Béo phì không đơn giản chỉ là vấn đề về thẩm mỹ, mà còn là vấn đề về y tế, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và một số loại ung thư. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì và cách điều trị, phòng ngừa bệnh béo phì như thế nào? Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Béo phì là gì?
- 2 Làm sao để xác định bạn bị béo phì?
- 3 Nguyên nhân béo phì
- 4 Các yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì?
- 5 Béo phì gây ra những biến chứng gì? Tác hại của béo phì?
- 6 Phương pháp điều trị béo phì
- 7 Cách phòng ngừa thừa cân béo phì
- 8 Các câu hỏi thường gặp
- 8.0.0.1 u003cstrongu003eĐể phòng bệnh béo phì ta nên làm gì?u003c/strongu003e
- 8.0.0.2 u003cstrongu003eBMI bao nhiêu là thừa cân béo phì?u003c/strongu003e
- 8.0.0.3 u003cstrongu003eCách nhận biết thừa cân béo phì?u003c/strongu003e
- 8.0.0.4 u003cstrongu003eNhững món ăn gây béo phì?u003c/strongu003e
- 8.0.0.5 u003cstrongu003eBéo phì có nguy cơ mắc bệnh gì?u003c/strongu003e
- 8.0.0.6 u003cstrongu003eBéo phì nguy hiểm như thế nào?u003c/strongu003e
- 8.0.0.7 u003cstrongu003ePhụ nữ béo phì có mang thai được không?u003c/strongu003e
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ (chất béo) bất thường hoặc quá mức trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Những con số đáng báo động trên toàn cầu, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê như sau:
- Năm 2016, có hơn 1,9 tỷ người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân. Trong số đó có hơn 650 triệu người lớn bị béo phì. Nhìn chung khoảng 13% dân số trưởng thành trên thế giới (11% nam giới và 15% nữ giới) bị béo phì vào năm 2016.
- Tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới tăng gần gấp ba lần từ năm 1975 đến 2016.
- Năm 2019, ước tính có khoảng 38,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Từng được coi là vấn đề của các quốc gia có thu nhập cao, hiện nay tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các đô thị. Ở châu Á, gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2019.
- Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi 5 – 19 đã tăng đáng kể, từ 4% vào năm 1975 lên hơn 18% vào năm 2016.
- Tỷ lệ thừa cân béo phì trên toàn thế giới tăng gần gấp ba lần từ năm 1975 đến năm 2016 và ước tính đến năm 2030, hơn 1 tỷ người trên toàn cầu sẽ sống chung với bệnh béo phì.
Làm sao để xác định bạn bị béo phì?
Chỉ số khối cơ thể (Body mass Index – BMI) là một chỉ số đại diện cho tình trạng béo phì được tính bằng cân nặng (kg)/ chiều cao² (m²). Có thể đơn giản dựa vào chỉ số BMI để nhận biết tình trạng thừa cân, béo phì.
Trẻ em bị béo phì
Trẻ em từ 0 đến 5 tuổi:
- Thừa cân: cân nặng/ chiều cao lớn hơn 2 độ lệch chuẩn so mức trung bình của tiêu chuẩn tăng trưởng của trẻ (WHO).
- Béo phì: cân nặng/ chiều cao lớn hơn 3 độ lệch chuẩn so với mức trung bình của tiêu chuẩn tăng trưởng của trẻ (WHO).
Trẻ em từ 5 đến 19 tuổi: dựa vào chỉ số BMI theo độ tuổi và giới tính
- Thừa cân: BMI lớn hơn 1 độ lệch chuẩn so mức trung bình của Dữ liệu tham chiếu tăng trưởng 5 – 19 tuổi (WHO).
- Béo phì: BMI hơn 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình của Dữ liệu tham chiếu tăng trưởng 5 – 19 tuổi (WHO).
Người lớn bị béo phì
Đối với người trưởng thành, phân loại BMI theo tiêu chuẩn của WHO dành cho người châu Á như sau:
- BMI < 18,5: Gầy
- BMI từ 18,5 – 22,9: Bình thường
- BMI từ 23 – 24,9: Thừa cân
- BMI từ 25 – 29,9: Béo phì độ 1
- BMI ≥ 30: Béo phì độ 2
Tuy nhiên bạn cần lưu ý, chỉ số BMI đánh giá trên toàn bộ cân nặng của cơ thể, nên một số trường hợp ngoại lệ như vận động viên có khối lượng cơ lớn dẫn đến BMI cao mặc dù các đối tượng này không có mỡ thừa.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng số đo chu vi vòng eo để xác định tình trạng béo phì, thông thường nam giới có vòng eo trên 102 cm và phụ nữ có vòng eo trên 89 cm được xem là có nguy cơ cao thừa cân béo phì.
Nguyên nhân béo phì
Nguyên nhân cơ bản của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng năng lượng khi lượng calo nạp vào nhiều hơn mức calo tiêu thụ cho các hoạt động hằng ngày. Cơ thể lưu trữ lượng calo dư thừa dưới dạng chất béo.
Chế độ ăn uống không hợp lý với các món ăn giàu năng lượng có nhiều đường và chất béo. Thêm vào đó là sự gia tăng tình trạng ít vận động thể chất do tính chất công việc, thói quen và tình trạng đô thị hóa ngày càng tăng. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì ở mức báo động.
Ngoài ra béo phì còn có thể do di truyền hoặc một số bệnh nội tiết như hội chứng Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp,…
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì?
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì có thể được liệt kê như sau:
Di truyền: các gen thừa hưởng từ cha mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng chất béo trong cơ thể. Thêm vào đó các thành viên trong gia đình cũng có xu hướng về thói quen ăn uống và sinh hoạt giống nhau.
Thói quen ăn uống và sinh hoạt:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: chế độ ăn giàu calo, thiếu trái cây và rau quả, nhiều đồ ăn nhanh, đồ uống nhiều calo và khẩu phần ăn quá nhiều.
- Lười hoặc thậm chí không vận động: dễ dàng hấp thụ nhiều calo hơn. Có một sự thật rằng số giờ ngồi trước màn hình có liên quan nhiều đến việc tăng cân.
Một số bệnh và thuốc:
- Hội chứng Prader-Willi, hội chứng Cushing hoặc các bệnh như viêm khớp, cũng có thể dẫn đến giảm hoạt động, dẫn đến dễ tăng cân béo phì.
- Một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng cân nếu bạn không bù đắp bằng chế độ ăn uống hoặc hoạt động: ví dụ như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc trị đái tháo đường, thuốc loạn thần, steroid và thuốc chẹn beta.
Tuổi:
Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ nhỏ. Nhưng đối với người lớn tuổi, sự thay đổi nội tiết tố và lối sống ít vận động hơn sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Ngoài ra, lượng cơ bắp trong cơ thể có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.
Các yếu tố khác
- Thai kỳ: tăng cân khá phổ biến trong thời kỳ mang thai.
- Thiếu ngủ: ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều có thể gây ra những thay đổi về hormone làm tăng cảm giác thèm ăn. Bạn cũng có thể thèm ăn thực phẩm giàu calo và carbohydrate, góp phần làm thừa cân béo phì.
- Stress: mọi người thường tìm kiếm nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao hơn khi trải qua những tình huống căng thẳng.
- Hệ vi sinh vật: vi khuẩn đường ruột bị ảnh hưởng bởi thức ăn và có thể góp phần làm tăng cân hoặc khó giảm cân.
Đối với xã hội ngày nay, các yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu thay đổi thói quen sống, chế độ ăn uống và tập thể dục nhiều hơn, hoàn toàn kiểm soát được cân nặng của mình một cách hợp lý.
Béo phì gây ra những biến chứng gì? Tác hại của béo phì?
Béo phì xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, kể cả trẻ em và người lớn đều là một thách thức đối với chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thừa cân béo phì có khả năng dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Bệnh tim mạch và đột quỵ: béo phì dễ dẫn đến huyết áp cao và mức cholesterol bất thường, đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Bệnh đái tháo đường tuýp 2: béo phì có thể ảnh hưởng đến insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu), làm tăng nguy cơ đề kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Một số bệnh ung thư: béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, cổ tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng, vú, đại tràng, trực tràng, thực quản, gan, túi mật, tuyến tụy, thận và tuyến tiền liệt.
- Vấn đề về tiêu hóa: béo phì làm tăng chứng ợ nóng, bệnh túi mật và các vấn đề về gan.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn nghiêm trọng tiềm ẩn.
- Thoái hóa các khớp: béo phì làm tăng áp lực lên các khớp chịu trọng lượng, bên cạnh còn thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Những yếu tố này có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xương khớp.
