miễn dịch làm tăng lưu lượng máu đến các mạch máu này, từ đó gây ra tình trạng sưng tấy và có thể chặn đường mũi, khiến việc hít thở bằng mũi trở nên khó khăn. Ngoài ra, lúc này các tuyến nhầy trong mũi cũng tiết ra nhiều chất nhầy hơn để bẫy chất gây dị ứng, góp phần làm tăng tình trạng nghẹt mũi ở người bệnh.
Hầu hết các thuốc thông mũi hoạt động thông qua cơ chế liên kết trực tiếp với thụ thể alpha-adrenergic hoặc kích thích giải phóng norepinephrine, một chất dẫn truyền hóa học, nhằm kích hoạt các thụ thể này gây co mạch, làm thu hẹp các mạch máu trong khu vực đang bị tắc nghẽn và giảm tình trạng sưng viêm.
Các loại thuốc thông mũi thường khác nhau về thời gian tác dụng, có thể chia thành:
- Thuốc thông mũi tác dụng ngắn (3 đến 4 giờ): Levmetamfetamine, Phenylephrine.
- Thuốc thông mũi tác dụng kéo dài (8 đến 12 giờ): Xylometazoline, Oxymetazoline.
Mất ngủ và khó chịu là tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo của thuốc thông mũi đường uống, tình trạng này có thể xảy ra ở 25% số người dùng các loại thuốc này. Ngoài ra, các tác dụng phụ khác có thể kể đến như:
Những loại thuốc khác nhau trong nhóm thuốc thông mũi có thời gian tác dụng khác nhau, vì vậy người dùng cần đặc biệt lưu ý đến thời gian uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhầm lẫn. Đồng thời, các tác dụng phụ phổ biến của thuốc thông mũi rất dễ trùng lặp với biểu hiện tăng huyết áp, do đó cần kiểm huyết áp thường xuyên ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến động huyết áp.
Thuốc giảm ho
Thuốc giảm ho còn được gọi là thuốc chống ho hoặc thuốc ức chế ho. Theo nhiều nghiên cứu, thuốc giảm ho được cho là có tác dụng ức chế vùng điều phối ho nằm ở thân não, phá vỡ cung phản xạ ho, mặc dù cơ chế hoạt động chính xác vẫn chưa được khẳng định. Một lưu ý quan trọng là thuốc giảm ho chỉ nên dùng để điều trị các cơn ho khan không có chất nhầy, vì việc ức chế các cơn ho có đờm bằng thuốc chống ho có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn nguy hiểm.
Các loại thuốc giảm ho có thể được phân loại theo khả năng gây nghiện, bao gồm:
- Thuốc giảm ho có nguồn gốc từ thuốc phiện, có khả năng gây nghiện: Pholcodine, Codeine, Dextromethorphan.
- Thuốc giảm ho không gây nghiện: Benzonatate.
Mặc dù thuốc giảm ho đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt ở người lớn nhưng tác dụng của chúng ở trẻ em vẫn chưa được chứng minh. Vì vậy, không nên tự ý dùng thuốc giảm ho cho trẻ em khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc long đờm
Thuốc long đờm là thuốc làm tăng hàm lượng nước có trong dịch tiết, làm giảm độ dính của dịch tiết và giúp chúng dễ được ho ra hơn. Một lưu ý quan trọng là không nên sử dụng phối hợp thuốc long đờm với thuốc giảm ho vì sẽ gây ức chế cơn ho có đờm, làm cản trở cơ thể loại bỏ chất nhầy dư thừa, các hạt lạ hoặc vi sinh vật khỏi đường thở.
Thuốc long đờm được chia làm nhiều loại với mục đích sử dụng có một vài điểm khác biệt, bao gồm: Ambroxol, Bromhexin, Natri benzoat, Guaifenesin, Kali iodide. Trong đó, Guaifenesin ngoài tác dụng long đờm còn giúp cải thiện khả năng sinh sản và khả năng sống sót của tinh trùng ở những phụ nữ có chất nhầy cổ tử cung suy giảm. Kali iodide được sử dụng để cải thiện khả năng hô hấp ở những người mắc các bệnh như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thũng.
Các tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng thuốc long đờm đã được báo cáo bao gồm:
- Chóng mặt.
- Nhức đầu.
- Phát ban.
- Lú lẫn.
- Chảy nước bọt quá nhiều.
- Mệt mỏi.
- Ảnh hưởng hệ tiêu hóa (như trào ngược acid, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau dạ dày).
- Rối loạn nhịp tim.
- Tê, ngứa ran, đau hoặc yếu ở tay hoặc chân.
- Loét da.
- Đau nướu răng.
