Xét nghiệm CRP là gì? Quy trình và ý nghĩa các chỉ số

Xét nghiệm CRP hay còn được gọi là xét nghiệm định lượng protein C phản ứng trong máu. Viêm là phản ứng của hệ thống miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể trước những tổn thương. Việc đánh giá mức độ viêm của tổn thương và theo dõi đáp ứng điều trị của các bệnh lý nhiễm trùng là rất quan trọng. Một trong những chỉ số dùng để theo dõi tình trạng viêm là CRP. Bài viết sau của Docosan sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần biết về xét nghiệm này.

Xét nghiệm CRP là gì?

Protein phản ứng C (C – reactive protein – CRP) được sản xuất chủ yếu bởi gan. Bình thường nồng độ CRP trong máu rất thấp. Nếu các mô bị tổn thương hoặc nhiễm trùng, cơ thể sẽ tạo nên phản ứng viêm, nồng độ CRP tăng nhanh trong huyết tương.

xét nghiệm crp
Protein phản ứng C là một loại protein được sản xuất chủ yếu bởi gan

Tại sao nên xét nghiệm nồng độ CRP?

Xét nghiệm nồng độ CRP có thể giúp phát hiện hoặc theo dõi tình trạng viêm cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn :

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn (chẳng hạn viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, tiêu hoá, có hoặc không kèm theo nhiễm trùng toàn thân).
  • Nhiễm nấm.
  • Nhiễm virus.
  • Viêm vùng chậu
xét nghiệm crp
Xét nghiệm nồng độ CRP có thể giúp phát hiện hoặc theo dõi tình trạng viêm cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

Ngoài ra, xét nghiệm CRP cũng rất hữu ích trong việc theo dõi các tình trạng viêm mạn tính để phát hiện các đợt cấp và/hoặc đánh giá hiệu quả điều trị, chẳng hạn như

  • Viêm ruột
  • Rối loạn tự miễn dịch (lupus hoặc viêm khớp dạng thấp v.v.).

Một số trường hợp ứng dụng CRP khác như :

  • Phát hiện nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh
  • Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật
  • Tiên lượng tình trạng thải ghép của những bệnh nhân ghép thận.

Khi nào cần xét nghiệm CRP?

Bạn cần xét nghiệm nồng độ CRP nếu có các triệu chứng viêm cấp tính , chẳng hạn như :

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Thở nhanh
  • Nhịp tim nhanh
  • Buồn nôn và ói mửa

Nếu bạn đã được chẩn đoán bị nhiễm trùng hoặc viêm mãn tính, xét nghiệm CRP có thể được chỉ định để theo dõi quá trình điều trị. Nồng độ CRP tăng hay giảm tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm của người bệnh. Mức CRP giảm xuống thường có nghĩa là phương pháp điều trị viêm có hiệu quả đối với người bệnh.

Thực hiện xét nghiệm CRP

Bạn không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm, tuy nhiên bạn không nên vận động quá nhiều, chẳng hạn như tập các bài tập thể lực gắng sức hoặc chạy bộ vì những hoạt động gắng sức này có thể làm tăng đột ngột nồng độ CRP trong máu.

xét nghiệm crp
Thực hiện xét nghiệm CRP như thế nào?

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bằng ống kim tiêm. Sau khi kim được đưa vào, một lượng nhỏ máu sẽ được thu thập vào ống nghiệm chuyên dụng. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích. Quá trình này thường mất vài phút. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại nơi kim tiêm được đưa vào, tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất nhanh chóng.

Kết quả xét nghiệm CRP

Nếu kết quả cho thấy bạn có nồng độ CRP tăng cao, điều đó có nghĩa là bạn có thể đang có một phản ứng viêm trong cơ thể, hoặc cơ thể đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng, bị chấn thương hoặc các bệnh lý mạn tính.

Tuy nhiên, xét nghiệm CRP không thể chỉ ra nguyên nhân hoặc vị trí xảy ra phản ứng viêm. Vì vậy, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm khác để khẳng định tác nhân gây viêm.

xét nghiệm crp
Kết quả xét nghiệm CRP

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng mức CRP của bạn, chẳng hạn như bệnh nhân có hút thuốc lá, béo phì và lười vận động.

Lưu ý về xét nghiệm CRP

Xét nghiệm CRP thường quy khác với với xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao (high-sensitivity C-reactive protein – hs-CRP). Mặc dù hai loại xét nghiệm này đều định lượng CRP, tuy nhiên xét nghiệm hs-CRP có thể phát hiện CRP tăng nhẹ trong khi nồng độ CRP vẫn trong giới hạn bình thường. Do đó hs-CRP thường được sử dụng để kiểm tra nguy cơ mắc các bệnh lý tim và mạch vành.

Xét nghiệm CRP bao nhiêu tiền?

Xét nghiệm CRP có chi phí dao động 100.000-150.000VNĐ tùy thuộc vào cơ sở y tế.

Xét nghiệm CRP ở đâu?

  • Trung Tâm Chẩn Đoán Và Xét Nghiệm Y Khoa Điag, Quận 10, TP.HCM
  • Phòng khám Đa khoa Kiều Tiên, Bình Thạnh, TP.HCM.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.
  • Phòng khám Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Tân Bình, TP.HCM.

Xét nghiệm CRP giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể bệnh nhân, hoặc để theo dõi đáp ứng điều trị nhiễm trung. Bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ thật kỹ lưỡng trước khi thực hiện.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: C-Reactive Protein (CRP) Test – medlineplus.gov