Triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ và cách điều trị thủy đậu

Triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ và cách điều trị bệnh thủy đậu như thế nào luôn là một chủ đề được các bậc phụ huynh quan tâm vì thủy đậu là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan
do varicella-zoster virus (VZV) gây ra. Bệnh thường lành tính và đặc trưng bởi phát ban
mụn nước. Hãy cùng Docosan tìm câu trả lời cho hai vấn đề trên của bệnh thủy đậu rõ hơn qua bài viết này.

Bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ là gì?

triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ
Triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ và cách điều trị thủy đậu

Bệnh thủy đậu hay còn được gọi là bệnh phỏng rạ (ở miền Bắc), bệnh trái rạ (ở miền Nam), là một bệnh truyền nhiễm có thể gây dịch, do vi rút Varicella Zoster (VZV) gây ra.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với sang thương da và niêm mạc.

Triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu bị thủy đậu ở trẻ em có thể khác nhau qua từng giai đoạn bệnh:

Thời kỳ ủ bệnh

Là khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi phát ban mụn nước, thường kéo dài từ 10-21 ngày, trung bình là 14-17 ngày.

Bệnh có thể lây trong vòng 48 giờ trước khi hình thành mụn nước cho đến khi mụn nước đóng mày vào khoảng ngày thứ 7 của bệnh.

Thời kỳ khởi phát

Thời kỳ này kéo dài từ 1-2 ngày.

Ở trẻ em triệu chứng tiền triệu thường không nổi bật hoặc có khi không có:

  • Bé có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, bé hay khóc kèm phát ban. Phát ban là tiền thân của mụn nước – là những hồng ban không tẩm nhuận nổi trên nền da bình thường.
  • Trẻ có thể than đau bụng vùng thượng vị, hoặc đau lưng liên tục không thành cơn, đau cũng có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau khi sang thương da đã xuất hiện.

Thời kỳ toàn phát

Hay còn gọi là thời kỳ đậu mọc, kéo dài khoảng 5 ngày.

Triệu chứng quan trọng và đặc hiệu trong giai đoạn này là phát ban dạng mụn nước chủ yếu là ở da và cũng có thể ở niêm mạc:

triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ
Triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ và cách điều trị thủy đậu
  • Các sang thương ban đầu là những sẩn hồng ban dần tiến triển thành mụn nước có chứa dịch trong, sau một thời gian ngắn thì hóa đục và đóng mày.
  • Hầu hết các mụn nước có kích thước nhỏ với đường kính 5mm, to nhất là 12-13 mm, có nền là viền hồng ban.
  • Những mụn nước này có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, xuất hiện đầu tiên ở mặt và thân, sau đó lan ly tâm ra khắp cơ thể, chi dưới là nơi các nốt đậu cuối cùng xuất hiện.
  • Các sang thương da thủy đậu mọc nhiều đợt khác nhau (khoảng 2-3 đợt trong vòng 5 ngày rồi chấm dứt) trên cùng một vùng da, do đó trên cùng một vùng da có thể thấy các sang thương ở nhiều giai đoạn khác nhau với kích thước khác nhau.
  • Sự biến đổi của các sang thương da ở bệnh thủy đậu thường theo trình tự sau: hồng ban, mụn nước trong, mụn nước hóa đục, mụn nước lõm ở trung tâm do dịch rút ra ngoài hoặc có thể bị vỡ (thường do gãi ngứa hoặc do tì đè) và đóng mày vàng, đen.
  • Sang thương da thường nhiều và có xu hướng kết hợp hình thành bóng nước lớn tại vùng da bị kích thích hoặc bị tổn thương trước đó (ví dụ vùng da bị hăm do mặc tã)
  • Các sang thương mụn nước còn có thể xuất hiện trên niêm mạc hầu họng, kết mạc, khí quản, âm đạo và hậu môn. Tuy nhiên những mụn nước ở niêm mạc sẽ vỡ nhanh chóng và hình thành vết loét nông, đau rát, gây hạn chế ăn uống, nuốt đau và tiểu rát.

Ngoài hình thành các sang thương dạng bóng nước nhiều giai đoạn thì trẻ bị mắc thủy đậu sẽ thường ngứa nhiều, khiến trẻ gãi và làm vỡ các bóng nước gây bội nhiễm da lan rộng ra.

Mức độ nặng của bệnh có liên quan đến số lượng mụn (bóng) nước, sang thương da càng nhiều bệnh càng nặng.

Bệnh nhân thường có sốt nhẹ, tuy nhiên bệnh nhân có thể không sốt hoặc có thể sốt cao 40,5 độ C. Sốt thường đi kèm với phát ban, sốt bắt đầu giảm khi sự xuất hiện sang thương da bắt đầu chậm và ít lại.

Thời kỳ hồi phục

Thường bắt đầu sau một tuần kề từ lúc khởi phát bệnh.

Hầu hết các mụn nước sẽ đóng mày, khô và bong đi và để vết thâm. Vết thâm da nhạt dần trong trong vòng 1 tháng rồi biến mất không để lại dấu vết.

Đa số các bóng nước khi hồi phục sẽ không để lại sẹo trừ những bóng nước bị bội nhiễm có thể để lại sẹo nhỏ

Điều trị thủy đậu ở trẻ nhỏ

triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ
Triệu chứng thuỷ đậu ở trẻ nhỏ và cách điều trị thủy đậu

Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh thường lành tính và tự khỏi, chủ yếu là:

  • Điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt, kháng histamine giúp giảm ngứa, thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Điều trị thuốc kháng virus toàn thân – acyclovir càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu sau khi phát ban. Tuy nhiên Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ(AAP) khuyến cáo chỉ một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu trung bình đến nặng mới nên được xem xét điều trị với acyclovir:
    • Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn.
    • Những người có hệ thống miễn dịch yếu: Bị HIV, ung thư, điều trị hóa chất, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
    • Tiền sử bệnh về da hoặc bệnh lý mạn tính về tim, phổi.
  • Thuốc bôi tại chỗ nhằm mục đích chống bội nhiễm da như: Xanhmethylen, chỉ cần bôi những nốt phỏng đã vỡ để làm khô se bề mặt.

Triệu chứng thủy đậu ở trẻ nhỏ khác nhau qua từng giai đoạn nhưng dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh là các sang thương da dạng mụn nước có đặc điểm phân bố ly tâm, nhiều giai đoạn trên cùng một vùng da ở cùng một thời điểm, mọc thành từng đợt. Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh thường lành tính và tự khỏi, chủ yếu là điều trị triệu chứng, thuốc kháng virus và thuốc bôi tại chỗ.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo