Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây bệnh thương hàn, đồng thời vi khuẩn này cũng là căn nguyên phổ biến, gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong những năm gần đây. Người bệnh bị ngộ độc do Salmonella có thể có biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong. Để hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này, mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu ngay bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Vi khuẩn Salmonella là gì?
- 2 Đặc điểm của vi khuẩn Salmonella
- 3 Salmonella gây bệnh gì?
- 4 Nhiễm khuẩn Salmonella có nguy hiểm không?
- 5 Dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn Salmonella
- 6 Làm sao để chẩn đoán nhiễm khuẩn Salmonella?
- 7 Các biện pháp điều trị nhiễm khuẩn Salmonella
- 8 Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
- 9 Kết luận
Vi khuẩn Salmonella là gì?
Salmonella là một loại trực khuẩn gram âm:
- Trực khuẩn là từ để miêu tả hình dạng của vi khuẩn: Khi quan sát dưới kính hiển vi trực khuẩn có hình dạng đoạn thẳng, hình que,
- Gram âm: Dựa vào phương pháp nhuộm màu đặc biệt để phân biệt các loại vi khuẩn thành 2 nhóm: gram dương và gram âm. Vi khuẩn gram âm có lớp màng tế bào dễ bị phá huỷ bởi cồn khi tẩy màu, do đó không giữ được màu tím mà được thay bằng các màu khác.
Dựa vào sự khác nhau về cấu trúc kháng nguyên, Salmonella thường gây bệnh cho người có thể được nhận dạng và phân loại thành các type sau: Salmonella typhi, Salmonella paratyphi A, Salmonella paratyphi B, Salmonella paratyphi C, Salmonella typhimurium, Salmonella choleraesuis…
Đặc điểm của vi khuẩn Salmonella
Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm quy mô lớn liên quan đến Salmonella có trong thực phẩm, như tại Đông Anh (Hà Nội) ngày 14/11/2018 đã có hơn 200 trẻ em bị ngộ độc thực phẩm và kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân dương tính với Samonella. Vì vậy, việc hiểu rõ các đặc điểm của vi khuẩn Salmonella là điều quan trọng để có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Salmonella có khả năng sống sót bên ngoài cơ thể con người và động vật một thời gian khá dài (vi khuẩn sống trong nước 2 – 3 tuần, trong phân hoặc nước đá có thể 2 – 3 tháng). Samonella bị huỷ bởi nhiệt độ: 500C trong vòng 1 giờ hoặc 1000C trong vòng 5 phút, do đó việc ăn thức ăn nấu chín kỹ và uống nước đun sôi để nguội làm giảm nguy cơ nhiễm samonella.
Bên cạnh đó, trực khuẩn này có thể bị tiêu diệt bởi những chất sát khuẩn thông thường, do đó tại những nơi bệnh nhân bị nhiễm samonella sinh sống nên được tẩy trùng để giảm nguy cơ lây lan vi khuẩn ra cộng đồng.
Salmonella gây bệnh gì?
Tùy theo từng type vi khuẩn Salmonella có thể gây các bệnh cảnh khác nhau, nhưng chủ yếu là các vấn đề tại đường tiêu hoá:
Bệnh thương hàn
Ở nước ta, bệnh thương hàn chủ yếu do Salmonella typhi gây ra. Bệnh có thể lây lan thông qua nước uống, thức ăn bị nhiễm khuẩn không được nấu chín hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người lành mang vi khuẩn thông qua chất thải, tay, chân, đồ dùng bị nhiễm khuẩn.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan, diễn tiến từ nhẹ đến nặng.
Nhiễm Samonella không gây thương hàn
Các type samonella khác nhau gây ra các bệnh cảnh khác nhau như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thức ăn, viêm ruột… với những triệu chứng thường gặp là sốt, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy… Ngoài ra, Salmonella còn có thể xâm nhập vào đường máu và gây các nhiễm trùng ở vị trí khác trên cơ thể như viêm màng não, viêm phổi…
Nhiễm trùng Salmonella không thương hàn thường gặp và do tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với nhiều loài động vật nhiễm bệnh, thực phẩm có nguồn gốc từ chúng và phân của chúng.
Nhiễm khuẩn Salmonella có nguy hiểm không?
Tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Có nhiều yếu tố tác động đến biểu hiện của bệnh, chẳng hạn như độ tuổi, bệnh nền…
Đối với trẻ em hoặc một số đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm (do bệnh lý hoặc do dùng thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị một số bệnh lý), bệnh có thể diễn tiến nặng nề hơn, vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng huyết và các tình trạng viêm nhiễm nặng khác ở xương, màng não, phổi…
Trong bệnh thương hàn, biến chứng nguy hiểm nhất là thủng ruột, chảy máu đường tiêu hoá hoặc nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ xảy ra các biến chứng này là khoảng 5%.
Như vậy, chúng ta cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh, đặc biệt các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm để sớm nhận diện bệnh và đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm khuẩn Salmonella
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm do Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, đột ngột, trong vòng 8 tiếng đến 3 ngày sau khi ăn hoặc uống nước bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Đau bụng co thắt, quặn cơn.
- Tiêu chảy, phân có thể có máu và rất hôi.
- Sốt, ớn lạnh.
- Đau cơ, nhức mỏi.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Dấu hiệu mất nước: nước tiểu sẫm màu, khô miệng, khát nước.
- Có thể phát hiện trên da vùng bụng có các chấm nhỏ màu hồng, ban xuất hiện từ 7 đến 12 ngày rồi biến mất.
- Nếu như bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng huyết cần phải được xử trí cấp cứu để tránh những biến chứng nặng nề hơn có thể gây tử vọng cho bệnh nhân.
Khi có các dấu hiệu trên, đặc biệt khi gặp ở trẻ em, người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có các biện pháp điều trị kịp thời.
Làm sao để chẩn đoán nhiễm khuẩn Salmonella?
Bác sĩ sẽ dựa vào diễn biến của quá trình bệnh, yếu tố dịch tễ, tiếp xúc nguồn bệnh, và thăm khám trực tiếp vùng bụng của người bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm máu, phân và nước tiểu để tìm ra sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella trong cơ thể người bệnh, từ đó đưa ra chẩn đoán xác định bệnh.
Các biện pháp điều trị nhiễm khuẩn Salmonella
Nguyên tắc điều trị cho bệnh nhân là :
- Kháng sinh thích hợp
- Hỗ trợ, nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân, đặc biệt là việc đảm bảo cơ thể bệnh nhân không bị mất nước và điện giải
- Phát hiện và điều trị sớm các biến chứng như thủng ruột, xuất huyết tiêu hoá…
- Dùng corticoid liều cao cho những bệnh nhân có biểu hiện viêm não hoặc nhiễm độc nặng.
Tuỳ thể trạng của bệnh nhân, giai đoạn bệnh và các biến chứng mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, chúng ta cần đặc biệt lưu ý trong vấn đề giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể như:
- Rửa trái cây và rau dưới vòi nước chảy.
- Rửa tay thật sạch với xà phòng trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm.
- Vệ sinh dụng cụ chế biến, dụng cụ ăn cũng như không gian nhà bếp định kỳ.
- Không ăn tiết canh, không ăn thịt tái.
- Thức ăn nấu để dành cần nấu chín, để nguội và sau đó cho vào tủ lạnh ngay, tối đa là trong vòng 4 giờ đồng hồ sau khi nấu xong.
- Thức ăn dư thừa, thức ăn dự trữ, cần phải được nấu lại trước khi ăn.
- Thực phẩm nên được bảo quản trong tủ lạnh.
- Khi ăn ở các quán ăn ngoài đường, cần chú ý tránh các quán có môi trường ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, đũa muống không sạch sẽ.
Ngoài ra, hiện nay đã có vaccine phòng bệnh thương hàn, thường được chỉ định cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao như người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc các nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh.
Kết luận
Salmonella là vi khuẩn thường gây bệnh ở những nơi môi trường sống có tình trạng vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm… Tuân thủ giữ vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi và đảm bảo bàn tay thật sạch trước và sau khi chế biến thức ăn và khi ăn uống là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu để tránh nhiễm khuẩn Salmonella.
Bệnh do trực khuẩn này gây ra diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong, đặc biệt nguy hiểm ở những nhóm đối tượng nguy cơ. Vì vậy chúng ta cần nắm các dấu hiệu nhận biết bệnh và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Khuẩn Salmonella
- Phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella như thế nào ?
- Ngộ độc thực phẩm do Salmonella và cách xử trí
- Salmonella – Vi khuẩn đường ruột
- Bệnh thương hàn
Có thể bạn quan tâm