U xương hàm: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

U xương hàm có thể là lành tính hoặc ác tính, nhưng đều có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng vùng răng hàm mặt của bệnh nhân. Triệu chứng thường không rõ ràng làm nhiều người bỏ qua và lúc phát hiện đã gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bài viết dưới đây của Docosan sẽ gửi đế bạn thông tin về bệnh u xương hàm.

U xương hàm là bệnh gì?

Các khối u xương hàm là những u hay nang này phát triển từ xương hàm hoặc các mô mềm trong miệng và mặt. Những tổn thương này tương đối hiếm gặp và khối u có thể rất thay đổi về kích thước cũng như mức độ nghiêm trọng.

U xương hàm thường là những khối u lành tính, không phải ung thư. Nhưng dù lành tính, chúng cũng có thể xâm lấn vào xương, mô xung quanh và làm di lệch răng.

U xương hàm lành tính

U xương hàm lành tính thường gặp là khối u liên quan quan tới răng. Các khối u này thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi. U gồm u xơ và u xương răng, làm ảnh hưởng đến nang răng hoặc các mô răng.

Ngoài ra, u men răng là khối u biểu mô thường gặp nhất trong quá trình hình thành răng. Loại u này thường xuất hiện ở phần sau của hàm dưới, xâm lấn chậm và hiếm khi di căn. Hình ảnh u xương hàm do u men răng trên X-quang là hình ảnh cản quang đa vị trí hoặc bong bóng xà phòng.

Thông thường, các khối u này được cắt bỏ bằng các phương pháp chuyên biệt. Tiên lượng hồi phục và diễn tiến sau điều trị khá tốt.

U xương hàm ác tính

Khối u xương hàm ác tính phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy, xâm nhập xương thông qua các ổ chân răng. U xương hàm ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ phần nào của hàm trong khoang miệng. Các loại khối u xương hàm ác tính thường gặp là sarcom xương, u tế bào khổng lồ, khối u Ewing, đa u tủy xương.

U xương hàm
U xương hàm: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Nguyên nhân gây u hàm mặt

Nguyên nhân gây u hàm mặt đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hình thành khối u xương hàm:

  • Do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng rượu bia và thuốc lá là những tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc, chức năng của hệ xương hàm.
  • Do virus Human Papilloma (còn được gọi là HPV), là loại virus lây lan chủ yếu qua nước bọt, đường tình dục. Khi cơ thể bị nhiễm loại virus này và gặp điều kiện thuận lợi sẽ hình thành lên khối u ác tính ở xương hàm.
  • Một số trường hợp xuất hiện khối u xương hàm là do biến chứng của một số bệnh như Bệnh hồng sản, bệnh bạch sản, nhiễm trùng nặng kéo dài…
  • Một số có liên quan đến các hội chứng di truyền, như hội chứng Gorlin-Goltz, thiếu gen ức chế khối u.

Các triệu chứng của u xương hàm

Đa số các khối u xương hàm đều không có biểu hiện trên lâm sàng. Khối u có thể trải qua các giai đoạn sau đây kèm một số biểu hiện:

  • Giai đoạn tiềm ẩn: Khối u xương hàm không gây triệu chứng. Bệnh nhân chủ yếu phát hiện tình cờ qua thăm khám răng hàm mặt. Nếu có nhiễm trùng sẽ gây đau nhức.
  • Giai đoạn u xương hàm gây biến dạng xương: Ở giai đoạn này u sẽ làm phồng bề mặt xương, làm bệnh nhân có cảm giác nặng vùng xương hàm hoặc mất cảm giác do thần kinh bị chèn ép.
  • Giai đoạn u hàm mặt phá vỡ bề mặt xương: Có thể sờ thấy khối u nhưng không đau, bờ xương xung quanh mỏng, bén nhọn.
  • Giai đoạn u xương hàm tạo đường dò và gây biến chứng: Lỗ dò sẽ làm thủng ở mặt trong hoặc ngoài miệng, để lại nhiều di chứng khó hồi phục.

Nếu khối u là ác tính, u lớn lên sẽ gây ra áp lực bên trong hàm, ép lên răng, dây thần kinh, mạch máu và xương hàm. Các triệu chứng như đau hàm, sưng mặt và răng lung lay dễ rụng sẽ rõ rệt hơn ở giai đoạn sau của bệnh.

U xương hàm
U xương hàm: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Chẩn đoán u xương hàm

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm chụp hình ảnh khu vực bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như chụp phim X-quang sẽ giúp xác định kích thước của khối u, chụp CT scan để xác định tình trạng bệnh chính xác hơn. Ngoài ra, sinh thiết là cần thiết để xác định xem một khối u là lành tính hay ác tính, tìm hiểu loại tế bào có liên quan và mức độ tiến triển của ung thư xương hàm.

U xương hàm
U xương hàm: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Điều trị u xương hàm

Thỉnh thoảng, khối u lành tính hoặc u nang xương hàm có thể không cần điều trị. Bác sĩ chi cần theo dõi diễn biến bệnh một thời gian. Tuy nhiên, ngay cả một khối u lành tính nếu phát triển quá mức cũng có thể làm suy yếu xương và mô xung quanh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các phẫu thuật cắt bỏ u xương hàm tùy thuộc vào loại khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Đối với u xương hàm ác tính, xạ trị và hóa trị cũng có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật. Phương pháp xạ trị và hóa trị có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước của khối u hoặc đôi khi sau phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.

Các khối u có cơ hội điều trị thành công cao nhất nếu bệnh được chẩn đoán sớm. Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời, phát hiện sớm khối u, tránh tình trạng để u nang hàm phát triển gây ra những triệu chứng nặng và gây biến chứng.

U xương hàm
U xương hàm: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tóm lại, u xương hàm có rất nhiều loại khối u, cả lành tính và ác tính. Thường ít triệu chứng, hay gặp nhất là sưng, đau, dễ nhạy cảm và răng lung lay không rõ nguyên nhân. Một số khối u được phát hiện trên phim chụp X quang nha khoa thường quy trong các lần khám định kỳ răng miệng. Điều trị phụ thuộc vào vị trí, loại khối u và tình trạng sức khỏe cảu bệnh nhân.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.