Cúm B là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Cúm B là một trong hai loại virus chính gây ra đợt dịch cúm theo mùa hàng năm. Người mắc cúm B có thể có các triệu chứng như ho, sốt và đau nhức cơ thể. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu cúm B là gì và cách phòng ngừa loại virus này nhé!

Giới thiệu tổng quát về về Cúm B 

Cúm B là gì?

Cúm B là một trong bốn loại cúm mùa (4 type A, B, C, D) gây nhiễm trùng đường hô hấp. Theo thống kê, tại Việt Nam, cúm B chiếm khoảng 40% ca cúm mùa mỗi năm, còn lại là cúm A chiếm 60%, rất hiếm gặp cúm C và cúm D.

Virus cúm B được chia thành hai dòng chính là B Yamagata và B Victoria. Nhìn chung, hai dòng này có đặc tính di truyền khá giống nhau do bản chất virus cúm B ít thay đổi kháng nguyên và tiến trình thay đổi cũng chậm hơn so với cúm A.

Cả cúm A và cúm B đều gây ra các triệu chứng ho, đau họng, đau cơ và sốt. Tuy nhiên, hai type virus này cũng khác nhau ở một số điểm nhất định được trình bày trong bảng sau: 

Đặc điểm Virus cúm A Virus cúm B
Phân nhóm Phân thành nhiều chủng virus dựa trên protein hemagglutinin (H) và neuraminidase (N) 2 dòng chính là B Yamagata và B Victoria.
Đối tượng gây bệnh Người và động vật Chỉ gây bệnh trên người.
Biến chứng Trên hệ thần kinh Trên hệ tiêu hóa

Mặc dù xét trên lâm sàng, cúm A có khả năng cao gây bệnh nặng hơn cúm B, nhưng nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy, cả hai chủng cúm trên đều nguy hiểm như nhau và có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là người bệnh từ 65 tuổi trở lên.

Virus cúm B được chia thành hai dòng chính là B Yamagata và B Victoria
Virus cúm B được chia thành hai dòng chính là B Yamagata và B Victoria

Cúm B có nguy hiểm không? Một số biến chứng của cúm B

Nếu không điều trị kịp thời, người mắc virus cúm B có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Biến chứng này thường khởi phát đột ngột, gồm các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau đầu, ho khan và đau cơ.

Bên cạnh nhiễm trùng đường hô hấp, các biến chứng nghiêm trọng khác của bệnh cúm B có thể kể đến như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm tủy, viêm màng não, co giật do sốt hoặc không rõ nguyên nhân, hội chứng Guillain-Barré, hội chứng rối loạn chức năng tiểu não. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể tử vong.

Biến chứng thần kinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở bệnh nhân nhiễm virus cúm. Hiện nay, chỉ mới ghi nhận 01 trường hợp viêm não do virus cúm B tại London, Anh vào năm 1946 và một vài triệu chứng liên quan đến thần kinh được báo cáo ở trẻ em với tần suất dưới 1/10.000. Cúm B thường được đánh giá là một căn bệnh nhẹ, với các biến chứng thần kinh ít gặp hơn so với cúm A.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 32 bệnh nhân nhiễm virus cúm B cho thấy, có 7 bệnh nhân (tuổi trung bình 31) bị biến chứng thần kinh do virus cúm B. Trong đó, có 4 bệnh nhân được chẩn đoán viêm não, 2 bệnh nhân có nguy cơ cao bị viêm não và 1 bệnh nhân mắc chứng rối loạn chức năng tiểu não. Hai trong số các bệnh nhân trên đã tử vong. Không có bệnh nhân nào được tiêm vaccine phòng virus cúm. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, virus cúm B có thể gây ra biến chứng lâm sàng nghiêm trọng và nên được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm não.

Người mắc virus cúm B có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính
Người mắc virus cúm B có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính

Dấu hiệu nhận biết triệu chứng của cúm B

Triệu chứng nhiễm cúm A và cúm B giống nhau nên rất khó phân biệt nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng. Thông thường, các triệu chứng của cúm B xuất hiện nhanh, kéo dài khoảng 1 tuần với mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng cúm B phổ biến mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

  • Triệu chứng đường hô hấp: Ho nặng tiếng kéo dài trong nhiều tuần, sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, hắt hơi, khó chịu ở ngực.
  • Triệu chứng toàn thân: Sốt kéo dài 3 – 4 ngày, ớn lạnh, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, kiệt sức.
  • Triệu chứng dạ dày: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Trẻ em khi bị cúm B sẽ có khả năng cao gặp phải các triệu chứng về dạ dày hơn người lớn.
Người bệnh cúm B có thể ho, hắt hơi, sổ mũi kéo dài nhiều tuần
Người bệnh cúm B có thể ho, hắt hơi, sổ mũi kéo dài nhiều tuần

Cúm B có lây nhiễm không?

