Virus HMPV (Human Metapneumovirus) là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Loại virus này có thể lây nhiễm quanh năm và gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về virus HMPV và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Virus HMPV là gì?
Virus HMPV (Human Metapneumovirus) là một loại virus đường hô hấp phổ biến thuộc họ Paramyxoviridae, phân họ Pneumovirinae trong chi Metapneumovirus, cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp RSV (Respiratory Syncytial Virus). Virus HMPV không phải là loại virus mới, HMPV đã được phân lập vào năm 2001 tại Hà Lan từ 28 bệnh nhi mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, virus này đã lưu hành ở người từ rất lâu trước đó.
HMPV thường lưu hành mạnh vào mùa đông và mùa xuân, thời gian mà các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus như RSV và cúm cũng bùng phát mạnh. Virus này có thể gây ra các bệnh cảnh từ cảm cúm nhẹ đến các bệnh viêm phổi nặng, đặc biệt là ở các nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
Cách thức lây lan của virus HMPV
Virus HMPV có thể xâm nhập cơ thể qua nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là qua đường hô hấp:
- Lây qua giọt bắn hô hấp: Virus HMPV chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn khi người nhiễm ho, hắt hơi hoặc thậm chí nói chuyện. Những giọt bắn này có thể bay trong không khí và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của người xung quanh qua đường hô hấp, nhất là khi họ hít phải không khí chứa virus.
- Tiếp xúc trực tiếp với bề mặt hoặc đồ vật nhiễm virus: Virus HMPV có thể tồn tại và lưu lại trên các bề mặt, đồ vật như tay nắm cửa, điện thoại, bàn ghế hoặc các vật dụng mà người bệnh đã tiếp xúc. Khi người khác chạm vào những bề mặt này, virus có thể bám vào tay và lây truyền khi họ tiếp tục chạm vào các bộ phận trên cơ thể như miệng, mũi hoặc mắt.
- Lây qua tay khi chạm vào mũi, miệng hoặc mắt: Một cách lây nhiễm khác là qua hành động vô tình đưa tay lên các bộ phận cơ thể như mũi, miệng hoặc mắt sau khi tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật nhiễm virus. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua các niêm mạc này, tạo cơ hội cho việc lây nhiễm từ các bề mặt có virus.
Virus HMPV thường bùng phát mạnh vào các tháng mùa đông và đầu mùa xuân. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao tạo điều kiện lý tưởng cho sự tồn tại và phát triển của virus, khiến khả năng lây nhiễm tăng cao.
Triệu chứng của viêm phổi do virus HMPV
Triệu chứng hô hấp khi nhiễm virus HMPV có thể từ các triệu chứng nhẹ của đường hô hấp trên và có thể tiến triển nặng, ảnh hưởng đến cả đường hô hấp dưới, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus HMPV:
Các triệu chứng nhẹ:
Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm HMPV dẫn đến các triệu chứng nhẹ, tương tự như cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng này có thể bao gồm:
- Ho: Ho khan hoặc có đờm.
- Sốt: Mức độ nhẹ đến vừa, thường không kéo dài lâu.
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi: Các dấu hiệu của viêm mũi, tắc nghẽn đường hô hấp trên.
- Đau họng: Khó chịu hoặc đau nhẹ khi nuốt.
- Thở khò khè: Tiếng thở có thể nghe rõ khi hít vào.
- Khó thở nhẹ: Một số người có thể cảm thấy hơi khó chịu trong việc thở.
Trong trường hợp nhẹ, người bệnh thường hồi phục dần dần trong khoảng 2–5 ngày mà không cần can thiệp y tế và hầu hết đều khỏi mà không cần phải nhập viện.
Các triệu chứng nặng:
Trong một số trường hợp, virus có thể tiến triển và ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới, gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Dưới đây là những triệu chứng nguy hiểm như:
- Khó thở nặng, thở gấp: Khi virus ảnh hưởng sâu vào hệ hô hấp dưới, người bệnh có thể gặp phải tình trạng khó thở nghiêm trọng hoặc thở gấp.
- Xanh tím môi, tay chân do thiếu oxy: Thiếu oxy nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng xanh tím ở môi, tay, chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể không nhận đủ oxy, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm phổi hoặc suy hô hấp cấp: HMPV có thể tiến triển thành viêm phổi và gây biến chứng suy hô hấp cấp. Viêm phổi do HMPV có thể làm tổn thương nghiêm trọng các mô phổi, dẫn đến suy giảm khả năng hô hấp và khiến bệnh nhân không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Đây là một tình trạng khẩn cấp và cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Cập nhật mới nhất về virus HMPV
Tình hình lây lan toàn cầu
Qua các số liệu thống kê được ghi nhận về sự gia tăng ca mắc liên quan đến HMPV tại một số quốc gia trong năm gần đây như sau:
Tại Trung Quốc: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ghi nhận các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng, các tác nhân phổ biến như virus cúm theo mùa, RSV, HMPV….Đặc biệt là tháng gần đây, nhiều bệnh viện lớn ghi nhận sự gia tăng các ca nhập viện do nhiễm HMPV, đặc biệt ở trẻ em dưới 14 tuổi.
