Bệnh u mạch máu: Triệu chứng và phương pháp điều trị

U mạch máu là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ bắt đầu từ vài tuần sau sanh, tuy gọi là u nhưng đây không phải là một tình trạng quá đáng lo ngại cho bé. Bệnh chỉ có thể gây những rối loạn nhỏ tuỳ thuộc vào vị trí của u. Cùng Docosan tìm hiểu về bệnh lý này để hiểu rõ hơn về con trẻ hay người thân của bạn nhé.

Tổng quan về u mạch máu

U mạch máu hay u máu là tình trạng tăng sinh quá mức của mạch máu. U mạch máu là loại u lành tính, thường xuất hiện trong vài tuần đầu sau sinh, một số ít bẩm sinh ngay khi trẻ sinh ra, u to dần trong những năm đầu tiên trước khi tự thoái triển. U mạch máu thường phát triển ở thời kỳ thiếu nhi (1-5 tuổi), nên thường được gọi là u máu thiếu nhi hay u máu ở trẻ, một vài trường hợp xuất hiện ở trẻ lớn tuổi hơn.

Theo diễn tiến tự nhiên: 40% u sẽ biến mất hoàn toàn, 60% còn lại có thể thoái hoá nhiều hoặc ít, phải can thiệp phẫu thuật. Trên tổng thể, 90% u mạch máu sẽ thoái triển tự nhiên. U máu thiếu nhi là một vấn đề thường gặp ở trẻ. Một trẻ nhiều u máu không hẳn có tình trạng sức khoẻ tệ hơn trẻ có một u máu hay trẻ bình thường, và u sẽ thoái triển dần khi trẻ lớn.

U mạch máu có thể xuất hiện ngoài da hay bên trong cơ thể. Bên trong cơ thể u thường ở các cơ quan như như gan, ruột, phổi, cột sống hay não. U mạch máu có thể đơn độc hoặc đa u máu ngoài da.

Diễn tiến tự nhiên của u máu

Sự tăng sinh tế bào của u mạch máu diễn ra nhanh chóng ở trong năm đầu của trẻ, rồi co hồi chậm lại ở giai đoạn đầu ở tuổi thiếu nhi (1-5 tuổi) sau đó thoái hoá và biến mất sau 5-8 tuổi. Sau khi u biến mất, da trở lại tình trạng bình thường hoặc để lại một vết sẹo nhẵn. Tuy nhiên trong trường hợp u máu quá lớn, có hiện tượng tiêu huỷ mô, kết hợp với tình trạng tiêu cầu thấp, nguy cơ xuất huyết cao, có thể đe doạ mạng sống.

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của u máu

U mạch máu trên da có hình dạng giống một vết bớt đỏ, phẳng hoặc lồi ra trên bề mặt da. U có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường nhất là ở vùng đầu mặt, rồi đến cổ gáy, lưng, ngón tay. U thường là một khối mềm, nhẵn hoặc gồ ghề nhiều thuỳ, với kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm. Màu sắc thay đổi từ hồng đến đỏ tía, khi ép sẽ trắng bệch đi.

U mạch máu không đau, trừ u cuộc mạch (u glomus) tuy nhiên u có thể bị loét hoặc nhiễm trùng tại chỗ gây chảy rất nhiều, cần phải có biện pháp cầm máu kịp thời nếu không sẽ tương đối nguy hiểm. U cũng có thể chảy máu tự nhiên hoặc sau va chạm.

U phát triển nhanh hay chậm tuỳ thuốc vào vị trí, phát triển nhanh ở nơi dễ tiếp xúc và va chạm hoặc gần niêm mạc như ở môi, mắt, vùng cổ, tuyến nước bọt, tuyến dưới hàm. U mạch máu ở vùng tứ chi và ngực bụng sẽ phát triển chậm hơn. Tiến triển của u còn phụ thuộc một phần vào bệnh lý kết hợp khác của trẻ.

U mạch máu không lây truyền từ người bệnh sang người lành, hiện nay không có biện pháp nào để phòng ngừa bệnh.

Yếu tố nguy cơ mắc u máu

U mạch máu thường gặp ở những đứa trẻ có các đặc điểm sau:

  • Trẻ da trắng
  • Trẻ sinh non
  • Sinh ra từ một thai kỳ đa thai
  • Nhẹ cân so với tuổi thai.

Chẩn đoán bệnh u máu


Việc chẩn đoán u màu thường chỉ cần hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng là đủ. Khám lâm sàng giúp xác định u thuộc loại nông, sâu hay hỗn hợp. Loại nông thường dễ nhầm với bớt son, là một dị dạng mao mạch. Loại sâu có thể nhầm vơi dị dạng bạch mạch, tĩnh mạch hoặc hỗn hợp.

  • Trên phương diện hình ảnh học: Siêu âm Doppler hoặc chụp DSA mạch máu cho phép xác định hoạt động của dòng máu trong u, giúp phát hiện “dò động tĩnh mạch trong u”, đánh giá tiến triển của u máu. Chụp động mạch giúp xác định mạch máu chính nuôi u và tương quan với các cấu trúc lân cận, giúp định hướng khi cần phẫu thuật. CT-scan và MRI dùng để đánh giá trường hợp u nằm trong cơ thể, đánh giá khả năng phẫu thuật.
  • Trên phương diện mô học: Trong những trường hợp khó chẩn đoán, bác sĩ có chỉ định sinh thiết u để phân biệt với các dị dạng mạch máu không điển hình hoặc với bệnh lý mạch máu khác.

Điều trị u máu

Hầu hết khối u có kích thước nhỏ, theo dõi suốt thời kỳ phát triển nhanh và thời kỳ co hồi bởi hầu hết u se thoái triển và da sẽ trở lại bình thường.

Với u loét chảy máu: băng ép ít nhất 10 phút để cầm máu và dùng kháng sinh uống, hiếm khi phải khâu cầm máu. Nếu u chảy xối xả như u mạch máu trong xương, chẳng hạn u máu gò má chảy máu sau nhổ răng phải mổ cấp cứu để cầm máu kết hợp với phẫu thuật triệt để.

Ngoài ra u máu ngoài da có thể điều trị bằng tia laser: tia laser có tác dụng giảm đỏ, giảm kích thước khối u và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết thương sau khi u tự thoái triển.

Chỉ định phẫu thuật thường được đặt ra khi:

  • U lớn nhanh, cản trở chức năng sinh hoạt như thị lực, ăn uống, tiêu tiểu. U ở những vị trí dễ va chạm liên tục do tiếp xúc hay bị bội nhiễm vi trùng cũng thường diễn tiến nhanh, có thể phải cắt đi sớm.
  • U chèn ép ở mũi gây biến dạng sụn.
  • U máu có biến chứng loét hoặc chảy máu nặng, không đáp ứng điều trị corticoids và laser liệu pháp.
  • Nếu u vẫn tồn tại đến giai đoạn trưởng thành, có nghĩa là u sẽ không thể tự thu hồi được cũng nên cân nhắc mổ cắt.

Cảm ơn bạn đã tìm đọc bài viết “Bệnh u mạch máu: triệu chứng và phương pháp điều trị?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức cần thiết và bổ ích cho bạn về căn bệnh này. Nếu phát triển trẻ có những triệu chứng trên, hãy đưa trẻ đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và điều trị thích hợp nhất cho từng trường hợp.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NIH

Contact Me on Zalo