Vi khuẩn gram âm và những thông tin bạn cần biết

Vi khuẩn là những sinh vật rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được, phải sử dụng đến kính hiển vi mới quan sát được. Nhìn chung, chúng được phân thành nhóm vi khuẩn gram âm và gram dương thông qua hình thức nhuộm gram. Hôm nay Doctor có sẵn sẽ giới thiệu tới các bạn nhóm vi khuẩn gram âm gây bệnh dịch hạch, bệnh tả, thương hàn và rất nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn khác.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Diễm Hương

Đặc điểm của vi khuẩn gram âm?

Vi khuẩn gram âm là gì? Vi khuẩn gram âm là nhóm vi khuẩn có màu đỏ hoặc hồng, do thành của vi khuẩn gram âm có độ thấm cao hơn vi khuẩn gram dương nên chất cồn dễ thấm vào tẩy màu sau khi phân hủy lớp màng ngoài, quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy có màu đỏ hoặc hồng.

Cấu tạo của vi khuẩn gram âm: khá giống với vi khuẩn gram dương, bao gồm các thành phần acid amin, lipid. Khác biệt của 2 nhóm đó chính là tỷ lệ lipid ở vi khuẩn gram âm cao hơn nhiều so với gram dương và không có acid teichoic. Ngoài tác dụng giữ hình thể ổn đinh và bảo vệ vi khuẩn, thành tế bào còn có chức năng mang những kháng nguyên của vi khuẩn.

vi khuẩn gram âm
Cấu tạo của vi khuẩn gram âm gần giống như vi khuẩn gram dương

Một số loại vi khuẩn gram âm thường gặp?

  • Cầu khuẩn gram âm: Neisseria gonorrhoeae (cầu khuẩn lậu), Neisseria meningitidis (cầu khuẩn màng não)
  • Trực khuẩn gram âm: Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Escherichia coli (E. coli, trực khuẩn đại tràng), Salmonella (trực khuẩn thương hàn), Shigella (trực khuẩn lỵ), Proteus (mầm bệnh cơ hội), Yersinia pestis (gây bệnh dịch hạch), Brucella (gây bệnh sốt kiểu làn sóng), Bordetella pertussis (trực khuẩn ho gà),
  • Phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), Campylobacter (gây tiêu chảy cấp)
  • Helicobacter pylori (HP, thường gặp trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng)
  • Haemophilus influenzae
  • Spirochaetes (xoắn khuẩn): Leptospira (xoắn khuẩn lepto)
vi khuẩn gram âm
Vi khuẩn Helicobacter pylori thường gặp trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Vi khuẩn gram âm thường gây ra bệnh gì và có thật sự nguy hiểm không?

Cầu khuẩn gram âm: Neisseria gonorrhoeae (cầu khuẩn lậu) gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, từ mẹ sang con,chủ yếu gây viêm sinh mủ cấp tính tại cơ quan sinh dục; Neisseria meningitidis (cầu khuẩn màng não) lây lan qua đường hô hấp giọt nước, xâm nhập tới vùng vòm họng (nasopharynx), sau đó đi vào máu gây nhiễm trùng huyết biểu hiện sốt cao, chấm xuất huyết, ban xuất huyết, đông máu nội mạch lan tỏa, trụy tim mạch. Đặc biệt cầu khuẩn màng não còn có thể theo đường máu qua màng não gây viêm màng não mủ (đột ngột, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cứng cổ, hôn mê).

Xem thêm:

Trực khuẩn gram âm:

  • Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh): tồn tại nhiều trong môi trường bệnh viện, là vi khuẩn gây bệnh cơ hội ở người suy giảm miễn dịch, tổn thương da, thủ thuật y khoa, lạm dụng kháng sinh. Loại vi khuẩn này thường gây các bệnh: nhiễm trùng vết thương, viêm tai ngoài, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng huyết,…
  • Escherichia coli (E. coli, trực khuẩn đại tràng): có khả năng sinh độc tố ruột (enterotoxin), làm tan máu (hemolysin), có thể gây nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh do khả năng diệt khuẩn của hệ miễn dịch của trẻ sinh non, dinh dưỡng kém là rất yếu ớt, gây viêm màng não ở trẻ em. Ở người lớn, vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ, viêm túi mật, tử cung, buồng trứng,… Ngoài ra còn gây tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác ở trẻ em và trẻ sơ sinh.
  • Salmonella (trực khuẩn thương hàn): gây bệnh thương hàn và phó thương hàn A,B; nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, thường chủ yếu do Salmonella typhi. Bệnh thường nặng, sốt kéo dài, lơ mơ. Vi khuẩn đến ruột non đi vào máu gây nhiễm trùng huyết, đặc biệt nội độc tố của salmonella sẽ tác động lên thần kinh giao cảm, gây hiện tượng mạch nhiệt phân ly (mạch chậm, nhiệt độ tăng).
  • Shigella (trực khuẩn lỵ): nội độc tố là lipopolysaccharide của thành tế bào vi khuẩn, kích thích thành ruột, còn có ngoại độc tố tiết ra bởi Shigella shiga, gây bệnh lỵ trực khuẩn có khả năng phát tán thành dịch. Shigella xâm nhập và khu trú niêm mạc ruột già gây hoại tử nhỏ, chảy máu, gây triệu chứng của bệnh lỵ (sốt, đau quặn bụng, mót rặn đi ngoài nhiều lần, phân lẫn nhầy máu mủ, bệnh ít gây nhiễm trùng huyết.
  • Proteus (mầm bệnh cơ hội): chủ yếu gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa ở trẻ, viêm mủ hóa ở người lớn, viêm tai, viêm đường tiết niệu, viêm kết mạc mắt.
  • Yersinia pestis (gây bệnh dịch hạch): bệnh có thể gây thành dịch, hiện tại đã được kiểm soát, gây bệnh đa dạng như viêm dạ dày – ruột, viêm ruột, viêm hạch mạc treo, viêm gan, viêm đa khớp…
  • Brucella (gây bệnh sốt kiểu làn sóng: bị bệnh do tiếp xúc với động vật, vi khuẩn thâm nhập vào máu gây bệnh viêm tinh hoàn, viêm tủy xương, màng não, viêm khớp, sốt kiểu làn sóng (undulant fever) sốt cao về chiều, hạ dần về đêm kèm vã mồ hôi.
  • Bordetella pertussis (trực khuẩn ho gà): truyền qua đường giọt bắn, khả năng lây nhiễm cao, càng nhỏ tuổi. Giai đoạn đầu gây viêm long hô hấp, sau đó là thời kỳ co thắt – co cứng biểu hiện co thắt hoặc ho ngạt thở, giai đoạn cuối cùng là thời kỳ kiệt sức, tác động dữ dội lên hệ thần kinh.
vi khuẩn gram âm
Vi khuẩn gram âm có thể gây bệnh trực khuẩn đại tràng

Phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh bằng cả ngoại độc tố và nội độc tố, mầm bệnh không vào máu mà khu trú ở ruột non, xâm nhập và giải phóng độc tố. Chúng gây tình trạng tiêu chảy toan hóa máu, choáng và chết. Triệu chứng thường gặp là nôn, tiêu chảy nhiều lần, phân giống như nước vo gạo, hạt lổn nhổn trắng, chứa nhiều phẩy khuẩn tả. Trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân cảm thấy rét lạnh, thân nhiệt hạ, co rút các cơ gây đau đớn toàn thân, đau cơ bụng, mạch yếu, trụy tim mạch, vô niệu.

Campylobacter (gây tiêu chảy cấp) vào ruột thông qua con đường ăn uống, triệu chứng có thể gặp là khó chịu, nhức đầu, đau mỏi khớp, sốt, đau vùng bụng dưới, tiêu chảy dữ dội, phân tồn nước, lẫn máu. tiêu chảy đa số tự khỏi.

Helicobacter pylori (HP, thường gặp trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng): có khả năng tiết protease làm giảm bớt pH dịch dạ dày, tiết urease làm phân hủy urea tạo ra amoniac kiềm hóa môi trường, do đó nếu HP có thể sống và di chuyển, xâm lấn tiết độc tố, lipopolysaccharide phá hủy lớp tế bào nhầy, gây viêm loét, ung thư.

vi khuẩn gram âm
Helicobacter pylori thường gặp trong bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Haemophilus influenzae phối hợp với các vi khuẩn khác gây viêm long đường hô hấp cấp tính, có tính chất mùa, tạo điều kiện cho các vi khuẩn thường trú ở niêm mạc hô hấp tấn công cơ thể.

Kết luận

Như vậy có thể thấy, vi khuẩn gram âm như một nỗi ám ảnh với chúng ta, khi chúng có mặt ở khắp mọi nơi và gây bệnh hết sức đa dạng, phong phú, tiềm ẩn những mối đe dọa vô cùng lớn với tính mạng của người bệnh. Theo thời gian, vi khuẩn sẽ tiến hóa và chống lại các phương thức điều trị, gây khó khăn cho hệ thống y tế. Khả năng gây bệnh của vi khuẩn gram âm cũng rất khôn lường, có thể chỉ gây vài triệu chứng nhẹ, bệnh nhân tự mua thuốc uống làm tăng khả năng đề kháng thuốc ngày một nghiêm trọng, nhưng cũng có thể đưa bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch, tử vong. Bởi vậy, việc điều trị bệnh do vi khuẩn gram âm trở nên khó khăn hơn.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  • Bài giảng Vi sinh y học, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  • Gram-negative Bacteria Infections in Healthcare Settings, CDC.

Có thể bạn quan tâm