Tầm soát ung thư phổi: Những điều bạn cần biết

Tầm soát ung thư phổi giúp chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời một cách hiệu quả bệnh lý ung thư phổi. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích quan trọng của việc tầm soát mang lại. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin hơn về tầm soát ung thư phổi.

Tổng quan về ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ các tế bào trong nhu mô phổi, trong đó các tế bào tăng sinh không thể kiểm soát tạo thành một khối u ác tính. Sự tăng trưởng tế bào này tiến triển dẫn đến lan ra ngoài phổi, di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi gồm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.

Nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Hút thuốc là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 60 chất gây ung thư, đặc biệt là nicotin. Ngửi khói thuốc lá thụ động cũng góp phần gây ra ung thư phổi.

Tiếp xúc với các hóa chất độc hại và các chất phóng xạ nguy hiểm như: amiang, asen, niken, khí radon,…đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ô nhiễm không khí tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ như bụi PM 2.5 và các sol khí sunfat có liên quan tới ung thư phổi.

Triệu chứng ung thư phổi

Những triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi bao gồm:

  • Các triệu chứng về đường hô hấp: ho dai dẳng kéo dài không thuyên giảm, ho đờm, ho ra máu, thở khò khè, khó thở.
  • Các triệu chứng của hội chứng cận ung: sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài và ăn không ngon miệng, chán ăn là những triệu chứng điển hình.
  • Các triệu chứng do khối u di căn đến các cơ quan khác: đau ngực, đau xương, khó nuốt, đau đầu, nôn, các triệu chứng thần kinh định vị,…
Tầm soát ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi: những điều bạn cần biết

Tầm soát ung thư phổi

Tại sao bạn cần tầm soát ung thư phổi?

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên toàn thế giới. Nhìn chung tiên lượng sống sau 5 năm ở những bệnh nhân ung thư phổi thấp, chỉ khoảng khoảng 20%. Nói cách khác sau 5 năm, 10 người bị ung thư phổi, chỉ 1-2 người còn sống.

Bệnh ung thư phổi nguy hiểm bởi các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường thầm lặng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Tuy nhiên, bệnh lại tiến triển rất nhanh và dễ di căn. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư phổi điều đã ở giai đoạn sau và việc điều trị ở giai đoạn này rất khó khăn.

Việc chẩn đoán sớm cho thấy hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt hơn. Bệnh có thể được chữa khỏi, tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, việc tầm soát ung thư phổi là chìa khóa để chẩn đoán, điều trị kịp thời và giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi gây ra.

Tầm soát ung thư phổi bằng cách nào?

Khám lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đánh giá sơ bộ tình trạng cũng như các yếu tố nguy cơ của người bệnh. Sau đó, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán. Các xét nghiệm cơ bản để xác định tình trạng sức khỏe đó là:

  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu.
  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.
  • Xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học trong ung thư phổi

Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định thực hiện đó là: siêu âm, chụp X-quang, chụp CT Scan ngực, nội soi phế quản sinh thiết,…

Qua sự phát triển của y học hiện đại, việc phát hiện ung thư phổi sớm không còn là vấn đề quá phức tạp. Lợi ích của tầm soát ung thư phổi có thể được phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, từ 6 tháng đến 1 năm trước khi biểu hiện thành các triệu chứng.

Tầm soát ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi: những điều bạn cần biết

Khi nào bạn nên tầm soát ung thư phổi?

Những đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư phổi sau đây ung thư phổi:

  • Những người từ 55 tuổi và hút thuốc lá nhiều hơn 30 gói năm.
  • Những người từ 50 tuổi, hút thuốc lá nhiều hơn 20 gói năm và có một yếu tố nguy cơ khác như: tiền sử người thân mắc bệnh ung thư phổi, sinh hoạt và làm việc trong môi trường ô nhiễm,…
  • Người nghiện hút thuốc lá và đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi như ho dai dẳng, ho đờm, ho ra máu, khó thở, thường xuyên bị đau ngực,…

Giá tầm soát ung thư phổi là bao nhiêu?

Hiện nay giá tầm soát ung thư phổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, mỗi cơ sở y tế đều có mức giá chênh lệch nhất định. Ngoài ra khi tầm soát ung thư phổi, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Nếu tổn thương phổi nghi ngờ, các xét nghiệm xâm lấn, hiện đại hay cần phải chụp có tiêm thuốc cản quang thì sẽ thêm chi phí sẽ cao hơn.

Mỗi cơ sở y tế sẽ có bảng giá khác nhau cho phương pháp tầm soát ung thư phổi. Bạn có thể lựa chọn cơ sở y tế phù hợp với khả năng tài chính của bản thân. Tuy nhiên, cơ sở y tế cần phải đảm bảo an toàn, chất lượng và cho kết quả chính xác.

Tầm soát ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi: những điều bạn cần biết

Những lưu ý khi thực hiện tầm soát ung thư phổi

Trước khi thực hiện tầm soát ung thư phổi bạn nên lưu ý một số thông tin sau:

Có một số xét nghiệm cần nhịn ăn trước khi thức hiện. Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán tốn kém nhiều chi phí hơn. Bạn nên tìm hiểu về quy trình tầm soát ung thư phổi để hiểu thêm về phương pháp này, tránh được những bỡ ngỡ ban đầu. Bạn hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng và có kinh nghiệm để thực hiện.

Tầm soát ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi: những điều bạn cần biết

Tóm lại, tầm soát ung thư phổi là phương pháp hữu hiệu nhất để bạn phát hiện và điều trị kịp thời ung thư phổi, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình. Bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện xét nghiệm một cách an toàn, chất lượng và kết quả chính xác nhất.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.