U tuyến tùng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

U tuyến tùng ở trẻ em là một khối u nằm ở tuyến tùng, thuật ngữ này bao gồm cả u tại tuyến tùng và u ở các thành phần cấu trúc của tuyến tùng. Vậy u tuyến tùng ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều trị u tuyến tùng ở trẻ em như thế nào? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về u tuyến tùng ở trẻ em

u tuyến tùng ở trẻ em
Tổng quan về u tuyến tùng ở trẻ em

Tuyến tùng là một tuyến thuộc hệ nội tiết, kích thước khá nhỏ, nằm ở não của hầu hết các loài động vật có xương sống. Tuyến tùng có vai trò giúp điều hòa nhịp sinh học (nhịp ngày đêm) của cơ thể bằng cách tiết ra hormone melatonin.

U tuyến tùng là tình trạng hình thành khối u ở các cấu trúc của tuyến tùng. Sự hiện diện (choán chỗ) của khối u có thể gây chèn ép não thất III, gây não úng thủy, chèn ép cống não, chèn ép tiểu não, chèn ép cuống não trên, chèn ép hố sau… và hàng loạt các rối loạn khác do sự chèn ép của khối u lên các cấu trúc thuộc hệ thần kinh trung ương gây ra.

Khoảng 0,4 đên 1% các trường hợp u não là u tuyến tùng, nó chiếm từ 3 đến 9% các khối u trong hộp sọ, ở người Châu Á thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Việc phẫu thuật tiếp cận với tuyến tùng hiện nay vẫn còn là một thách thức với các phẫu thuật viên, vì nó có cấu trúc giải phẫu tương đối phức tạp, nằm tận sâu bên trong nhu mô của não, được vây quanh bởi nhiều mạch máu cùng những cấu trúc quan trọng khác.

Có 4 loại u tuyến tùng, chúng được phân loại dựa vào nguồn gốc, cụ thể như sau:

  • U tế bào tuyến tùng
  • U tế bào thần kinh đệm
  • U có nguồn gốc từ tế bào mầm
  • U màng não

Triệu chứng của u tuyến tùng ở trẻ em

Biểu hiện tăng áp lực nội sọ

u tuyến tùng ở trẻ em
Biểu hiện tăng áp lực nội sọ

Sự hình thành cũng như gia tăng kích thước của khối u tuyến tùng sẽ gây tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy, từ đó gây ứ đọng dịch não tủy và tăng áp lực nội sọ lên.

Bệnh u tuyến tùng ở trẻ em thường bắt đầu khá âm thầm, đôi khi khối u chỉ gây ra tình trạng não úng thủy đơn thuần, dễ bị nhẫm lầm với bệnh não úng thủy bẩm sinh nếu không chủ động tìm kiếm nguyên nhân gây ra não úng thủy.

Việc áp lực nội sọ bị gia tăng do sự chèn ép của u tuyến tùng khiến cho bệnh nhân dễ bị buồn nôn, nôn, đau đầu và có thể rối loạn nhịp thở. Do đó, bệnh u tuyến tùng ở trẻ em cũng có thể bị lầm tưởng với các trường hợp rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thức ăn khác.

Để phân biệt với các bệnh lý khác, tăng áp lực nội sọ thường đi kèm với các triệu chứng điển hình như sau: mạch chậm dưới 60 lần/ phút, huyết áp tăng (huyết áp tâm thu > 140 mmHg), nhịp thở bất thường (rối loạn).

Rối loạn thị giác

u tuyến tùng ở trẻ em
Rối loạn thị giác

U tuyến tùng chèn ép lên các mảnh chất trắng ở vùng não có thể gây ra rối loạn thị giác, biểu hiện bới các triệu chứng như nhìn đôi, nhìn mờ, ngước mắt (nhìn lên) khó, dấu hiệu Parinaud (mất tập trung hoạt động của 2 nhãn cầu, bệnh nhân không thể tập trung cả 2 mắt nhìn vào 1 vật bất kì di chuyển từ xa hướng vào vào gốc mũi).

Ngoài ra, khối u chèn ép vào tổ chức xung quanh hoặc xâm lấn cấu trúc trung tâm tuyến tùng có thể gây ra các triệu chứng khó tập trung, rối loạn tâm thần, rối loạn tính cách, rối loạn nội tiết hoặc mất phối hợp động tác.

Những triệu chứng khác của u tuyến tùng ở trẻ em

Bệnh nhân bị u tuyến tùng thường bị đau đầu mạn tính (kéo dài).

Sự phát triển quá nhanh của khối u tuyến tùng có thể gây ra những triệu chứng cấp tính như rối loạn tri giác (lơ mơ) nhanh hoặc nghiêm trọng nhất là hôn mê.

U tuyến tùng ác tính có thể cho tế bào di căn theo dịch não tủy đi xuống khu vực tủy sống, gây triệu chứng đau vai gáy, đau lưng.

U tuyến tùng có nguồn gốc tế bào mầm nếu xâm lấn đến vùng tuyến yên, vùng dưới đồi sẽ gây triệu chứng đái tháo nhạt (mệt mỏi, quấy khóc, tiểu nhiều, tiểu đêm), hoặc gia tăng nồng độ hormone HCG trong cơ thể, gây ra tình trạng dậy thì sớm. U tế bào mầm chính là loại u tuyến tùng ở trẻ em thường gặp nhất trong 4 loại u tuyến tùng.

Chẩn đoán u tuyến tùng ở trẻ em như thế nào?

Định lượng nồng độ AFP, HCG trong máu

Khi phát hiện bệnh nhân bị u tuyến tùng, bác sĩ thường sẽ không tiến hành phẫu thuật ngay trừ những trường hợp cấp cứu. Thay vào đó, họ sẽ tiến hành các xét nghiệm định lượng nồng độ HCG, AFP trong máu, sinh thiết khối u tuyến tùng để biết bản chất của u là lành tính hay ác tính. Những thăm dò này có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị vì u tuyến tùng hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phương pháp xạ trị.

Đồng thời, những xét nghiệm này cũng giúp dõi tiến độ điều trị (nếu đáp ứng với điều trị thì nồng độ AFP và HCG sẽ giảm dần theo thời gian, ngược lại nếu không đáp ứng thì chúng sẽ không giảm hoặc có thể gia tăng), đồng thời còn có thể đánh giá nguy cơ tái phát của khối u (sau 1 thời gian giảm thì nồng độ hormone AFP, HCG gia tăng đột ngột lại).

Chẩn đoán hình ảnh

u tuyến tùng ở trẻ em
CT scan rất có giá trị trong chẩn đoán u tuyến tùng ở trẻ em

Những xét nghiệm hình ảnh học luôn đóng vai trò quan trọng đối với việc chẩn đoán các khối u, không chỉ riêng u tuyến tùng ở trẻ em. Phương tiện có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất là CT Scan và cộng hưởng từ MRI.

Hình ảnh u tuyến tùng ở trẻ em trên phim CT Scan thường có tình trạng vôi hóa bên trong khối u và hấp thu tốt thuốc cản quang, đồng thời có thể ghi nhận hình ảnh choán chỗ do chèn ép và  hình ảnh dãn não thất.

Đối với chụp cộng hưởng từ MRI, xét nghiệm này rất giá trị trong việc chẩn đoán và tiên lượng điều trị của u tuyến tùng ở trẻ em. MRI có thể đánh giá được hình dạng, kích thước, và quan trọng nhất là mức độ xâm lấn tuyến tùng và các tổ chức xung quanh của u; đánh giá sự ảnh hưởng của u đến những não thất và các mạch máu xung quanh, từ đó sẽ có sự chuẩn bị và định hướng tốt cho quá trình phẫu thuật một cách an toàn và chính xác hơn.

Điều trị u tuyến tùng ở trẻ em

Phần lớn là u tuyến tùng ở trẻ em là ác tính (khoảng 40%), tuy nhiên chúng đáp ứng điều trị khá tốt với phương pháp xạ trị. Với khối u lành tính, phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn khối u.

Trường hợp bệnh nhân bị triệu chứng não úng thủy, bác sĩ sẽ tiến hành chọc dẫn lưu não thất – ổ bụng hoặc nội soi mở thông sàn não thất hoặc.

Nếu chưa bị não úng thủy hoặc mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ ưu tiên những xét nghiệm xác định bản chất lành tính/ ác tính của khối u tuyến tùng. Nếu kết quả sinh thiết vẫn chưa kết luận được bản chất khối u thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ khối u trước và xác định bản chất sau đó.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu về U tuyến tùng ở trẻ em: 1 số điều bạn cần biết tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com, cedars-sinai.org, cancer.gov

Contact Me on Zalo