- Các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19: béo phì làm tăng nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng nếu bị mắc COVID-19.
Béo phì ở trẻ em có liên quan đến nguy cơ béo phì, tàn tật và thậm chí là nguy cơ tử vong sớm cao hơn ở độ tuổi trưởng thành. Nhưng ngoài những rủi ro có thể gia tăng trong tương lai, trẻ béo phì còn gặp khó khăn khi thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, các dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
Chính vì vậy, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc giáo dục cho trẻ về rèn luyện thể chất thường xuyên là một vấn đề cần được quan tâm.
Phương pháp điều trị béo phì
Mục tiêu của điều trị béo phì là đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Điều này cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến bệnh béo phì.
Mục tiêu điều trị ban đầu thường là giảm cân vừa phải từ 5% đến 10% tổng trọng lượng cơ thể. Ví dụ: nếu bạn nặng 90kg, bạn cần giảm khoảng 4,5 – 9kg để sức khỏe bắt đầu cải thiện, tuy nhiên, nếu bạn giảm được nhiều cân thì lợi ích càng lớn hơn.
Các phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào mức độ béo phì, sức khỏe tổng thể và mức độ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch giảm cân:
Thay đổi chế độ ăn uống
Giảm lượng calo và thực hành thói quen ăn uống lành mạnh:
- Cắt giảm calo: chìa khóa để giảm cân là giảm lượng calo nạp vào. Bước đầu tiên là dựa vào thói quen ăn uống để xem xét lượng calo thường tiêu thụ và có thể cắt giảm ở đâu. Các bác sĩ có thể quyết định lượng calo cần nạp mỗi ngày để giảm cân, thông thường là 1.200 đến 1.500 calo đối với phụ nữ và 1.500 đến 1.800 đối với nam giới.
- Chế độ ăn lành mạnh hơn: một số thực phẩm chẳng hạn như món tráng miệng, bánh, kẹo,.. thường chứa rất nhiều calo cho một khẩu phần ăn nhỏ. Ngược lại, trái cây và rau quả cung cấp khẩu phần lớn hơn với ít calo hơn. Bằng cách ăn nhiều thức ăn có ít calo, sẽ giảm cảm giác đói, hấp thụ ít calo và cảm thấy ngon miệng hơn. Để có chế độ ăn uống lành mạnh hơn, hãy ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc. Ăn một lượng nhỏ chất béo và có thể cân nhắc về các loại chất béo có lợi cho tim mạch, chẳng hạn như dầu ô liu, dầu hạt cải và dầu hạt phỉ. Hạn chế một số loại thực phẩm giàu carbohydrate, chất béo hoặc đồ uống có nhiều đường. Hạn chế muối, đường và rượu bia.
- Thay thế bữa ăn chính: thay thế một hoặc hai bữa ăn trong ngày bằng các loại thức ăn lành mạnh, ít chất béo, ít calo. Trong thời gian ngắn, kiểu ăn kiêng này có thể giúp giảm cân, tuy nhiên trong thời gian dài, bạn cần thay đổi tổng thể các thói quen, không chỉ riêng về chế độ ăn.
Hãy cẩn thận với các chế độ ăn kiêng hứa hẹn giảm cân nhanh chóng và dễ dàng. Thực tế là không có loại thực phẩm kỳ diệu hay cách khắc phục nhanh chóng nào. Các chế độ ăn kiêng nhất thời có thể giúp ích trong thời gian ngắn, nhưng kết quả lâu dài dường như không tốt hơn các chế độ ăn kiêng khác.
Tương tự như vậy, bạn có thể giảm cân bằng chế độ ăn kiêng giảm cân, nhưng bạn có khả năng tăng cân trở lại khi ngừng chế độ ăn kiêng. Để giảm cân và duy trì cân nặng bạn phải áp dụng các thói quen ăn uống lành mạnh mà bạn có thể duy trì theo thời gian.
Tập thể dục thường xuyên
Tăng hoạt động thể chất hoặc tập thể dục là một phần thiết yếu của điều trị béo phì:
- Luyện tập thể dục: những người mắc bệnh béo phì cần hoạt động thể chất với cường độ vừa phải, ít nhất 150 phút mỗi tuần để ngăn ngừa tăng cân thêm hoặc để duy trì việc giảm một lượng cân nặng vừa phải.
