Xét nghiệm đông máu và những thông tin bạn cần biết

Xét nghiệm đông máu giúp bác sĩ đánh giá khả năng đông máu và thời gian đông máu của bệnh nhân, dựa vào đó bác sĩ có thể dự đoán nguy cơ mất máu quá nhiều khi mạch máu bị tổn thương hoặc hình thành cục máu đông (huyết khối) trong mạch máu bất thường ở bệnh nhân đó.

Đông máu là quá trình sinh lý bảo vệ cơ thể khỏi việc chảy máu nhiều khi bị thương. Việc cơ chế đông máu bị rối loạn có thể khiến bạn gặp nguy cơ bị chảy máu nhiều hoặc các nguy cơ khác như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Để hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm này, mời bạn đọc cùng Doctor có sẵn tham khảo nội dung sau đây.

Cơ chế đông máu

Có 3 giai đoạn chủ yếu của dòng thác đông máu:

  • Cầm máu sơ khởi: giúp tạo thành nút chặn tiểu cầu , bịt kín các vết thương nhỏ
    • Co mạch: ngay sau khi mạch máu bị cắt, vỡ, chấn thương, những mạch máu bị tổn thương này sẽ gây ra hiện tượng co cơ trơn trên thành mạch, giúp giảm dòng máu thoát ra khỏi thành mạch.
    • Ngưng tập tiểu cầu: Khi bề mặt mạch máu bị tổn thương sẽ bộc lộ lớp collagen mạch máu, tiểu cầu đến gắn vào vị trí đó. Sau đó, chúng bắt đầu phình to lên và nhờ các protein co thắt sẽ co mạnh, phóng thích hạt chứa nhiều yếu tố hoạt hóa. Đồng thời tiết ra lượng lớn chất thu hút những tiểu cầu lân cận trong tuần hoàn đến tham gia quá trình cầm máu và hình thành nên nút chặn tiểu cầu tại mạch máu bị tổn thương. Nút chặn này tuy lỏng lẻo, nhưng có tác dụng khóa lại tổn thương mạch máu nhỏ, hoặc chặn tạm thời những tổn thương mạch máu lớn trong lúc kích hoạt quá trình đông máu tiếp theo
  • Đông máu huyết tương – hình thành Fibrin: khi mạch máu bị tổn thương sẽ kích hoạt 2 con đường đông máu ngoại sinh và nội sinh để hình thành fibrin.
  • Sửa chữa thành mạch và tiêu sợi huyết
Cơ chế đông máu trải qua nhiều giai đoạn khác nhau
Cơ chế đông máu trải qua nhiều giai đoạn khác nhau

Các yếu tố đông máu tham gia vào 3 giai đoạn trên gồm rất nhiều chất, một số chất tiêu biểu cần lưu ý như:

  • Fibrinogen: là tiền chất để tạo thành các sợi tơ huyết Fibrin.
  • Prothrombin: là một loại protein huyết thanh có tác dụng hình thành nên Thrombin xúc tác cho quá trình chuyển Fibrinogen thành Fibrin.
  • Phức hợp Prothrombinase xúc tác chuyển Prothrombin thành Thrombin. 
  • Thromboplastin: được sản xuất bởi mô tổn thương, tham gia vào quá trình đông máu ngoại sinh. Chúng có tác dụng thay thế phospholipid tiểu cầu và protein huyết tương.
  • Ca++ cũng tham gia vào quá trình đông máu. Nếu không có ion này thì quá trình đông máu không xảy ra.
  • Các tế bào máu: tiểu cầu giải phóng nhiều chất tham gia vào quá trình đông máu. Hồng cầu, bạch cầu cũng giúp hình thành cục máu đông.

Xem thêm: Giảm tiểu cầu: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Xét nghiệm đông máu như thế nào?

Các xét nghiệm đông máu được tổng hợp trong bảng sau theo từng giai đoạn đông máu:

Xét nghiệm khảo sát giai đọan cầm máu sơ khởi Xét nghiệm khảo sát giai đọan đông máu huyết tương Xét nghiệm khảo sát giai đọan tiêu sợi huyết
– Lacet (dấu dây thắt)
– TS (thời gian máu chảy )
– Đếm tiểu cầu
– Nghiệm pháp co cục máu
– Khảo sát chức năng tiểu cầu
– aPTT, aPTT hỗn hợp
– PT, PT hỗn hợp
– Reptilase times
– Định lượng Fibrinogen
– Thời gian thrombin
– Định lượng các yếu tố đông máu
– Nghiệm pháp Ethanol, Von-kaullar
– Định lượng D-dimer
– Định lượng PDF
Xét nghiệm đông máu theo từng giai đoạn đông máu

Tuy nhiên, khi thăm khám, bác sĩ sẽ không chỉ định cho bạn làm toàn bộ các xét nghiệm trên mà tùy thuộc vào tình trạng bệnh bạn đang cần khảo sát những gì mà bác sĩ sẽ đề nghị cận lâm sàng phù hợp.

Sau khi xét nghiệm thì dựa vào kết quả mà bác sĩ sẽ có những lời khuyên, hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy bạn mắc các vấn đề về rối loạn đông máu thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn phải điều trị bằng các loại thuốc giúp điều chỉnh chức năng đông máu và thực hiện chế độ sinh hoạt phù hợp để cải thiện sức khỏe.

Xét nghiệm đông máu có nhiều ý nghĩa quan trọng
Xét nghiệm đông máu có nhiều ý nghĩa quan trọng

Ý nghĩa xét nghiệm đông máu

TS (Temps De Saignement) hay Bleeding Time (Thời gian máu chảy)

Thời gian máu chảy tùy thuộc vào sự bền vững của thành mạch, số lượng và chức năng
tiểu cầu, yếu tố VIII von-Willebrand, Fibrinogen.

Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách chích kim vào dái tai hoặc cánh tay để máu chảy tự nhiên và đo thời gian từ lúc máu bắt đầu chảy đến lúc ngừng chảy. 

Kết quả:

  • Bình thường 2-4 phút
  • Bất thường > 6 phút: gợi ý các bệnh:
    • Bệnh thành mạch
    • Bệnh tiểu cầu: giảm về số lượng hoặc chất lượng
    • Bệnh Von-Willebrand
    • Giảm Fibrinogen < 0.6g/l

Đếm số lượng tiểu cầu

Có thể sử dụng kính hiển vi quang học và đếm bằng tay, tuy nhiên sẽ khá tốn thời gian, cũng không chuẩn xác. Nên đa phần hiện nay đều sử dụng máy đếm số lượng tiểu cầu vì máy đếm nhanh (khoảng 5 phút) và chuẩn xác.

Kết quả:

  • Bình thường: 200.000 – 400.000/mm3
  • Giảm < 150.000/mm3
  • Tăng > 500.000/mm3
Đếm số lượng tiểu cầu
Đếm số lượng tiểu cầu

Thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hóa – Activated Partial Thromboplastin Time (aPTT)

Là xét nghiệm đánh giá, khảo sát con đường đông máu nội sinh (XII, XI, IX, VIII), con đường đông máu chung (X, V, II, I) và các yếu tố đụng chạm.

Kết quả

  • Bình thường:
    • Thời gian đông máu từng phần: 25-35s, phụ thuộc máy tự động hay thao tác bằng tay, chất thêm vào, thời gian ủ.
    • Tỉ số = aPTT bệnh nhân/aPTT chứng, bình thường < 1,3
  • aPTT kéo dài khi lớn hơn chứng 10 giây: gợi ý cho tình trạng rối loạn chảy máu

Thời gian tiền Thromnin – Prothrombin Time (PT)

Là xét nghiệm đánh giá hoạt động của con đường đông máu ngoại sinh hay con đường đông máu chung, và được dùng rộng rãi nhất trong kiểm soát liệu pháp kháng đông uống.

Kết quả

  • Bình thường:
    • T: 13-15s
    • Tỷ số = PT bệnh nhân/PT chứng, bình thường < 1,2. Trong việc theo dõi điều trị thuốc kháng đông đường uống (như Warfarin) thì giữ trong khoảng 2- 4,5.
  • PT kéo dài khi lớn hơn chứng 2 giây: gợi ý cho tình trạng:
    • Nồng độ yếu tố đông máu trong huyết tương giảm hơn 10% so với bình thường,
    • Xuất hiện chất ức chế hoặc dùng heparin

Định lượng Fibrinogen

Nhằm định lượng yếu tố I, đánh giá chức năng tổng hợp của gan bằng phương pháp: trọng lượng (chuẩn nhất), hóa học, miễn dịch.

Kết quả

  • Bình thường: 2-4g/l
  • Giảm < 1,5g/l: gợi ý Hội chứng giảm Fibrinogen:
    • Bẩm sinh
    • Mắc phải : Suy gan, DIC, TSH tiên phát, Thuốc
  • Tăng > 6g/l: gợi ý Hội chứng tăng Fibrinogen trong viêm nhiễm mãn tính
Định lượng Fibrinogen
Định lượng Fibrinogen

Thời gian Thrombin – Thrombin Time (TT)

Xét nghiệm Thrombin time giúp đánh giá con đường đông máu chung.

Kết quả:

  • Bình thường
    • TT: thời gian đông từ 15 – 25 giây.
    • Tỷ số = TT bệnh nhân/TT chứng, nằm trong khoảng 0,85 – 1,25.

Định lượng các yếu tố đông máu

  • Định lượng Fibrinogen: lượng Fibrinogen huyết tương người bình thường nằm trong khoảng 2 – 4g/l.
  • Định lượng các yếu tố đông máu ngoại sinh (yếu tố II, V, VII, X) và nội sinh (yếu tố VIII, IX, XI, XII).
Định lượng các yếu tố đông máu
Định lượng các yếu tố đông máu

Quy trình xét nghiệm đông máu

Các xét nghiệm đông máu được tiến hành giống như hầu hết các xét nghiệm máu. Bạn có thể được yêu cầu phải ngừng dùng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm. Đầu tiên bác sĩ sẽ khử trùng trên mu bàn tay hoặc bên trong khuỷu tay, sau đó đưa đầu kim tiêm vào tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ lấy máu và đưa đến phòng thí nghiệm. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc có vết bầm tím tại vị trí đưa kim.

Quy trình xét nghiệm đông máu nhanh chóng
Quy trình xét nghiệm đông máu nhanh chóng

Phòng khám tư vấn và thực hiện xét nghiệm đông máu

  • Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, Quận 10, TP.HCM.

  • Golden Healthcare, Tân Bình, TP.HCM.

  • Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag, Quận 10 TP.HCM.

  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.

Kết luận

Các xét nghiệm đông máu có rất nhiều loại có thể khảo sát được cả 3 giai đoạn của quá trình đông cầm máu. Tuy nhiên, khi thăm khám, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của bạn đang cần khảo sát những gì mà bác sĩ sẽ đề nghị cận lâm sàng phù hợp. Các xét nghiệm đông máu thường dùng gồm: TS, TT, PT, aPTT, đếm tiểu cầu, định lượng yếu tố đông máu, định lượng fibrinogen.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Bài giản xét nghiệm đông cầm máu của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Contact Me on Zalo