Virus cúm B lây từ người sang người thông qua giọt bắn có chứa virus cúm trong không khí. Giọt bắn có thể xuất phát từ người bệnh cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, do trẻ chạm vào bề mặt có dịch tiết của người bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt. Thời gian ủ bệnh cúm B thường từ 1 – 4 ngày kể từ khi phơi nhiễm với virus. Trẻ em và người bị suy giảm hệ thống miễn dịch có thể ủ bệnh lâu hơn.

Virus cúm B lây từ người sang người thông qua giọt bắn có chứa virus cúm trong không khí
Virus cúm B lây từ người sang người thông qua giọt bắn có chứa virus cúm trong không khí

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây bệnh cúm B

Virus cúm B do hai dòng virus B Victoria và B Yamagata gây ra. Trong đó, dòng Victoria có xu hướng gây bệnh cho người trẻ, còn dòng Yamagata thường phổ biến ở các bệnh nhân lớn tuổi. Bệnh lây truyền qua dịch tiết chứa virus của người bệnh khi hắt hơi, ho trong khoảng cách 2 mét, hoặc tiếp xúc với bề mặt chứa dịch tiết rồi chạm vào mắt, mũi, miệng.

Người nhiễm virus cúm B có thể ủ bệnh từ 1 – 4 ngày mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Sau khoảng 3 – 5 ngày kể từ ngày nhiễm virus, bệnh bắt đầu tiến triển với những cơn sốt từ nhẹ đến nặng, kèm theo đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm,… Do con đường lây truyền là qua giọt bắn, người bệnh vẫn có thể truyền virus sang cho người lành ngay cả trong thời gian ủ bệnh.

Sốt cao nhiều ngày là biểu hiện thường thấy khi bị cúm
Sốt cao nhiều ngày là biểu hiện thường thấy khi bị cúm

Một số đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cúm B bao gồm:

  • Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em mắc cúm B có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hoặc phải nhập viện cao hơn so với trẻ mắc cúm A.
  • Người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ sau sinh 2 tuần.
  • Người đang mắc các bệnh cấp và mạn tính, đặc biệt là tiểu đường, suy tim, hen suyễn.
  • Người Mỹ bản địa.
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc béo phì.

Nếu người bệnh phát hiện các triệu chứng nghi ngờ bị cúm và có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị sớm không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giúp làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng của cúm.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm nhất
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm nhất

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chính xác mắc cúm B

Cúm B có thể được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng và dịch tễ tại địa phương người bệnh sinh sống. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm virus cúm từ mẫu nước bọt hoặc dịch mũi người bệnh bằng kỹ thuật RPT-PCR.
  • Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cúm, cho kết quả trong vòng chưa đầy một giờ nhưng kém chính xác hơn so với xét nghiệm bằng kỹ thuật PRT-PCR.

Các phương pháp điều trị hiệu quả cúm B

Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng cúm B sẽ tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, ăn thực phẩm dễ tiêu như súp, cháo,… Một số thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, giảm ho, thông mũi có thể giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác khó chịu do cúm B gây nên.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có những biểu hiện nghiêm trọng như khó thở, đau ngực, sốt cao không giảm,… hoặc có nguy cơ biến chứng nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như Tamiflu, Relenza,… Thuốc được sử dụng trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc kháng virus đặc biệt quan trọng trong phác đồ điều trị của những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm B như người trưởng thành trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc người đang có bệnh lý nền.

Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc kháng virus như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Thuốc dạng hít có thể gây co thắt phế quản, khiến người bệnh trở nên khó thở hơn. Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được thăm khám và thay đổi phác đồ nếu cần thiết.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu thấy triệu chứng cúm không thuyên giảm sau nhiều ngày
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus nếu thấy triệu chứng cúm không thuyên giảm sau nhiều ngày

Cách phòng ngừa cúm B

Tiêm vaccine cúm là cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Vaccine giúp hệ thống miễn dịch nhận biết các kháng thể virus cúm và tiêu diệt chúng trước khi virus tấn công cơ thể. Virus cúm có khả năng thay đổi vật chất di truyền để thích nghi với môi trường hiện tại. Do đó, người bệnh cần tiêm phòng cúm hàng năm để đảm bảo phòng ngừa đầy đủ các chủng cúm kịp thời.

Trẻ em từ 6 tháng tuổi và người trưởng thành nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm. Trẻ em từ 9 tuổi trở lên cần tiêm ít nhất 1 liều vaccine trong mùa cúm, riêng trẻ dưới 8 tuổi cần tiêm ít nhất 2 liều trở lên.

