Siêu âm: Định nghĩa, quy trình như thế nào ?

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất bởi kỹ thuật này không xâm lấn, không gây đau, gây hại cho người sử dụng. Ngoài ra, phương pháp này ít tốn kém hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, không sử dụng bức xạ, cực kỳ an toàn, cung cấp hình ảnh ở thời gian thực, là một công cụ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh, hỗ trợ tốt cho việc chỉ định các thủ thuật xâm lấn tối thiểu tiếp theo như sinh thiết, chọc hút dịch.

siêu âm thai
Siêu âm thường được dùng trong chẩn đoán, xét nghiệm thai kì

Siêu âm là gì ?

Siêu âm (ultrasound) là một kỹ thuật y học an toàn và không gây đau cho bệnh nhân, ít tốn kém và tạo ra hình ảnh trực tiếp bên trong cơ thể bằng một đầu dò phát sóng âm tần số cao, sau đó phản xạ lại và thể hiện thông qua hình ảnh y khoa, được sử dụng trong khảo sát nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau trong cơ thể như tim, gan, thận, túi mật, lá lách, tuyến giáp, buồng trứng, tử cung, thai nhi, mạch máu,… nhằm phát hiện các khối u bất thường, những thay đổi ở các cơ quan và theo dõi sự lớn lên của thai nhi trong tử cung người mẹ. Ngoài ra, siêu âm còn được sử dụng để hỗ trợ cho sinh thiết.

Kỹ thuật siêu âm là một xét nghiệm y tế không xâm lấn dễ thực hiện và hiện nay chính nhờ sự phát triển của trang thiết bị, máy móc mà hình ảnh được thể hiện một cách rõ nét và chân thật, những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật hiện đại phải kể đến như siêu âm 3 chiều (3D) có khả năng tái tạo các dữ liệu thu nhận được từ sóng âm thành hình ảnh 3 chiều, hay siêu âm 4 chiều (4D) là siêu âm 3 chiều có tích hợp thêm ghi nhận sự chuyển động, siêu âm Doppler màu … đã giúp cho các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp điều trị đúng đắn và hiệu quả cho mỗi tình trạng bệnh.

Trong các kĩ thuật nêu trên thì siêu âm Doppler màu là kỹ thuật thường được dùng hơn cả, đây là một loại siêu âm đặc biệt:

  • Siêu âm Doppler có thể đo hướng và tốc độ của các tế bào máu khi chúng di chuyển qua lòng mạch. Sự chuyển động của các tế bào máu gây ra sự thay đổi cường độ của sóng âm phản xạ (được gọi là hiệu ứng Doppler). Một máy tính thu nhận và xử lý sóng âm dội lại tạo ra các hình ảnh màu đại diện cho dòng máu chảy qua các mạch máu.
  • Chính vì vậy siêu âm Doppler được áp dụng nhiều nhất trong siêu âm thai kỳ và siêu âm tim mạch, ngoài ra phương pháp này còn giúp phát hiện sớm và chính xác các dị tật về mặt hình thái ở thai nhi, cũng như tình trạng phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Đặc biệt, siêu âm Doppler cho kết quả chẩn đoán chính xác dị tật tim thai.
  • Hiện nay, siêu âm Doppler có 2 loại là siêu âm xung và siêu âm Doppler liên tục. Kỹ thuật này được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn nhất cho cả thai phụ và thai nhi, dù là ở 3 tháng đầu hay cuối của thai kỳ.

Mặc dù đây là kỹ thuật phổ biến, hiệu quả và an toàn nhưng khuyến cáo người bệnh chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ vì phương pháp này không phải tuyệt đối, giúp chẩn đoán được mọi bệnh mà siêu âm cũng có những mặt hạn chế riêng:

  • Sóng âm bị cản trở bởi không khí và hơi vì vậy không thể chẩn đoán chính xác những bất thường ở ruột, tụy, dạ dày, động mạch chủ và những cơ quan bị ruột che khuất.
  • Kỹ thuật siêu âm chỉ thể hiện hình ảnh bề mặt ngoài của xương, không thể hiện hình ảnh bên trong xương.
  • Hạn chế sử dụng ở người thừa cân, béo phì vì độ xuyên thấu của sóng siêu âm bị giới hạn, không thể quan sát được những cấu trúc sâu bên trong cơ thể.
  • Hiệu quả của kỹ thuật này phụ thuộc khá nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ để cho những hình ảnh chất lượng tốt nhất.

Nguyên lý siêu âm như thế nào ?

Siêu âm là kỹ thuật sử dụng một đầu dò nhỏ gọi là đầu dò siêu âm và gel đặt trực tiếp lên da.

Đầu dò khi được kích thích bởi xung điện với chiều dài và cường độ thay đổi sẽ phát sóng siêu âm (đầu dò khác nhau sẽ phát sóng với tần số khác nhau) truyền theo hướng của đầu dò qua gel và vào cơ thể với vận tốc xác định.

Sóng âm sẽ gặp các mặt phân cách trên đường đi và tạo ra các phản xạ và tán xạ âm quay về đầu dò, đầu dò sẽ thu nhận các tín hiệu phản xạ dội lại này.

Một máy tính sẽ sử dụng những sóng âm thanh đó để tạo ra một hình ảnh – hình ảnh này được chụp trong thời gian thực, chúng có thể cho thấy cấu trúc và chuyển động của các cơ quan nội tạng của cơ thể, thấy được cả dòng máu chảy qua các mạch máu.

Quy trình siêu âm như thế nào ?

Trước khi siêu âm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh có chế độ ăn không chất béo vào buổi tối trước xét nghiệm, sau đó nhịn ăn từ 8-12 giờ đồng hồ trước khi tiến hành, nhưng chỉ trong các trường hợp khám bụng, kiểm tra gan, túi mật, tuyến tụy và lách bởi thức ăn chưa được tiêu hóa sẽ chặn sóng âm thanh, kỹ thuật viên khó thu được hình ảnh rõ nét và chính xác. Ngoài ra đối với một số kiểm tra khác như siêu âm vùng chậu, người bệnh có thể sẽ được yêu cầu uống nhiều nước và nhịn tiểu để bàng quang đầy nhằm giúp cho hình ảnh thu nhận được rõ nét và chính xác hơn.

Sau khi bệnh nhân nằm trên giường khám bệnh, bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng một loại gel bôi trơn đặc biệt vào khu vực cơ thể cần được thăm dò. Gel này có nhiệm vụ giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể bệnh nhân và loại bỏ các túi khí giữa đầu dò và da có thể chặn sóng âm truyền vào cơ thể bệnh nhân. Đầu dò được đặt trên cơ thể và di chuyển qua lại liên tục trong khu vực cần khảo sát cho đến khi kỹ thuật viên nhìn thấy được hình ảnh mong muốn và kịp ghi lại.

Đa phần áp lực từ đầu dò đè ép vào khu vực được kiểm tra không gây ra sự khó chịu nào cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu khu vực thăm khám siêu âm là ở vùng mô mỏng, bệnh nhân có thể cảm thấy tức hoặc đau nhẹ từ đầu dò khi bác sĩ ấn.

Đối với hầu hết các kỹ thuật siêu âm, bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên giường khám bệnh. Tuy nhiên tùy thuộc vào bộ phận cần kiểm tra mà bạn có thể được yêu cầu nghiêng hoặc thay đổi tư thế nằm, thay đổi vị trí để bác sĩ có thể tiếp cận tốt hơn và cải thiện được chất lượng hình ảnh.

Sau khi siêu âm xong, bạn có thể lau sạch gel siêu âm khỏi toàn bộ da bệnh nhân và gel này khô rất nhanh chóng. Gel siêu âm thường không làm ố hoặc biến màu quần áo.

Hầu hết các kỹ thuật siêu âm là không đau, nhanh chóng và dễ dàng thực hiện. Siêu âm bụng thường được hoàn thành trong vòng 15 đến 30 phút. Sau đó, bạn có thể sinh hoạt, vận động, ăn uống hoàn toàn bình thường.

Khi kỹ thuật siêu âm hoàn tất, bệnh nhân sẽ chờ nhận thông báo kết quả từ bác sĩ, bác sĩ sẽ kiểm tra và phát hiện những bất thường nếu có. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tái khám định kỳ, hoặc kết hợp thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh cần thiết khác 

Một số phòng khám, bệnh viện có kỹ thuật siêu âm hiện đại

Kết luận

Siêu âm là một kĩ thuật hình ảnh trong y khoa, không xâm lấn, không gây đau, gây hại cho người sử dụng, ít tốn kém và cực kì an toàn nhờ sử dụng cơ chế là sóng siêu âm từ đầu dò, chứ không sử dụng tia bức xạ. Quy trình thực hiện tùy thuộc vào mỗi bệnh viện và bệnh cảnh cần khảo sát mà có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chuẩn bị một số thứ trước khi làm như nhịn ăn hoặc uống nhiều nước, … trước khi được siêu âm, còn các bước còn lại trong quy trình thì hầu như đều khá giống nhau, bệnh nhân nằm trên giường khám bệnh, bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng một loại gel bôi trơn đặc biệt vào khu vực cơ thể cần được thăm dò và tiền hành kiểm tra, lưu lại hình ảnh mong muốn giúp chẩn đoán và điều trị bệnh.


Bài viết được tham khảo từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị trên Docosan.com

Siêu âm là gì ? Quy trình, kỹ thuật và các loại siêu âm phổ biến – tamanhhospital.vn

Những điều cần biết về siêu âm mổ bụng – Sở Y Tế Hà Nội