Vi khuẩn HP là gì? Dấu hiệu mắc phải và cách điều trị

Hầu như người bị nhiễm khuẩn HP đều không nhận ra, cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, đến bác sĩ kiểm tra và kết luận đã nhiễm vi khuẩn HP. Nhiễm HP hoàn toàn có thể điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh. Vậy vi khuẩn Helicobacter pylori là gì ? Tại sao lại nhiễm khuẩn HP? Cách nhận biết và điều trị như thế nào?… Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Doctor có sẵn.

Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (hay H.pylori) tên đầy đủ là Helicobacter pylori, H.pylori là một loại vi khuẩn sống chủ yếu ở lớp nhầy của dạ dày, loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra một chất là Urease giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày. Vi khuẩn này do hai bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry J. Marshall phát hiện năm 1982, khi nội soi dạ dày và lấy sinh thiết mẫu niêm mạc và nghiên cứu. Phát hiện này được trao tặng giải Nobel Y học và Sinh lý học vào năm 2005.

Sư phát triển và hoạt động của chúng gây nên các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, và trong một số ít trường hợp, có thể tiến triển thành ung thư dạ dày

Hình ảnh vi khuẩn HP

Nhiễm vi khuẩn HP như thế nào?

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ cơ chế nhiễm vi khuẩn HP. Trong một số trường hợp, thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân. Ngoài ra, vi khuẩn HP cũng được tìm thấy trong nước bọt của người đã nhiễm, vì vậy các chuyên gia cho rằng nó có thể lây từ người này sang người khác, chủ yếu qua các đường sau:

Đường miệng – miệng

Vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, mảng vôi răng có thể lây lan giữa người với người khi cùng sinh hoạt, dùng chung dụng cụ ăn uống cùng với người có nhiễm vi khuẩn.

Đường phân – miệng

khi niêm mạc dạ dày bong tróc mang theo vi khuẩn HP theo phân được thải ra ngoài cơ thể cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Đường dạ dày – miệng

Dụng cụ hay bệnh phẩm nội soi dạ dày sau khi thực hiện nếu không được đảm bảo khử khuẩn đúng cũng là nguồn nguy cơ gây lây nhiễm vi khuẩn HP

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP?

Nhiễm vi khuẩn HP thường mắc phải từ lúc còn bé. Các yếu tố nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp có liên quan đến điều kiện sống trong thời thơ ấu của bạn, ví dụ như:

  • Sống trong điều kiện đông đúc, chật chội.
  • Không có nguồn nước sạch để sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt.
  • Dân cư tại các nước đang phát triển, vì tại đây điều kiện sống và vệ sinh thường thường còn chưa được đảm bảo, khiến nguy cơ mắc vi khuẩn HP tăng cao.
  • Sống và sinh hoạt cùng người bị nhiễm vi khuẩn HP

Triệu chứng nhận biết nhiễm vi khuẩn HP

Đa số người bệnh nhiễm vi khuẩn HP đều không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng cảnh báo nào. Một số ít được ghi nhận các biểu hiện như sau:

  • Đau hoặc nóng rát ở bụng.
  • Đau bụng nhiều và nặng hơn khi bụng đói, 
  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Ăn không ngon.
  • Thường xuyên ợ hơi, ợ nóng.
  • Sụt cân không có chủ đích.

Một số triệu chứng khác báo hiệu một tình trạng tổn thương đường tiêu hóa nặng nề mà có thể do hoặc không do H.p mà bạn cần nên đi đến bác sĩ ngay:

  • Đau bụng tồi tệ hơn và kéo dài.
  • Khó nuốt.
  • Đi cầu thấy phân lẫn màu đen hoặc màu đỏ bầm.
  • Thường xuyên buồn nôn, nôn ói. Chất nôn có máu đỏ hoặc đen.

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP và các xét nghiệm thường dùng

Hiện nay có rất nhiều các xét nghiệm để chẩn đoán vi khuẩn HP, và mỗi phương pháp đều có các ưu và nhược điểm riêng và việc lựa chọn sẽ do các bác sĩ sau khi thăm khám và tư vấn chỉ định. Sau đây là một cài các xét nghiệm thường dùng hiện nay để chẩn đoán và theo dõi điều trị khi nhiễm HP.

Nội soi dạ dày  

Đây là một trong những thủ thuật được dùng nhiều nhất để chẩn đoán. bác sĩ sẽ đưa một ống dài mỏng có gắn camera vào miệng (hoặc mũi) để quan sát họng, thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thu thập một mẫu mô để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn thông qua các phương pháp khác nhau như Clo test, soi trên kính hiển vi, PCR,.. để tìm vi khuẩn HP. 

bên cạnh đó, các phương pháp này không chỉ nhằm xác định sự hiện diện của của vi khuẩn HP mà còn để đánh giá những thương tổn kèm theo ở niêm mạc dạ dày như viêm cấp, viêm teo, chuyển sản, nghịch sản và ung thư dạ dày. Bởi lẽ mật độ nhiễm H.p có liên quan đến thương tổn mô bệnh học, vì thế lấy mẫu mô để xét nghiệm còn giúp đánh giá những thay đổi mô bệnh học của niêm mạc dạ dày trước và sau điều trị diệt trừ vi khuẩn HP. 

Xét nghiệm hơi thở

Trong thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân được cho uống 1 viên nang chứa ure (CO(NH2)2) trong đó phân tử C (carbon) được đánh dấu C14 hoặc C13. Nếu trong dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn H.p thì enzym urease do vi khuẩn tiết ra sẽ phân giải ure trong viên nang thành NH2 và CO2 (với C được đánh dấu đã nêu trên). Khí CO2 được khuếch tán vào máu và sau một thời gian ngắn chúng sẽ hiện diện trong hơi thở của người bệnh. Người bệnh sẽ thở bằng miệng vào một cái ống gắn với máy, và sẽ xem mẫu hơi thở có chứa C14 hay C13 không để cho kết quả xét nghiệm có hay không có sự hiện diện của vi khuẩn HP.

Kết quả cả hai thử nghiệm thở C13 và C14 đều giống nhau và đều chính xác, chúng  khác nhau ở chỗ C13 là chất không gây phóng xạ còn C14 là chất có hoạt tính phóng xạ. Do C14 có hoạt tính phóng xạ nên không được dùng cho trẻ em và phụ nữ mang thai còn C13 thì an toàn hơn và dùng được cho mọi đối tượng.

Cách này đơn giản để thực hiện, nhưng không đồng thời quan sát được mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày có hay không, mức độ như thế nào.

Xét nghiệm máu

Khi một người nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể sẽ đáp ứng lại tình trạng nhiễm khuẩn này bằng cách tiết ra kháng thể và xét nghiệm máu để tìm sự tồn tại của kháng thể đó. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60-70% người có phản ứng này, vì thế phương pháp này có độ chính xác không cao

Tuy nhiên xét nghiệm dương tính chỉ cho biết bạn đã từng hoặc đang nhiễm HP. vì thế xét nghiệm có thể vẫn cho kết quả dương tính sau 18 tháng sau khi người bệnh đã được điều trị thành công. Xét nghiệm máu chỉ chính xác nếu người bệnh chưa từng điều trị vi khuẩn HP trước đây.

Xét nghiệm phân

thông qua mẫu phân có thể tìm thấy được các thành phần của vi khuẩn HP. Xét nghiệm này phù hợp với các trẻ em nhỏ

Điều trị vi khuẩn HP như thế nào?

Khi đã chẩn đoán xác định có nhiễm vi khuẩn HP và cần điều trị, bác sĩ sẽ bắt đầu biện pháp điều trị với thuốc trong vòng 2 tuần. Một số tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc như mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, đắng miệng, ăn không ngon, tiêu chảy…. Có nhiều phác đồ để điều trị H.p, và việc này tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, thông thường trong các phác đồ sẽ bao gồm các loại thuốc kháng sinh và thuốc kháng tiết dạ dày.

khoảng thời gian 2 tuần kể trên được xem là giai đoạn điều trị tấn công để tiêu diệt vi khuẩn, tuy nhiên, tổng thời gian điều trị sẽ thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng, tuỳ vào mức độ đáp ứng điều trị của người bệnh.

Sau khi điều trị giảm bớt triệu chứng, người bệnh sẽ ngưng điều trị 2 tuần và kiểm tra lại bằng các xét nghiệm, sau đó sẽ dựa vào mức độ tổn thương dạ dày của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định thời gian điều trị, để tránh tái phát hoặc viêm dạ dày mạn tính.

Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP

Tuy vẫn chưa thực sự hiểu rõ cách để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn HP nhưng các chuyên gia dịch tễ cũng đã đưa ra một số khuyến cáo để giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh:

  • Rửa tay với xà phòng và nước, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Ăn thực phẩm đã được xử lý và chế biến một cách an toàn.
  • Chỉ uống nước sạch, uống nước đun sôi để nguội và an toàn.
  • Hạn chế dùng chung muỗng đũa khi đang ăn, chấm chung các nước chấm.

Lời kết

Nhiễm vi khuẩn HP hoàn toàn có thể điều trị khỏi với kháng sinh, vì vậy việc sớm nhận biết các triệu chứng hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, để chẩn đoán sớm bệnh và tuân thủ điều trị, giúp tránh các tổn thương nặng nề ở đường tiêu hoá do vi khuẩn HP gây ra.

Xem thêm: Thuốc Moxifloxacin


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tài liệu tham khảo:

  1. Helicobacter pylori (H.pylori) infection – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/symptoms-causes/syc-20356171 
  2. Vi khuẩn HP không chỉ gây bệnh ở dạ dày – https://suckhoedoisong.vn/vi-khuan-hp-khong-chi-gay-benh-o-da-day-n167485.html
  3. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh (Ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015)