- Rối loạn vị giác (có vị đồng thau hoặc vị kim loại trong miệng).
Bên cạnh đó, người bệnh thường được khuyến khích uống nhiều nước trong thời gian sử dụng thuốc long đờm để làm giảm cảm giác khó chịu do các tác dụng phụ và góp phần đẩy chất nhầy ra nhanh hơn.
Thuốc kháng histamine
Các thụ thể histamine H1 nằm trong đường thở (ống thở), mạch máu, dạ dày và thực quản (vùng họng). Các chất gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa hoặc lông thú cưng có thể kích thích các thụ thể này, gây ra sự giải phóng histamine, dẫn đến các triệu chứng như phát ban, hắt hơi, sổ mũi hoặc hẹp đường thở (còn gọi là co thắt phế quản).
Thuốc kháng histamine giúp ngăn chặn giải phóng histamine từ thụ thể histamine H1 và chủ yếu được dùng để điều trị dị ứng hoặc các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Bên cạnh đó, một số thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên (còn gọi là thuốc kháng histamine an thần) có thể được dùng để chữa buồn nôn hoặc say tàu xe.
- Thuốc kháng histamine có tác dụng làm giảm các triệu chứng của phản ứng dị ứng, bao gồm:
- Phát ban.
- Ngứa ngáy.
- Đỏ (viêm).
- Sưng (phù nề).
- Mắt đỏ và chảy nước.
- Sổ mũi.
- Hắt hơi.
Bên cạnh đó, thuốc kháng histamine an thần (thế hệ đầu tiên) còn tác động lên não, tủy sống và các thụ thể khác, do đó thường được dùng để:
- Gây ngủ.
- Ngăn ngừa hoặc điều trị say tàu xe.
- Giảm lo âu.
- Điều trị một số triệu chứng của bệnh Parkinson ở những người không thể dung nạp thuốc điều trị bệnh Parkinson truyền thống.
Thuốc kháng histamine có thể được phân thành hai nhóm chính theo thế hệ và tác dụng phụ gây buồn ngủ:
- Thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên (còn được gọi là thuốc kháng histamine an thần vì tất cả đều gây buồn ngủ): Brompheniramin, Carbinoxamin maleat, Clorpheniramin, Diphenhydramin, Hydroxyzin, Triprolidine.
- Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai (còn được gọi là thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ): thuốc xịt mũi Azelastine, Cetirizin, Desloratadin, Fexofenadin, Levocetirizin, Loratadin, thuốc xịt mũi Olopatadine.
Tác dụng phụ của thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên (có tác dụng an thần) có thể bao gồm:
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
- Táo bón.
- Mắt khô.
- Miệng khô.
- Buồn ngủ hoặc an thần.
- Đau đầu.
- Huyết áp thấp.
- Chất nhầy đặc lại ở đường hô hấp.
- Nhịp tim nhanh.
- Đau dạ dày.
- Vấn đề tiết niệu.
Tác dụng phụ của thuốc kháng histamine thế hệ thứ hai (không gây buồn ngủ) có thể bao gồm:
- Ho.
- Buồn ngủ (hiếm gặp).
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Buồn nôn.
- Đau họng.
- Đau dạ dày.
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Nhiệt độ cơ thể lúc bình thường có thể khác nhau giữa nhiều người và ngay cả ở cùng một người tại nhiều thời điểm, ngoài ra nhiệt độ này còn tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ hoạt động và thời gian trong ngày. Nếu sốt với nhiệt độ từ 39,4°C trở lên hoặc kéo dài hơn ba ngày, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc giảm đau, hạ sốt cho hợp lý.
Để làm giảm sự khó chịu do sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc các lựa chọn bao gồm Acetaminophen, Ibuprofen hoặc Aspirin. Tất cả các loại thuốc này đều hoạt động theo cơ chế ngăn chặn cơ thể sản xuất prostaglandin, một chất giúp kiểm soát cơn đau và điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Một số tác dụng phụ thường gặp liên quan đến sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt là khó tiêu, chóng mặt, buồn ngủ và loét dạ dày (do sử dụng lâu dài hoặc quá liều). Ngoài ra, các phản ứng dị ứng cũng có thể xảy ra sau khi dùng thuốc, bao gồm sốt, nổi ban, mẩn ngứa, nóng ran,…
Bên cạnh đó, thuốc Aspirin còn có thể gây ra các vấn đề trên đường tiêu hóa như khó tiêu và nguy cơ chảy máu, đặc biệt là đối với những người bị rối loạn chảy máu. Phản ứng dị ứng gây ra bởi Aspirin có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Đặc biệt, ở trẻ em, Aspirin có liên quan đến hội chứng Reye nghiêm trọng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị cảm cúm
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu rõ các tác dụng phụ có thể xảy ra và tuân thủ đúng liều lượng, cách dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh
Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng với virus, đồng thời nguy cơ kháng thuốc và các tác dụng phụ của kháng sinh là khá nghiêm trọng so với các nhóm thuốc khác.