- Liên tục di chuyển: mặc dù tập thể dục thường xuyên là cách hiệu quả nhất để đốt cháy calo và giảm trọng lượng dư thừa, nhưng bất kỳ chuyển động bổ sung nào cũng giúp đốt cháy calo.
Thay đổi hành vi
Xem xét lại hành vi, thói quen hiện tại, để tìm ra những yếu tố gây stress và tình huống nào làm bạn thèm ăn nhiều hơn.
- Tư vấn: trao đổi với chuyên gia tâm lý có thể giúp giải quyết các vấn đề về cảm xúc và hành vi liên quan đến ăn uống, giúp bạn hiểu lý do tại sao bạn ăn quá nhiều và học những cách khác để đối phó với lo lắng.
- Các nhóm hỗ trợ: bạn có thể tìm thấy tình bạn và sự thấu hiểu trong các nhóm hỗ trợ, nơi những người khác chia sẻ những thách thức tương tự với bệnh béo phì.
Thuốc giảm cân
Thuốc giảm cân được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thay đổi hành vi, chứ không phải là phương pháp thay thế. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh béo phì bao gồm:
- Bupropion-naltrexone (Contrave)
- Liraglutide (Saxenda)
- Orlistat (Alli, Xenical)
- Phentermine-topiramate (Qsymia)
Thuốc giảm cân có thể không hiệu quả với tất cả mọi người và tác dụng có thể giảm dần theo thời gian. Khi ngừng dùng thuốc giảm cân, cân nặng có thể quay trở lạnh mức ban đầu.
Phẫu thuật giảm cân
Phẫu thuật giảm cân giới hạn lượng thức ăn hoặc giảm sự hấp thụ thức ăn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và vitamin. Các loại phẫu thuật giảm cân phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi thắt dạ dày
- Nội soi đặt bóng dạ dày
- Đai dạ dày điều chỉnh được
- Nối tắt dạ dày Roux-en-Y
- Cắt tạo hình dạ dày hình ống
Kết quả thành công trong việc giảm cân sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào sự tuân thủ thực hiện thay đổi thói quen ăn uống và tập thể dục của bệnh nhân. Bên cạnh đó các điều kiện sức khỏe để có thể thực hiện phẫu thuật cũng như việc chăm sóc hậu phẫu cũng là một vấn đề quan trọng. Hãy khám bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ đầy đủ hơn.
Phương pháp điều trị khác
Các phương pháp điều trị béo phì khác bao gồm:
- Hydrogel: viên nang này chứa các hạt nhỏ hấp thụ nước và nở ra trong dạ dày, giúp bạn cảm thấy no.
- Phong tỏa dây thần kinh phế vị: dây thần kinh phế vị có chức năng thông báo cho não biết khi nào dạ dày rỗng hoặc đầy. Trong phương pháp này một thiết bị sẽ được cấy dưới da bụng gửi các xung điện không liên tục đến dây thần kinh phế vị.
- Hút dạ dày: trong phương pháp này, một ống được đặt qua bụng vào dạ dày. Một phần thức ăn chứa trong dạ dày được thoát ra ngoài sau mỗi bữa ăn.
Có rất nhiều phương pháp điều trị béo phì, tuy nhiên việc thay đổi thói quen chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Béo phì vừa ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, vừa ảnh hưởng đến tâm lý, khiến mọi người tự ti về ngoại hình của bản thân, ảnh hưởng đến nhiều khác cạnh khác trong cuộc sống chẳng hạn như học tập, công việc và tình yêu.
Vì vậy, bạn cần phải cho bản thân thời gian để thay đổi, suy nghĩ tích cực và thực hiện hết khả năng cho phép. Hành trình giảm cân lành mạnh là cuộc hành trình bền bỉ, lâu dài và cũng là cách để chúng ta yêu thương bản thân mình nhiều hơn.
Cách phòng ngừa thừa cân béo phì
Bệnh béo phì có thể được phòng ngừa nếu chúng ta được giáo dục và rèn luyện thường xuyên. Một số phương pháp giúp phòng ngừa bệnh béo phì có thể tham khảo sau đây:
- Thay đổi chế độ ăn uống: ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc. Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate, chất béo, muối, đường và đồ uống có cồn. Ngoài ra, cần phải ăn uống đúng giờ, không để xảy ra tình trạng quá đói hoặc quá no.
- Tập thể dục thường xuyên: 60 phút/ ngày đối với trẻ em và 150 phút/ tuần đối với người lớn.
- Chế độ sinh hoạt, làm việc hằng ngày hợp lý, tránh những tình huống stress.
- Kiểm soát chỉ số BMI.
Một thói quen tốt không chỉ giúp phòng ngừa béo phì mà còn giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Vậy nên hãy thay đổi và rèn luyện thói quen mỗi ngày, đừng để cân nặng trở thành nỗi ám ảnh và chướng ngại ngăn cản sự phát triển của bản thân.
Các câu hỏi thường gặp
u003cstrongu003eĐể phòng bệnh béo phì ta nên làm gì?u003c/strongu003e
Để phòng bệnh béo phì, chúng ta cần: thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh (ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc và hạn chế thực phẩm giàu calo, đường, muối và đồ uống có cồn), tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, kiểm soát chỉ số BMI và có chế độ sinh hoạt làm việc hằng ngày hợp lý, tránh những tình huống stress.
u003cstrongu003eBMI bao nhiêu là thừa cân béo phì?u003c/strongu003e
Đối với người châu Á, BMI từ 23 – 24,9 được xem là thừa cân, BMI trên 25 được xem là béo phì.
u003cstrongu003eCách nhận biết thừa cân béo phì?u003c/strongu003e
Đối với người lớn (người châu Á) có thể nhận biết thừa cân béo phì một cách đơn giản dựa vào chỉ số BMI (cân nặng (kg)/ chiều cao² (m²). u003cbru003e- BMI từ 23 – 24,9: được xem là thừa cânu003cbru003e- BMI trên 25: được xem là béo phìu003cbru003eNgoài ra cũng có thể sử dụng số đo chu vi vòng eo để xác định tình trạng béo phì, thông thường nam giới có vòng eo trên 102 cm và ở phụ nữ có vòng eo trên 89 cm được xem là có nguy cơ cao thừa cân béo phì.
u003cstrongu003eNhững món ăn gây béo phì?u003c/strongu003e
Những món ăn có thể gây béo phì bao gồm các loại thức ăn giàu carbohydrate, chất béo, muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn, thức uống có gas, rượu bia,…
u003cstrongu003eBéo phì có nguy cơ mắc bệnh gì?u003c/strongu003e
Những bệnh nhân béo phì có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2, bệnh về đường tiêu hóa, thoái hóa các khớp, các triệu chứng nặng của Covid-19 và một số bệnh ung thư (ung thư tử cung, cổ tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng, vú, đại tràng, trực tràng,…).
u003cstrongu003eBéo phì nguy hiểm như thế nào?u003c/strongu003e
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân. Thừa cân béo phì có khả năng dẫn đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm: các bệnh về tim mạch và đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2, bệnh về đường tiêu hóa, thoái hóa các khớp, các triệu chứng nặng của Covid-19 và một số bệnh ung thư. Bên cạnh đó mặc cảm về ngoại hình có thể làm bệnh nhân tin vào những phương pháp sai lệch dẫn đến những tình trạng bệnh lý khác.
u003cstrongu003ePhụ nữ béo phì có mang thai được không?u003c/strongu003e
Phụ nữ béo phì có thể mang thai. Tuy nhiên chỉ số BMI cao có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai bằng cách ức chế sự rụng trứng. Và ngay cả ở những phụ nữ rụng trứng thường xuyên, có chỉ số BMI càng cao thì thời gian mang thai càng lâu. Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng chỉ số BMI cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không thành công.
Béo phì thật sự là một thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như các bệnh về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. Không những vậy, thừa cân béo phì còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống,
Hy vọng qua bài viết này các bạn có thể phần nào hiểu rõ và nhận biết về dấu hiệu, nguyên nhân, biến chứng và các phương pháp điều trị béo phì. Hãy thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hình thành những thói quen tốt, không chỉ giúp phòng ngừa béo phì mà còn nâng cao sức khỏe của bạn. Nếu có nhu cầu thăm khám điều trị béo phì chuẩn khoa học, xin vui lòng đặt lịch khám với bác sĩ trên Docosan.com đặt lịch.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obesity/symptoms-causes/syc-20375742
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight
- https://www.who.int/publications/i/item/9789240073234
- https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-and-obesity/art-20044409