Tại các nước Châu Âu: Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) báo cáo vào tuần trước rằng tỷ lệ số ca nhiễm HMPV ở nước này đã tăng nhẹ, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam: Ở Hồ Chí Minh năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 – 18.000 ca và tăng cao trong 3 tháng cuối năm. Trong đó, do tác nhân HMPV chiếm tỉ lệ thấp (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).
Hiện tại, trên thế giới chưa có báo cáo cụ thể về số ca tử vong liên quan trực tiếp đến HMPV. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý hô hấp đặc biệt ở trẻ nhỏ và người già hay có bệnh lý nền nặng khi nhiễm thêm HMPV có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn đến tử vong.
Tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển vắc xin
Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y Tế Thế Giới chưa có vắc xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu cho virus HMPV. Các nghiên cứu hiện tại về vắc xin HMPV đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu cho virus HMPV dựa trên cơ chế kháng thể đơn dòng và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chính vì vậy, việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của bộ y tế là điều quan trọng.
Biện pháp phòng ngừa virus HMPV
Các biện pháp cá nhân
Để ngăn ngừa lây nhiễm virus HMPV và hạn chế lây lan của loại virus này, tất cả mọi người nên duy trì thực hiện các thói quen sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất khử khuẩn và nước trong ít nhất 20 giây và tránh chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng nếu tay chưa được rửa sạch.
- Đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh.
- Tránh tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hoặc bị nghi ngờ nhiễm các bệnh đường hô hấp.
Mặc dù chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng mọi người đặc biệt là trẻ nhỏ, người có sức đề kháng yếu nên tăng cường khả năng miễn dịch của đường hô hấp bằng việc chủ động tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp như: cúm mùa, phế cầu, viêm phổi do Hib,…
Chăm sóc người bệnh tại nhà
Bên cạnh đó, bạn nên chú ý chăm sóc đúng cách cho người bệnh để tránh diễn tiến nặng và ngăn ngừa nguy cơ lây lan, bao gồm:
- Giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước: Do virus HMPV phát triển tốt vào những ngày thời tiết lạnh hoặc khi ở trong môi trường có máy lạnh.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm dịu đường hô hấp: Chú ý vệ sinh môi trường sống thường xuyên, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi để tránh sự lây lan của virus.
- Theo dõi triệu chứng và đến bệnh viện khi có dấu hiệu nặng: Chú ý các thay đổi trong tình trạng sức khỏe của người bệnh, như sốt cao không đáp ứng hạ sốt, khó thở, hoặc tình trạng mệt mỏi gia tăng. Đặc biệt, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng nghiêm trọng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các câu hỏi thường gặp (FAQ)
Virus HMPV có gây tử vong không?
Virus HMPV có thể gây tử vong đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, người già hoặc bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính. Virus có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc suy hô hấp cấp, dẫn đến thiếu oxy và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong từ HMPV là rất thấp và hầu hết các ca nhiễm sẽ hồi phục mà không cần can thiệp y tế nặng.
Trẻ em có nguy cơ cao hơn khi mắc HMPV không?
Có, trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao hơn khi mắc phải virus HMPV. Hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển đầy đủ, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn trước các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV. Virus này có thể gây ra các triệu chứng nặng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hoặc suy hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ có hệ hô hấp yếu.
Làm sao để biết mình mắc viêm phổi do HMPV?
Viêm phổi do HMPV có thể có các triệu chứng của nhiễm siêu vi như ho, khó thở, sốt cao, chảy nước mũi và mệt mỏi. Nếu có các dấu hiệu này, đặc biệt khi có yếu tố nguy cơ (trẻ nhỏ, người già, bệnh nền), bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Có thuốc đặc trị cho HMPV chưa?
Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị riêng biệt cho virus HMPV. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình hồi phục. Các biện pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt (như paracetamol) để giảm sốt và làm dịu các cơn ho. Trong các trường hợp nặng, người bệnh có thể cần hỗ trợ hô hấp, như oxy hoặc sử dụng máy thở để giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có thêm một vài thông tin về loại virus HMPV, các triệu chứng và cách phòng ngừa lây nhiễm virus này. Việc hiểu rõ về HMPV sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đặc biệt trong những mùa dịch. Hãy luôn chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời khi cần thiết. Đừng quên theo dõi Docosan để cập nhật những kiến thức y khoa một cách sớm nhất nhé!
Xem thêm:
- Hệ miễn dịch kém – 6 dấu hiệu không nên coi thường
- Viêm phổi: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- Bệnh viêm phế quản: Định nghĩa, triệu chứng và điều trị
Nguồn tham khảo:
1. About human metapneumovirus
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/human-metapneumovirus/about/
- Ngày tham khảo: 10/01/2025
2. Human Metapneumovirus
- Link tham khảo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26104361/
- Ngày tham khảo: 10/01/2025
3. Trends of acute respiratory infection, including human metapneumovirus
- Link tham khảo: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2025-DON550
- Ngày tham khảo: 10/01/2025