Không sử dụng nhiều loại thuốc trị cảm cùng lúc
Người bệnh cần lưu ý không sử dụng nhiều loại thuốc trị cảm cùng lúc để hạn chế nguy cơ quá liều một số hoạt chất. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược về tất cả trường hợp kết hợp thuốc trong quá trình điều trị.
Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ em
Trẻ nhỏ dễ bị quá liều khi sử dụng thuốc và các tác dụng phụ của thuốc cũng trở nên trầm trọng hơn, vì vậy cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ. Một lưu ý quan trọng là không dùng thuốc Aspirin để hạ sốt cho trẻ em vì nguy cơ mắc hội chứng Reye nghiêm trọng.
Các phương pháp, mẹo điều trị cảm lạnh tự nhiên
Ngoài các nhóm thuốc điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm do bác sĩ chỉ định, người bệnh có thể cân nhắc kết hợp thêm một số phương pháp, mẹo điều trị bệnh cảm tự nhiên như:
- Uống nhiều nước, súp gà.
- Súc miệng bằng nước muối ấm, xịt họng.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Dùng kem dưỡng ẩm bôi lên mũi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Người bệnh cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra khi mắc bệnh cảm lạnh, cảm cúm, bao gồm:
- Sốt cao: Người trưởng thành sốt cao hơn 38°C là một dấu hiệu cho biết cơ thể đang có vấn đề nghiêm trọng hơn cả một cơn cảm lạnh thông thường, khi đó người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám xác định nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới tình trạng này.
- Đau đầu dữ dội: Tình trạng đau đầu dữ dội gây mất tập trung và giảm khả năng suy nghĩ cần được kiểm tra ngay vì đây có thể là dấu hiệu của các rối loạn trên hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như viêm màng não.
- Cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi: Nếu người bệnh cảm thấy đau nhức và yếu ớt đến mức khó rời khỏi giường và đi lại trong nhà, cần liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra nhanh chóng. Lúc này, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc kháng virus, giúp làm suy yếu các virus cúm và rút ngắn thời gian của các triệu chứng mệt mỏi.
- Mắc các bệnh mạn tính: Những người mắc phải các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, suy giáp hoặc rối loạn thận nên đi khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng cảm lạnh. Bởi vì người bị tiểu đường có thể gặp vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường khi bị cảm lạnh và các bệnh lý khác cũng có khó khăn tương tự. Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Tim đập nhanh: Nếu tình trạng tim đập nhanh xuất hiện kèm theo các triệu chứng cảm lạnh thì người bệnh không nên chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, cảnh báo virus tấn công tim, màng tim hoặc thuyên tắc phổi.
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn các bệnh viện, chuyên khoa truyền nhiễm uy tín dưới đây để kiểm tra sức khỏe khi bị cảm cúm, cảm lạnh:
- Bệnh viện Nhân dân 115.
- Bệnh viện Từ Dũ.
- Bệnh viện Nhi đồng 1.
- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
- Bệnh viện Chợ Rẫy.
- Bệnh Viện Đại Học Y Dược.
- Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn.
- Bệnh viện Bình Dân.
- Bệnh viện Hùng Vương.
- Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Xem thêm:
- Top 12 thuốc cảm cúm cho bé và những điều cha mẹ cần biết
- Các Loại Thuốc Cảm Cúm Và Lưu Ý Khi Sử Dụng
- Cách phân biệt các dấu hiệu của bệnh cảm cúm và cảm lạnh
Cảm lạnh và cảm cúm là bệnh lý thường gặp với những triệu chứng dễ kiểm soát, tuy vậy người bệnh và gia đình cần nhận biết điểm khác nhau giữa các nhóm thuốc trị bệnh cảm để lựa chọn cho phù hợp. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ rộng rãi đến người thân và bạn bè để cùng trang bị thêm kiến thức phòng và trị bệnh cảm.
Nguồn tham khảo:
1. Common Cold
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12342-common-cold
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
2. Flu (Influenza)
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4335-influenza-flu
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
3. Decongestants
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/drug-class/decongestants.html
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
4. Antitussives
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/drug-class/antitussives.html
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
5. Expectorants
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/drug-class/expectorants.html
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
6. Antihistamines
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/drug-class/antihistamines.html
- Ngày tham khảo: 30/08/2024
7. Fever Medicines & Tablets
- Link tham khảo: https://www.drugs.com/condition/fever.html
- Ngày tham khảo: 30/08/2024