U máu gan: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

U máu gan là khối u lành tính trong gan thường gặp nhất. U máu gan tuy lành tính nhưng có thể gây biến chứng tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hầu hết các trường hợp u máu gan đều được phát hiện tình cơ thông qua thăm khám sức khỏe tổng quát. Vậy u máu gan có nguy hiểm không? Mời bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu về những vấn đề xoay quanh bệnh u máu gan thông qua bài viết sau đây.

U máu gan là gì?

u mau gan 1
U máu gan là gì?

U máu gan là một khối u lành tính được tạo thành từ sự tăng sinh mạch máu trong gan dẫn đến hình thành nên khối u. U máu gan thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu cho đến khi khối u lớn dần và chèn ép gây đau hạ sườn phải. Hầu hết các trường hợp u máu gan đều được phát hiện một cách tình cờ qua thăm khám một bệnh khác hoặc làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khảo sát bụng.

Hiện nay, không có bằng chứng chứng minh rằng u máu gan có thể diễn tiến ung thư gan, và khả năng tiến triển ác tính của u máu gan rất hiếm. Tuy nhiên người bệnh thường khá lo lắng nếu như trong cơ thể mình phát hiện một khối u ngay cả khi nó lành tính hay tệ hơn là ác tính. Do đó, bác sĩ thường trấn an và đề nghị bệnh nhân theo dõi khối u hoặc có thể chỉ định cắt bỏ khối u nếu quá to.

Khối u máu gan có thể gây ra biến chứng vỡ các mạch máu trong gan dẫn đến xuất huyết trong bao gan hoặc tệ hơn là lan tràn trong ổ bụng, gây đau bụng dữ dội. Khối u máu gan hiếm khi tự vỡ mà thường liên quan đến chấn thương do tai nạn giao thông, chấn thương lao động, do té ngã, … Lúc này khối u vỡ có thể chảy máu ồ ạt gây đe dọa đến tính mạng người bệnh do sốc giảm thể tích.

Triệu chứng của u máu gan

u mau gan 2
Triệu chứng của u máu gan

Trong hầu hết các trường hợp, u máu gan không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trừ khi u máu phát triển to gây chèn ép các cấu trúc trong cơ thể hoặc tệ hơn là xuất huyết u. Một số triệu chứng thường gặp của u máu gan như:

  • Đau, căng tức vùng hạ sườn phải
  • Cảm giác đầy bụng sau khi ăn, ăn ít nhưng lại có cảm giác no
  • Biếng ăn
  • Buồn nôn, nôn

Tuy nhiên, các triệu chứng trên thường không đặc hiệu và đều cần phải có cận lâm sàng hình ảnh để chẩn đoán. Do đó hầu hết các trường hợp phát hiện u máu gan đều do tình cơ thông qua thăm khám các bệnh lý khác. Từ đó ta thấy được tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe tổng quát.

Cho đến nay người ta vẫn không rõ nguyên nhân gây ra bệnh u máu gan. Các giả thuyết cho rằng bệnh u máu ở gan là do bẩm sinh, tức là khối u đã xuất hiện từ khi chúng ta sinh ra. Qua nhiều thời gian, khối u trở nên to dần gây chèn ép các cơ quan lân cận, tình cờ qua một chấn thương gây vỡ khối u máu dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Do đó tuy là khối u lành tính nhưng người bệnh không được chủ quan mà cần thăm khám định kỳ để theo dõi sự tiến triển của khối u.

Chẩn đoán u máu gan

u mau gan 3
Chẩn đoán u máu gan

Để chẩn đoán có bị u máu trong gan, chúng ta có thể dụng các xét nghiệm dưới đây:

  • Siêu âm: Đây là một công cụ chẩn đoán hình ảnh quan trọng có thể được bác sĩ chỉ định để khảo sát các bất thường khác trong ổ bụng không chỉ bệnh u máu gan. Hầu hết các trường hợp u máu đều có thể được phát hiện thông qua siêu âm mà không cần dùng đến các cận lâm sàng khác.
  • Chụp X-quang: X-quang là một chẩn đoán hình ảnh quan trọng có thể hỗ trợ chẩn đoán một trường hợp u máu gan.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Việc chụp nhiều lát cắt X-quang liên tục từ các góc khác nhau trên cơ thể có thể hỗ trợ dựng nên hình ảnh 3D của của gan, từ đó hỗ trợ chẩn đoán u máu ở gan.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một kỹ thuật sử dụng sóng vô tuyến để khảo sát cấu trúc mô gan một cách hiệu quả, đặc biệt có thể khảo sát mạch máu hiệu quả hơn so với chụp cộng hưởng từ.
  • Ghi xạ hình (Scint): Đây là một xét nghiệm chẩn đoán trong y học hạt nhân sử dụng vật liệu đánh giá phóng xạ để tạo ra hình ảnh của gan.

Hầu hết các trường hợp u máu gan trên lâm sàng được chẩn đoán tình cờ thông qua việc thăm khám các bệnh lý khác, đặc biệt siêu âm thường là công cụ giúp phát hiện tình cờ u máu ở gan hay gặp nhất. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước, hình dạng của khối u từ đó đưa ra quyết định điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Điều trị u máu gan

u mau gan 4
Điều trị u máu gan

Hầu hết các trường hợp u máu gan thường không cần điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ hằng năm. Các khối u to, phát triển nhanh gây triệu chứng sẽ được bác sĩ đưa ra xem xét và điều trị. Hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể điều trị làm tiêu hoặc giảm kích thước của khối u do đó bác sĩ thường chỉ định các phương pháp sau đây để điều trị u máu gan:

  • Ngăn chặn cung cấp máu đến khối u: Mạch máu tăng sinh và phát triển trong khối u sẽ khiến chúng càng ngày càng to hơn. Do đó bác sĩ thường chỉ định thắt mạch máu nuôi dưỡng khối u nhằm ngăn chặn khối u phát triển. Thủ thuật này được gọi là thuyên tắc động mạch gan có chọn lọc và hoàn toàn không ảnh hưởng đến các cấu trúc gan lân cận.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Trường hợp khối u quá lớn gây chèn ép sẽ được bác sĩ chỉ định cắt bỏ nhằm loại bỏ khối u. Gan là một cơ quan có thể tái tạo trong cơ thể nên người không cần phải quá lo lắng, tuy nhiên việc trải qua một cuộc phẫu thuật thường không mấy dễ dàng.
  • Cấy ghép gan: Đây không hoàn toàn là một phương pháp điều trị u máu gan. Thường được chỉ định trong trường hợp các khối u quá to gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan nếu bị cắt bỏ.

Hầu hết các trường hợp u máu gan đều không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên người bệnh nếu được chẩn đoán là u máu ở gan nên được theo dõi định kỳ và điều trị nếu được bác sĩ yêu cầu. Tránh trường hợp những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo