Bệnh suy giãn tĩnh mạch: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh suy giãn tĩnh mạch, hay còn gọi là suy tĩnh mạch là một bệnh lý rất hay gặp, đi cùng với tuổi tác tăng dần và liên quan một số nghề nghiệp đặc thù, bệnh thường là mạn tính. Bệnh có thể biểu hiện dưới dạng các mạch máu giãn dưới da, như hình mạng nhện, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, hoặc đau nhức, sưng chân dai dẳng,… gây khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống hằng ngày. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về bệnh suy giãn tĩnh mạch và các biện pháp điều trị hiệu quả.

Tĩnh mạch là gì ?

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu sơ nét về cấu trúc và đặc điểm của tĩnh mạch. Tĩnh mạch là một loại mạch máu trong cơ thể, dạng ống, phân bổ khắp cơ thể, với chức năng là đưa máu nghèo oxy quay trở về tim. Khác với động mạch, thành tĩnh mạch thường mỏng hơn và áp lực để đưa máu trong tĩnh mạch về tim do các van tĩnh mạch (van một chiều) và sự co bóp các cơ tại chỗ.

Chính vì cấu trúc như trên, với lực co bóp không quá mạnh và phải đưa lượng máu đi ngược trọng lực về tim, nên theo thời gian hoặc duy trì trong một tư thế đứng kéo dài và lặp lại, các van suy yếu, dẫn đến máu bị ứ trệ, tĩnh mạch giãn lớn, ngoằn ngoèo

Suy giãn tĩnh mạch là gì ?

Bệnh suy giãn tĩnh mạch, còn được gọi là giãn hoặc biến dạng tĩnh mạch, xảy ra khi các tĩnh mạch trở nên giãn rộng, tăng kích thước và ứ đầy máu. Tĩnh mạch bị giãn thường sưng to và nổi gồ lên trên da, có màu xanh tím hoặc đỏ và gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.

Suy giãn tĩnh mạch rất phổ biến, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ. Có khoảng ¼ số người trưởng thành bị giãn tĩnh mạch, và vị trí thường gặp nhất là vùng khoeo chân và cẳng chân, là những nơi hay chịu trọng lực lớn của cơ thể

suy-gian-tinh-mach
Cơ chế bệnh suy giãn tĩnh mạch

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch

Một số nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch thường gặp là:

  • Thai kỳ: Sự thay đổi nội tiết của người phụ nữ trong quá trình mang thai, cùng với sự cản trở về mặt cơ học của thai nhi lên vùng bụng gây chèn ép và cản trở quá trình máu về tim.
  • Thời kỳ mãn kinh.
  • Người trên 50 tuổi.
  • Người làm những nghề yêu cầu phải duy trì tư thế đứng trong thời gian dài, như giáo viên, bác sĩ phẫu thuật, công an giao thông…
  • Thể trạng béo phì.
  • Người có tiền sử gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch.

Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Trong đa số các trường hợp, bệnh suy giãn tĩnh mạch thường không gây đau, và thường biểu hiện với các dấu hiệu như sau:

  • Tĩnh mạch giãn, xoắn, ngoằn ngoèo trên da, sưng và nổi rõ.
  • Các tĩnh mạch có màu xanh tím, hoặc tím đậm, hoặc đỏ.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau nhức vùng tĩnh mạch giãn, thường là 2 cẳng chân.
  • Nặng chân, đặc biệt là sau khi vận động thể thao hoặc sau một ngày làm việc.
  • Chảy máu kéo dài hơn bình thường, khi bị một vết thương dù nhỏ tại vùng suy giãn tĩnh mạch.
  • Hay bị chuột rút ở chân khi đột nhiên đứng dậy sau khi ngồi lâu.
  • Những mảng trắng không đều trông giống như vết sẹo ở vùng quanh mắt cá chân.

Khi nào bạn nên đi khám ?

Bạn cần đến gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu sau, để được kiểm tra và đánh giá mức độ bệnh cụ thể, từ đó có các biện pháp điều trị chuyên biệt.

  • Khi có các triệu chứng như trên và gây đau đớn.
  • Khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hoặc không cải thiện dù đã thực hiện một số biện pháp chăm sóc đơn giản tại nhà (sẽ được liệt kê dưới đây).
  • Đột ngột đau chân, sưng đỏ, sốt hoặc có vết thương ở chân.

Nơi điều trị suy giãn tĩnh mạch hiệu quả

Chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào ?

Bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng bạn gặp, cũng như khám vùng tĩnh mạch giãn khi người bệnh ở tư thế ngồi hoặc đứng thẳng. Ngoài ra, tiền sử bệnh tật cũng như các nguyên nhân có thể gây ra bệnh cũng sẽ được chú trọng để từ đó, bên cạnh việc chẩn đoán, sẽ có thể định hướng điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả tối ưu.

Một số phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch:

  • Siêu âm mạch máu: Đây là một phương tiện tầm soát an toàn, rẻ tiền, đem đến hình ảnh mô tả kích thước tĩnh mạch, độ đàn hồi và dòng máu lưu chuyển bên trong.
  • Chụp X-Quang tĩnh mạch: Người bệnh sẽ được tiêm một loại chất cản quang vào trong lòng tĩnh mạch, sau đó, dưới tia X, mạch máu được biểu thị rõ ràng trên phim chụp, giúp bác sĩ nhìn thấy rõ mạch máu và tình trạng hiện tại.
  • Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm đặc hiệu có thể cần được thực hiện để phân biệt tình trạng huyết khối tĩnh mạch.

Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch

Biện pháp không dùng thuốc

Biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch đầu tiên thường được nhắc đến đó là thay đổi lối sống và các biện pháp không dùng thuốc. Những thay đổi này hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả cao, ngăn ngừa diễn tiến xấu hơn của bệnh và cải thiện dần các triệu chứng.

  • Không đứng trong thời gian kéo dài.
  • Duy trì cân nặng phù hợp, tránh béo phì.
  • Tập thể dục phù hợp và duy trì đều đặn.
  • Sử dụng vớ nén để tăng áp lực vùng cẳng chân, giúp hỗ trợ máu tĩnh mạch hồi lưu về tim. Vớ nén, hay vớ áp lực, hay vớ y khoa là một loại vớ chân được thiết kế chuyên biệt, tạo nên áp suất vừa đủ lên chân của người mang giúp máu tĩnh mạch chảy về tim dễ dàng hơn, đồng thời giảm sưng nề vùng chân.
  • Kê cao chân khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ.

Đối với tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai, bệnh thường tự khỏi trong vòng 3 tháng sau sinh mà thường không phải can thiệp một biện pháp y tế nào.

suy-gian-tinh-mach
Vớ giãn tĩnh mạch

Liệu pháp xơ hoá (tiêm xơ)

Bác sĩ sẽ tiêm vào lòng tĩnh mạch một loại dung dịch tạo bọt để tạo mô sẹo, nhằm giảm khẩu kính tĩnh mạch và điều chỉnh lưu lượng máu sang các tĩnh mạch khỏe mạnh xung quanh. Đôi khi người bệnh phải tiêm nhiều lần, tùy theo tình trạng bệnh.

Điều trị bằng laser hoặc sóng cao tần

Kỹ thuật này sử dụng ánh sáng laser hoặc sóng cao tần để làm teo xơ các tĩnh mạch bị suy giãn. Người bệnh hoàn toàn có thể xuất viện trong ngày, không để lại sẹo trên da, từ đó giúp đảm bảo tính thẩm mỹ sau thủ thuật.

Phẫu thuật

Khi các biện pháp không dùng thuốc cũng như các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, phẫu thuật có thể thực hiện để giải quyết tình trạng tĩnh mạch giãn. Có hai loại phẫu thuật mở hoặc nội soi, có hiệu quả cao và tỷ lệ tái phát thấp.

Suy giãn tĩnh mạch uống thuốc gì ?

Một số loại thuốc có thể có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch, có thể kể đến như:

  • Thuốc chống đông máu.
  • Thuốc tăng cường sức bền thành mạch máu.
  • Thuốc lợi tiểu…

Tuy nhiên, quý bạn đọc không nên tự ý mua thuốc uống, vì mỗi loại thuốc đều cần có liều lượng và chỉ định phù hợp, để tránh các biến chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn. Vậy nên, việc đến gặp bác sĩ để thăm khám, chẩn đoán và điều trị là cần thiết khi bạn cảm thấy các triệu chứng khó chịu do bệnh suy giãn tĩnh mạch gây ra.

Trên đây là một số phương pháp thường gặp trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch, quyết định lựa chọn biện pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, cần có sự thảo luận giữa bác sĩ điều trị và người bệnh, để có được quyết định phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì ?

Người mắc suy giãn tĩnh mạch có thể điều chỉnh chế độ ăn của mình để cải thiện tình trạng bệnh, một số cách mà bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Ăn nhiều chất xơ, như rau củ quả, hạt, ngũ cốc,..
  • Ăn các thực phẩm giàu rutin, một loại chất bảo vệ mạch máu, ngăn tạo cục máu đông và giúp lưu thông máu, tốt cho những người bị suy giãn tĩnh mạch. Ví dụ như trà xanh, táo, mơ, nho, mận, đào, bưởi,..
  • Hạn chế lượng muối ăn hằng ngày.
  • Uống nhiều nước.

Lời kết

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ. Việc hiểu rõ quá trình diễn biến của bệnh, giúp bạn nắm được các biện pháp phòng ngừa và cải thiện triệu chứng bệnh khi bệnh còn đang ở trong giai đoạn đầu, thường không gây đau. Những tình trạng suy giãn tĩnh mạch nặng nề hơn sẽ được điều trị bằng các biện pháp can thiệp chuyên biệt để đem lại hiệu quả cao nhất và tránh tái phát.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu suy giãn tĩnh mạch tại Docosan. Chúng tôi rất vinh hạnh chào đón và nhận được sự tín nhiệm từ các bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo