Như thế nào là chỉ số đường huyết bình thường?

Chỉ số đường huyết là gì? Có ý nghĩa như thế nào? Đường (glucose) là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các tế bào trong cơ thể người, đặc biệt là não bộ. Để cung cấp thông tin về lượng đường có trong máu, người ta dùng các phương pháp định lượng và thể hiện thông qua chỉ số đường huyết. Chỉ số đường huyết, cũng giống như chỉ số huyết áp, là những chỉ số quan trọng, biểu thị khách quan tình trạng sức khoẻ của một người. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Chỉ số đường huyết là gì?

Chỉ số đường huyết là chỉ số thể hiện lượng đường có trong máu của cơ thể, thường tính bằng đơn vị mmol/L hoặc mg/dL. 

Mẹo nhỏ để đổi đơn vị: Các phòng xét nghiệm hoặc các thiết bị đo đường huyết nhanh thường sử dụng 2 đơn vị là mmol/L hoặc mg/dL, để có sự đồng bộ giúp dễ dàng theo dõi đường huyết của bản thân, chúng ta có thể sử dụng công thức chuyển đổi như sau:

mmol/L x 18 = mg/dL

Ví dụ: đường huyết 7 mmol/L = 7 x 18 = 126 mg/dL.

Khi chỉ số này tăng cao kéo dài, có thể bạn đã bị đái tháo đường.

Khi chỉ số này hạ, báo hiệu một tình trạng hạ đường nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến lơ mơ, hôn mê và tử vong. 

chỉ số đường huyết
Chỉ số đường huyết là gì?

Làm sao để lấy được đường huyết?

Có 2 cách để định lượng được đường huyết:

  • Lấy máu mao mạch: máu được trích ở đầu ngón tay, đo bằng máy đo đường huyết cá nhân
  • Lấy máu tĩnh mạch: máu được lấy qua kim tiêm vào tĩnh mạch, sau đó quay ly tâm và tách bỏ thành phần tế bào, ta sẽ có được đường trong huyết tương. Cách lấy này cho kết quả chính xác hơn.

Trong chẩn đoán ban đầu về đái tháo đường, nên sử dụng đường trong huyết tương (tức là lấy máu qua tĩnh mạch), trong khi máu mao mạch thường được dùng để theo dõi điều trị (tại bệnh viện và ở nhà) hoặc dùng khi chẩn đoán nhanh các biến chứng cấp của đái tháo đường.

chỉ số đường huyết
Lấy máu qua mao mạch

Các loại chỉ số đường huyết

Trong máu lúc nào cũng có một lượng đường, và chúng có liên quan chặt chẽ đến các bữa ăn cũng như chế độ dinh dưỡng của chúng ta, vì phần lớn đường trong máu là từ các thức ăn đồ uống mà chúng ta nạp vào cơ thể, vì vậy có thể phân chia ra nhiều loại chỉ số đường huyết.

  • Đường huyết lúc đói (Fasting Plasma Glucose: FPG)

Là chỉ số đường huyết lúc đói, được thực hiện lấy máu khi đã nhịn ăn và nhịn uống (trừ nước lọc) ít nhất 8 tiếng, thường được làm vào buổi sáng sớm, trước khi ăn sáng.

Đường huyết lúc đói ở ngưỡng bình thường là trong khoảng từ 70mg/dL và đến 100mg/dL (3,9-5,6 mmol/L).

  • Đường huyết sau ăn 

Đường huyết sau ăn trong ngưỡng bình thường là <140mg/dL (7,8 mmol/L).

chỉ số đường huyết
Bảng chỉ số đường huyết

Là chỉ số đường huyết sau khi ăn xong, và thường sẽ cao hơn so với khi đói. Tại các cơ sở Y tế, thường được xác định bằng cách tiến hành làm Nghiệm pháp dung nạp Glucose bằng đường uống ( Oral Glucose Tolerance Test: OGTT).

Bạn sẽ được uống 1 loại dung dịch ngọt, đo đường huyết vào trước khi bắt đầu uống và sau khi uống 1 hoặc 2 tiếng, từ đó sẽ biết được khả năng chuyển hóa đường trong cơ thể bạn. Sau khi làm OGTT mà đường huyết của bạn trong ngưỡng 140-199mg/dL thì bạn được chẩn đoán rối loạn dung nạp đường huyết.

  • Chỉ số Hemoglobin A1c (HbA1c)

Là chỉ số thể hiện lượng đường trung bình trong cơ thể bạn trong khoảng 2-3 tháng gần nhất. Đây là 1 chỉ số thường được dùng để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh đái tháo đường, và điều thuận tiện khi lấy chỉ số này là bạn không cần phải nhịn ăn hay uống dung dịch nào cả.

Chỉ số HbA1c bình thường là < 5.7%.

Tuy nhiên, HbA1c có thể giảm giả trong trường hợp mất máu cấp hoặc mạn, tán huyết, thiếu máu, một số bệnh huyết sắc tố, hoặc tăng giả trong suy thận mạn.

  • Đường huyết bất kì 

Là đường huyết được lấy vào bất kì thời điểm nào trong ngày, và thường sẽ được các bác sĩ cho làm khi bạn đến bệnh viện với 1 vài triệu chứng của bệnh đái tháo đường hay hạ đường huyết.

