Bệnh lymphoma là một bệnh Ung thư tại hệ thống mạch bạch huyết của cơ thể. Hệ mạch bạch huyết cùng hệ tuần hoàn có vai trò hỗ trợ lưu thông máu để vận chuyển cung cấp chất dinh dưỡng và đào thải các chất độc hại trong cơ thể. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
Tóm tắt nội dung
Bệnh lymphoma là gì?
Lymphoma hay còn gọi U lympho là dạng bệnh thuộc nhóm bệnh Ung thư hệ thống tạo huyết, bệnh xảy ra tại các hạch lympho – nơi chứa các tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể. Ung thư nguyên phát của hạch hay lymphôm ác, là những bệnh lý ác tính xuất phát từ sự tăng sinh không kiểm soát được của tế bào dòng lympho.
Trong bệnh lymphoma sẽ được chia ra làm hai nhóm chính là lymphoma Hodgkin và lymphoma không Hodgkin:
- U lympho không Hodgkin (NHL) là nhóm bệnh lý ác tính bắt nguồn từ sự tăng sinh bất thường của các tế bào dòng lympho B và lympho T, có thể biểu hiện ở các mô bạch huyết của cơ thể (như hạch, lách, tủy xương, các vị trí ngoài hạch (đường tiêu hóa, vú, màng phổi, ổ mắt,…). Các yếu tố nguy cơ cao phát triển bệnh như bất thường di truyền, nhiễm trùng, viêm mạn, độc tố.
- U lympho Hodgkin là bệnh lý tân sinh đơn dòng lympho hiếm gặp của hệ thống bạch huyết, thường gặp ở người trẻ tuổi (độ tuổi từ 20-40), biểu hiện bệnh hạch vùng cổ và sự xuất hiện của các tế bào Reed-Sternberg trong bệnh phẩm hạch. Nhìn chung bệnh có tiên lượng tốt, tỷ lệ chữa khỏi cao. Hơn một nửa các ca bệnh u lympho Hodgkin có liên quan tới virus Epstein-Barr (EBV). Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác như tiền sử gia đình và nhiễm HIV/AIDS.
Tuy đều xuất phát từ mô lympho nhưng hai loại trên có các đặc điểm về lâm sàng và giải phẫu bệnh khác nhau. Lymphoma không hodgkin chiếm 70% và lymphoma hodgkin chiếm 30% các trường hợp.
Tuy nhiên bệnh Lymphoma cũng có thể phát sinh từ vị trí ngoài hạch như não, dạ dày, tinh hoàn hoặc da, … được gọi chung là Ung thư thứ phát di căn đến hạch. Số liệu ghi nhận quần thể ung thư tại TP.HCM 2013-2014 cho thấy bệnh Lymphoma xếp hàng thứ 6 ở nam và thứ 9 ở nữ trong 10 loại ung thư thường gặp.
Nguyên nhân gây bệnh Lymphoma là gì?
Các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây ra lymphoma. Tuy nhiên, bệnh bắt đầu khi tế bào lympho phát triển đột biến di truyền. Đột biến làm tế bào bệnh nhân lên nhanh chóng, khiến hạch bạch huyết bị sưng.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma? Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lymphoma gồm:
- Tuổi. Một số loại u lympho phổ biến hơn ở người lớn, trong khi những bệnh khác thường được chẩn đoán ở những người trên 55 tuổi.
- Giới tính. Nam giới có nhiều khả năng phát triển lymphoma hơn nữ giới.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Lymphoma phổ biến hơn ở những người có bệnh về hệ thống miễn dịch hoặc ở những người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch.
- Phát triển một số bệnh nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh lymphoma, bao gồm nhiễm virus Epstein-Barr và nhiễm Helicobacter pylori.
Triệu chứng của bệnh Lymphoma
Biểu hiện điển hình
- Ung thư hạch lymphoma ác tính biểu hiện có hạch lớn phì đại, không đau.
- Khởi đầu thường là hạch ngoại biên, một số bệnh nhân lại có hạch trung thất, hạch ổ bụng có thể có lách to, gan to do sự xâm nhiễm tế bào u thể cục hay thể lan tỏa vào gan lách.
- Các tổ chức bạch huyết khác có thể phát hiện được nếu thăm khám lâm sàng cẩn thận như mạch bạch huyết ở vùng đầu mặt cổ, khoeo chân, mặt trong cánh tay, …
Biểu hiện tổn thương ngoài hạch lympho
- Xuất hiện ngay từ đầu thấy ở 20 – 30% các trường hợp U lympho
- Xảy ra tại: da, đường tiêu hóa, xương, ổ mắt, hệ thống thần kinh, tinh hoàn, buồng trứng, phổi, vú, …
Biểu hiện lâm sàng khác
- Khoảng 10% trường hợp có sốt, thường khoảng 38 độ C, sốt từng đợt, hay sốt về đêm trong vài ngày đầu, theo đợt tiến triển của hạch
- Có thể kèm đổ mồ hôi về đêm và sụt cân nhanh, đôi khi có ngứa, được gọi là hội chứng “B”
- Bệnh ở giai đoạn tiến triển có thể có hội chứng chèn ép đường hô hấp, hệ thống tĩnh mạch chủ trên do khối hạch lớn trong trung thất,
- Đau xương do xâm lấn của tổ chức bạch huyết vào xương. Chụp X-quang thấy hình ảnh phá hủy mô xương
- Đau lưng do u lớn ở sau phúc mạc, lồi mắt do u chèn ép từ trong ổ mắt
- Một số triệu chứng như tê, kém vận động, rối loạn chức năng ruột, hoặc thận do chèn ép tủy sống.
- Dấu hiệu tắc ruột như một ung thư đại tràng nếu xuất phát từ ống tiêu hóa
- Sự xâm lấn vào tủy xương cũng có thể gây nên suy giảm tủy xương biểu hiện thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu
- Nếu tế bào u vào máu sẽ có biểu hiện của bệnh bạch cầu.
Bệnh lymphoma có nguy hiểm không?
Hầu như người mắc bệnh lymphoma không có giới hạn và không thể đoán được bệnh có thể bắt đầu từ bất kỳ nơi nào có tổ chức lympho trên cơ thể. Nếu không điều trị bệnh sẽ lan tràn khắp các mô, cơ quan.
Tuy nhiên bệnh lymphoma là loại bệnh lý có khả năng chữa trị khỏi, sự gia tăng hiểu biết về bệnh học và phát triển các phương pháp điều trị mới đã cải thiện thêm kết quả điều trị lymphoma.
Ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu? là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Tiên lượng ung thư hạch bạch huyết sống được bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Các yếu tố về người bệnh: như tuổi tác, các bệnh lý nội-ngoại khoa đi kèm, sự tuân thủ điều trị, tính đáp ứng và dung nạp với các phác đồ điều trị.
- Các yếu tố về bệnh: giai đoạn bệnh, thể giải phẫu bệnh, đặc trưng về sinh học phân tử,…
Do đó, người bệnh nên thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được kiểm tra tình trạng sức khỏe, bệnh lý; từ đó bác sĩ có thể tư vấn cụ thể về hướng điều trị và tiên lượng sống còn.
Đối với bệnh nhân ung thư hạch không Hodgkin, tiên lượng sống còn tương đối 5 năm ước tính với bệnh nhân mắc ung thư hạch không Hodgkin khoảng 74% (thống kê SEER từ năm 2013 – 2019). Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ có những biến đổi phụ thuộc vào các yếu tố khác như các yếu tố về người bệnh, giai đoạn bệnh, loại giải phẫu bệnh,…
Đối với bệnh nhân mắc u lympho Hodgkin, tỷ lệ sống còn tương đối trong 5 năm (thực hiện bởi SEER 2012 – 2018).
Ngoài ra một số tiên lượng tốt cho bệnh nhân khi chẩn đoán và điều trị bệnh:
- Dưới 60 tuổi
- Bệnh ở giai đoạn 1 hoặc 2
- Thể trạng tốt, không ghi nhận bệnh nền nghiêm trọng
- Nồng độ lactate dehydrogenase (LDH) trong máu bình thường
Dựa vào các thống kê, những bệnh nhân mắc u lympho Hodgkin, u lympho thể nang có tiên lượng điều trị tốt hơn những loại khác, đặc biệt khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ thì người bệnh cần đến thăm khám ngay tại các bệnh viện uy tín để được chẩn đoán bệnh sớm, tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp, tăng khả năng điều trị khỏi bệnh.
Chẩn đoán bệnh lymphoma
Việc chẩn đoán bệnh lymphoma đòi hỏi cần sự hợp tác của người bệnh và bác sĩ thăm khám kỹ về lâm sàng để đánh giá giai đoạn chính xác của bệnh. Lúc khám bệnh cần chú ý:
- Bệnh sử đầy đủ có thể bao gồm hội chứng “B”
- Tiền căn mắc bệnh ung thư của gia đình, dòng họ
- Khám thực thể bệnh nhân cẩn thận
- Đặc biệt chú ý tới các vùng có hạch, gan lách, các khối u trong ổ bụng, tinh hoàn, buồng trứng, …
Điều trị bệnh lymphoma
Lymphoma là một bệnh lý Ung thư nên việc chữa trị bệnh là áp dụng các liệu pháp chống ung thư, hiện nay có các biện pháp cơ bản gồm:
Liệu pháp tại chỗ – tại vùng
- Phẫu trị: Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các khối u tế bào ác tính trong hạch hoặc cắt bỏ luôn nhóm hạch có ung thư.
- Xạ trị: Phương pháp này sử dụng những tia bức xạ ion hóa năng lượng cao bao gồm dạng hạt và dạng sóng siêu âm như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton mục đích để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư.
Liệu pháp toàn thân
- Hóa trị: là một liệu pháp điều trị toàn thân, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là có thể tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư, tuy nhiên nó lại đem đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Sinh trị (liệu pháp sinh học): bao gồm liệu pháp nhắm đích phân tử và liệu pháp miễn dịch.
Liệu pháp đa mô thức
- Kết hợp nhiều phương pháp với nhau nhằm mục đích mang lại hiệu quả cao và giảm tác dụng phụ.
- Đặt ra mục tiêu cá thể hóa bệnh nhân ung thư
- Đang thể hiện vai trò chủ đạo trong điều trị bệnh lymphoma.
Phòng ngừa bệnh Lymphoma như thế nào?
Thực tế không có phương pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa ung thư hạch bạch huyết, ngoại trừ phòng tránh nhiễm HIV.
Tuy có tiên lượng tốt và được xem là một trong số ít các loại ung thư có thể điều trị khỏi, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan trước các nguy cơ mắc ung thư hạch bạch huyết. Một số khuyến nghị của bác sĩ trong việc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư hạch gồm:
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì được cho là yếu tố nguy cơ gây ung thư hạch bạch huyết cũng như các bệnh lý, ung thư nghiêm trọng khác.
- Hạn chế tiếp xúc hóa chất: Benzen trong các chất trừ sâu, thuốc diệt cỏ có thể gây nguy cơ tiến triển ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết. Nếu làm việc trong môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chúng ta cần trang bị đồ bảo hộ lao động.
- Tránh tiếp xúc tia bức xạ: Các tia bức xạ có khả năng thay đổi thành phần trong máu, do đó nên hạn chế tiếp xúc với các tia bức xạ,…
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao: Việc duy trì các hoạt động thể dục, thể thao giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ thống miễn dịch. Cần tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn nên bổ sung các loại ngũ cốc, rau xanh, trái cây; hạn chế các chất béo, thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn,…; tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hạch bạch huyết
Các dấu hiệu cũng như quá trình điều trị ung thư hạch bạch huyết ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh, đặc biệt trong vấn đề ăn uống. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hạch phù hợp góp phần nâng cao sức khỏe, tiếp thêm năng lượng để người bệnh chiến đấu với bệnh tật.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư hạch:
- Cung cấp đầy đủ protein (chất đạm), Glucid (tinh bột), Lipid (chất béo)…
- Bổ sung vitamin, khoáng chất có trong rau củ quả, trái cây tươi, đặc biệt cần bổ sung canxi, vitamin D để giúp xương chắc khỏe.
- Uống nhiều nước, duy trì 2 lít/ngày.
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
Ngoài ra các bài tập vận động nhẹ, thể thao tăng cường sức khỏe cũng được khuyến nghị. Hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn phù hợp với sở thích và quá trình điều trị ung thư của người bệnh.
Một số câu hỏi thường gặp khi bị bệnh Lymphoma
Bệnh lymphoma có nguy hiểm không?
Lymphoma là một loại ung thư máu có ảnh hưởng đến hệ bạch huyết – một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng và bệnh tật. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.
Phác đồ điều trị bệnh lymphoma?
Có nhiều phác đồ điều trị bệnh lymphoma như Phác đổ MOPP cổ điển tiêu chuẩn, Phác đồ ChVPP, Phác đồ ABVD, Phác đồ MOPP/ABV, Phác đổ MOP/BAP, Phác đồ COP,…
Kết luận
Bệnh lymphoma đang dần phổ biến và trở thành gánh nặng sức khỏe cũng như kinh tế cho nhiều người mắc bệnh. Vì vậy nếu xuất hiện các dấu hiệu mơ hồ của bệnh thì các bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, để được thăm khám cẩn thận và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để tầm soát căn bệnh tiềm tàng này.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: WebMD.com