Bên cạnh việc tiêm vaccine, một số biện pháp sau đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh cúm B, gồm:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Nếu không có xà phòng, bạn có thể sử dụng các sản phẩm khử trùng tay có chứa cồn.
  • Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho. Bạn có thể ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy thay vì dùng tay trần.
  • Tránh tiếp xúc với người xung quanh khi bạn bị ho, bị cúm hoặc đang mắc các bệnh truyền nhiễm. Đeo khẩu trang khi bị bệnh và giữ khoảng cách an toàn với người khác để tránh lây bệnh cho cộng đồng.
  • Hạn chế chạm tay vào mặt, mắt, mũi và miệng để tránh lây nhiễm vi khuẩn trên tay vào cơ thể.
  • Không dùng chung đồ ăn hoặc dụng cụ ăn uống (nĩa, thìa, cốc) với người khác.
Đeo khẩu trang khi bị bệnh và giữ khoảng cách an toàn với người khác để tránh lây bệnh cho cộng đồng
Đeo khẩu trang khi bị bệnh và giữ khoảng cách an toàn với người khác để tránh lây bệnh cho cộng đồng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh nhân mắc cúm B cần đến gặp bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường sau:

Một số dấu hiệu bất thường

Người bệnh nhiễm cúm B nên gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có các biểu hiện như đau ngực dữ dội, khó thở, các triệu chứng đường hô hấp kéo dài hơn 2 tuần, hoặc các triệu chứng này đã thuyên giảm và tái phát trở lại.

Các bệnh nhân nhiễm cúm B trên 65 tuổi được xem là nhóm đối tượng có nguy cơ cao chuyển biến nặng. Do đó, khi phát hiện có các triệu chứng kể trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm và khởi động phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus một cách kịp thời.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Một số bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm uy tín mà bệnh nhân có thể đến khám như:

Một số câu hỏi liên quan

Cúm B nên uống thuốc gì?

Người bệnh cúm B có thể uống thuốc giảm đau, thuốc trị ho, thuốc thông mũi không kê đơn để giảm bớt cảm giác khó chịu. Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc có khuynh hướng nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như:

  • Oseltamivir phosphate (Tamiflu®) (dạng viên nén hoặc thuốc nước), uống trong vài ngày.
  • Zanamivir (Relenza®) dùng dưới dạng bình xịt mũi. Thuốc không được dùng cho những người có bệnh nền về hô hấp như hen suyễn hoặc COPD.
  • Peramivir (Rapivap®) tiêm tĩnh mạch liều duy nhất.
  • Baloxavir marboxil (Xofluza®) dạng viên nén hoặc thuốc nước, uống một liều duy nhất. Thuốc không được chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người đang điều trị bệnh lý khác.

Cúm B khác gì với cúm A?

Cúm A và B khác nhau về mức độ phổ biến của chủng virus. Trong khi cúm A gây ra khoảng 75% các ca nhiễm cúm hàng năm, thì cúm B chỉ chiếm 25% ca bệnh – chỉ bằng ⅓ so với cúm A. Cả cúm A và cúm B đều có nguy cơ lây nhiễm cao thông qua giọt bắn có chứa virus.

Cúm B khác gì với cúm C?

Virus cúm B chỉ gây bệnh cho người và có thể gây ra có đợt dịch cúm theo mùa. Trong khi đó, cúm C thường chỉ gây cảm nhẹ và dường như không có khả năng bùng phát thành dịch.

Bệnh cúm B kéo dài bao lâu?

Hầu hết những bệnh nhân cúm sẽ hồi phục trong vòng 5 – 14 ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp biến chứng (như viêm phổi) do cúm, nguy cơ đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong.”

Bệnh cúm B có thể tự chữa khỏi không?

Cúm B có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh thông thường. Trong một số trường hợp, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hoặc không cải thiện sau vài ngày, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, ngăn ngừa biến chứng.

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã giải đáp cho bạn thắc mắc cúm B là gì cũng như cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé! 

Link tham khảo

1. Influenza B: Symptoms, Treatment, and How It Compares to Influenza A.

  • Link tham khảo: https://www.verywellhealth.com/flu-b-symptoms-identify-treat-and-prevent-5216276 
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024. 

2. Chuyên gia Bệnh viện Nhi TW chỉ dẫn 8 thông tin về bệnh cúm B cha mẹ cần biết.

  • Link tham khảo: https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/chuyen-gia-benh-vien-nhi-tw-chi-dan-8-thong-tin-ve-benh-cum-b-cha-me-can-biet. 
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024. 

3. Neurologic Complications of Influenza B Virus Infection in Adults, Romania.

  • Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5367398/. 
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024. 

4. Influenza B: What You Need to Know. 

  • Link tham khảo: https://www.health.com/condition/flu/what-is-influenza-b. 
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024. 

5. Flu (Influenza). 

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4335-influenza-flu.
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024. 

6. Influenza A vs.B: What to know. 

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/327397.
  • Ngày tham khảo: 12/09/2024.
Contact Me on Zalo