Các triệu chứng nhiễm vi khuẩn uốn ván bạn cần biết

Vi khuẩn uốn ván gây nên bệnh uốn ván, một căn bệnh nghe không quá xa lạ với mọi người. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này, như vi khuẩn gây bệnh như thế nào, lây truyền ra sao và có triệu chứng gì. Vậy nên hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu về vi khuẩn uốn ván và căn bệnh mang tên nó trong bài viết dưới đây nhé.

Tổng quan về vi khuẩn uốn ván

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) sinh ra tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Đặc điểm sinh học của vi khuẩn uốn ván

Clostridium tetani là một loại vi khuẩn gram dương, có lông quanh thân, di động tương đối trong môi trường yếm khí. Vi khuẩn uốn ván có dạng hình que nên cũng thường được gọi là trực khuẩn uốn ván.

Trực khuẩn thường tạo nha bào, nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào trực khuẩn nên có hình dùi trống. Mặc dù vi khuẩn uốn ván chết ở 56 độ  C, nhưng nha bào uốn ván có sức sống rất mãnh liệt. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin chỉ có thể diệt nha bào sau 8-10 tiếng, nha bào chỉ chết hoàn toàn sau khi đun sôi ít nhất 30 phút hay trong lò hấp 120 độ C trong 15-20 phút.

Vi khuẩn uốn ván có mặt khắp nơi trên thế giới. Vi khuẩn trưởng thành tồn tại dưới dạng nha bào, chủ yếu được tìm thấy trong đất, đất, bụi, phân, nước. Nha bào có khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Vi khuẩn gây bệnh uốn ván bằng cách tiết ra 2 loại độc tố: Tetanospasmin và Tetanolysin.

Vi khuẩn uốn ván lây qua đường nào?

Bệnh uốn ván không lây giữa người với người. Chủ yếu, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể người lành qua các vết thương nhiễm bẩn.

  • Vết thương hở: Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương, vết rách, vết xước, vết bỏng, bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật; vết tiêm chích nhiễm bẩn; đinh đâm, gai đâm.
  • Do thủ thuật y tế: Một số trường hợp hi hữu bị uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai do điều kiện không vệ sinh, không đảm bảo vô khuẩn hoặc dụng cụ bị nhiễm bẩn.
  • Uốn ván sơ sinh: trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì một hoặc nhiều lý do như cắt rốn bằng dụng cụ bẩn, không được chăm sóc rốn sạch sẽ, băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên bị nhiễm nha bào uốn ván. Bệnh uốn ván sơ sinh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi hay trẻ ở vùng sâu, vùng xa, không thể đến cơ sở y tế.

Bệnh uốn ván có nguy hiểm không?

Hai loại độc tố Tetanospasmin và Tetanolysin do vi khuẩn uốn ván sinh ra có tác dụng cực kỳ nguy hiểm đối với con người.

  • Tetanospasmin một chất độc thần kinh cực kỳ mạnh, còn được gọi là độc tố gây co giật, hoặc TeNT, là một trong những độc tố nguy hiểm nhất trên thế giới. Chỉ với 1 mg độc tố Tetanospasmin đã có thể giết được 50 – 70 triệu con chuột.
  • Tetanolysin là độc tố làm hủy hoại các mô. Khi xâm nhập vào cơ thể trong điều kiện vết thương yếm khí, hoặc có vùng hoại tử, hủy hoại tổ chức xung quanh.

Bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc uốn ván khoảng 1,87 ca/100.000 dân, tỷ lệ tử vong bởi uốn ván dưới 5%; ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có 200-400 ca mắc uốn ván, tỷ lệ tử vong 1-2%.

Triệu chứng nhận biết nhiễm vi khuẩn uốn ván

Thời kỳ ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh được tính từ khi có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh uốn ván – cứng hàm, thường từ 3 đến 21 ngày. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn.

Thời gian ủ bệnh càng ngắn, bệnh tiên lượng càng xấu. Vết thường càng xa hệ thần kinh trung ương (não và tuỷ sống) thì thời gian ủ bệnh càng dài.

Thời kỳ khởi phát

Tính từ lúc cứng hàm đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc cơn co thắt hầu họng đầu tiên, thường từ 1-7 ngày, trung bình 48 giờ. Thời gian khởi phát càng ngắn, nhất là trong 48 giờ đầu, bệnh càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao. Triệu chứng điển hình như:

Cứng hàm: là triệu chứng khởi đầu của thời kỳ khởi phát, độc tố của vi khuẩn uốn ván làm co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt khiến cho bệnh nhân cứng hàm, có nét mặt “cười nhăn”: nếp nhắn trán hằn rõ, hai chân mày châu lại, khoé miệng rộng. Dấu hiệu này gặp ở tất cả các ca bệnh, tiến triển tăng dần làm bệnh nhân:

  • mỏi hàm,
  • nói khó,
  • nuốt vướng,
  • khó nhai,
  • khó há miệng tăng dần và liên tục.

Co cứng cơ: xảy ra liên tục, trình tự, khởi đầu là cơ nhai, lan ra cơ mặt, lan xuống cơ cổ, cơ lưng bụng, cơ chi dưới và sau cùng là cơ chi trên. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước.

Đau: các cơn co cứng kèm theo cảm giác đau. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị sốt cao, bồn chồn, vã mồ hôi.

Thời kỳ toàn phát

Tính từ lúc có cơn co giật toàn thân hay cơn co thắt hầu họng, thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu thời kỳ lui bệnh, thường kéo dài từ 10-14 ngày tuần với biểu hiện:

  • Co giật kiểu uốn ván: Co lần lượt của 2 nhóm cơ vân gây giật mạnh toàn thân, tự nhiên hay khi kích thích, tự hết. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn.
  • Co thắt hầu họng, thanh quản: Cũng là co giật, triệu chứng nguy hiểm, không có dấu hiệu báo trước, gây chết nhanh. Co thắt hầu họng gây khó thở, tím tái, suy hô hấp, ngưng thở. Co thắt hầu họng gây khó nuốt, nuốt vướng, ứ đọng đờm, sặc.
  • Bí tiểu, bí đại tiện: Do co thắt cơ vòng. Trong các cơn co giật, bệnh nhân vẫn tỉnh, nắm chặt tay do không rối loạn tri giác.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Tím tái, vã mồ hôi, tăng tiết đờm dãi, sốt cao 39–40 độ C, tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp tim có thể ngừng tim.

Thời kỳ lui bệnh

Bắt đầu khi các cơn co giật toàn thân hay co thắt hầu họng,thanh quản bắt đầu thưa dần, tình trạng co cứng toàn thân còn kéo dài nhưng mức độ giảm dần; miệng từ từ há rộng; phản xạ nuốt dần trở lại. Thời kỳ này kéo dài khoảng 3-4 tuần, thời gian để cơ thể tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh mới, thay cho những chất đã bị bất hoạt bởi độc tố của vi trùng uốn ván.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Các triệu chứng nhiễm vi khuẩn uốn ván bạn cần biết”. Phòng bệnh uốn ván là vô cùng cần thiết, nhất là khi bị thương và vết thương bị nhiễm bẩn. Khi đó hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời bạn nhé.

Xem thêm: Giá tiêm uốn ván

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: CDC

Có thể bạn quan tâm

Contact Me on Zalo