Chỉ số đường huyết bất kì bình thường là <140mg/dL (7,8 mmol/L).

Khi nào chỉ số đường huyết báo hiệu nguy hiểm?

  • Hạ đường huyết

Khi đường huyết < 70mg/dL thì gọi là hạ đường huyết, các triệu chứng sẽ rõ hơn khi đường huyết < 50mg/dl, và đây là 1 tình huống cần xử trí bổ sung đường ngay, vì nếu để kéo dài, não không đủ đường để sử dụng sẽ dẫn đến lơ mơ, hôn mê  và tử vong.

  • Tăng đường huyết quá cao

Khi đường huyết >250mg/dL : có thể sẽ dẫn đến nhiễm toan ceton, là một biến chứng thường gặp điển hình ở người bị đái tháo đường type 1, hiện nay cũng có thể gặp ở cả đái tháo đường type 2 do tần suất bệnh tăng cao.

Khi đường huyết > 600mg/dL: có thể sẽ dẫn đến tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết trầm trọng, đe doa đến tính mạng. Bệnh cảnh này hay xảy ra trên người đái tháo đường type 2 được chẩn đoán muộn hoặc tự bỏ điều trị.

Thông thường, trên các máy đo đường huyết nhanh tại nhà, khi đường huyết của bạn quá cao, máy sẽ hiện dòng chữ HI ( tức là HIGH) còn ngưỡng cao là bao nhiêu thì tùy theo mỗi loại máy, lúc này bạn nên gặp bác sĩ

Khi tăng đường huyết cao kèm thêm các dấu hiệu sau thì cần được đến nơi cơ sở Y tế gần nhất để được điều trị kịp thời:

  • Khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều.
  • Dấu hiệu mất nước: da khô, mắt trũng, hạ huyết áp, mạch nhanh.
  • Lừ đừ, suy giảm ý thức, lơ mơ, hôn mê.

Làm thế nào để duy trì đường huyết ở ngưỡng bình thường?

  • Tuân thủ điều trị do bác sĩ chỉ định, không tự ý bỏ điều trị hay chỉnh liều, dùng thuốc mới, nếu thấy khó chịu trong người sau khi dùng thuốc thì nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.
  • Theo dõi đường huyết bằng máy đo tại nhà thường xuyên.
  • Luyện tập thể lực nâng cao sức khỏe:
    • Nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, tốt nhất là thể dục hết các ngày trong tuần.
    • Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất: đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây thun, nâng tạ).
    • Có thể thay thế bằng cách chia nhỏ thời gian tập thể dục trong ngày. Ví dụ: đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút.
    • Những hoạt động tăng tiêu thụ năng lượng hàng ngày có lợi cho kiểm soát đái tháo đường: làm vườn, đi bộ lên cầu thang, lau nhà, …
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Ăn uống điều độ, không nên kiêng khem đường hay tinh bột quá mức, vì đó vẫn là 1 trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể, ăn nhiều rau xanh và củ quả, cân bằng bữa ăn đầy đủ bột đường, đạm, béo và chất xơ.
chỉ số đường huyết
Làm thế nào để duy trì đường huyết ở ngưỡng bình thường? – Ngưng hút thuốc lá

Chế độ dinh dưỡng giúp điều hòa chỉ số đường huyết

  • Bữa ăn nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mỳ đen, hoa quả.
  • Nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài, …
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như: Khoai lang nướng, bánh mỳ, bột dong, đường kính, mật ong, …
  • Ăn trái cây nên ăn nguyên múi, nguyên miếng không nên ăn nước ép trái cây vì quá trình chế biến đã bị mất chất xơ nên đường bị hấp thu nhanh hơn. 
  • Chọn những trái cây gây tăng đường huyết thấp: ổi, lê, táo, cam …
  • Ăn vừa phải trái cây gây tăng đường huyết trung bình: chuối, đu đủ …
  • Hạn chế trái cây gây tăng đường huyết nhanh: dưa hấu, vải, nhãn, xoài…
  • Hạn chế uống rượu bia, các nước uống có cồn, có gas.
chỉ số đường huyết
Chế độ dinh dưỡng giúp điều hòa chỉ số đường huyết

Lời kết

Chỉ số đường huyết là một người bạn đồng hành không thể thiếu đối với những người bệnh đái tháo đường. Biết được giá trị bình thường của các chỉ số đường huyết giúp người bệnh và bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị thích hợp nhất cũng như cảnh báo những trường hợp nguy hiểm.

Xét nghiệm đường huyết ở đâu TPHCM?

  • Bệnh viện Quốc tế City – Quận Bình Tân

Bệnh viện Quốc tế City (CIH) là bệnh viện đa khoa cao cấp đầu tiên của Khu Y tế kỹ thuật cao, cam kết cung cấp các dịch vụ y tế theo tiêu chuẩn quốc tế và được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại như máy chụp CT, máy chụp cộng hưởng từ MRI, cùng phòng chụp đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật viên có chuyên môn cao.

  • Hệ thống Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag – 16 chi nhánh tại TPHCM
  • Understanding A1C – Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA
  • Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2020), Bộ Y tế
  • Đái tháo đường, Triệu chứng học bệnh học nội khoa tập 2, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch