GGT trong xét nghiệm máu là gì? Ý nghĩa ký hiệu và cách kiểm soát

Xét nghiệm GGT là một trong những xét nghiệm đánh giá chức năng gan quan trọng. GGT tăng cao có thể là một dấu hiệu của bệnh lý gan hoặc tổn thương hệ thống ống dẫn mật. Để hiểu rõ hơn về chỉ số GGT trong xét nghiệm máu là gì, làm thế nào để duy trì mức GGT tốt, mời bạn đọc cùng tìm hiểu nội dung dưới đây.

Giới thiệu tổng quát về chỉ số GGT

GGT là gì?

GGT (Gamma-glutamyl transferase) là một loại enzyme xúc tác quá trình chuyển các nhóm chức gamma-glutamyl từ các phân tử như Glutathione sang chất nhận có thể là một acid amin, một peptide hoặc nước (tạo thành glutamate). Quá trình này giúp gan loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bảo vệ các cơ quan khỏi tổn thương do các chất độc gây ra.

Xét nghiệm máu Gamma-glutamyl transferase (GGT) là gì?

Enzyme GGT có mặt trên màng các tế bào ở khắp cơ thể, chủ yếu nhất là ở tế bào gan. Khi gan bị tổn thương, GGT rò rỉ và đi vào trong máu dẫn đến nồng độ enzyme này trong máu tăng cao.

Xét nghiệm chỉ số GGT là xét nghiệm đo lượng enzyme GGT có trong máu, giúp đánh giá chức năng gan và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến gan như viêm gan, xơ gan và các bệnh lý khác. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi có nghi ngờ về tổn thương gan, tắc đường dẫn mật hoặc khi cần theo dõi hiệu quả thuốc điều trị.

Vai trò của GGT trong cơ thể

Như đã đề cập, GGT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và vận chuyển các amino acid và peptide, góp phần vào quá trình khử độc trong gan, duy trì chức năng gan khỏe mạnh

Khi GGT hoạt động bình thường, gan có thể xử lý và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể hiệu quả. Tuy nhiên, khi chỉ số GGT tăng cao, đây có thể là dấu hiệu của tổn thương gan hoặc các bệnh lý khác liên quan đến gan.

Enzyme GGT có vai trò quan trọng trong quá trình thải độc ở gan
Enzyme GGT có vai trò quan trọng trong quá trình thải độc ở gan

Ý nghĩa của chỉ số GGT trong xét nghiệm máu

Xét nghiệm GGT có ý nghĩa quan trọng trong các tình huống sau:

  • Chẩn đoán bệnh lý gan như viêm gan, xơ gan,…
  • Phân biệt nguyên nhân gây tăng ALP là do bệnh gan hay rối loạn xương.
  • Kiểm tra sự tắc nghẽn trong đường mật.
  • Tầm soát hoặc theo dõi bệnh lý gan do rượu.
  • Theo dõi điều trị trong các bệnh gan mạn.

Nguyên nhân khiến chỉ số GGT tăng cao

Các nguyên nhân dẫn đến chỉ số GGT trong xét nghiệm máu tăng cao bao gồm:

  • Bệnh lý gan – mật: Mọi tổn thương tế bào gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan siêu vi, xơ gan, ung thư gan,… đều làm tăng nồng độ GGT trong máu. Đặc biệt, trong hội chứng viêm gan do ứ mật, nồng độ GGT tăng rất rõ và sớm nên GGT là xét nghiệm đầu tay cho bệnh nhân khi nghi ngờ có bệnh lý liên quan đến đường mật.
  • Chất gây cảm ứng tổng hợp enzyme: Nhiều loại thuốc và hóa chất chuyển hóa qua gan có thể gây ra tình trạng cảm ứng men gan dẫn đến nồng độ GGT tăng cao. Chẳng hạn như rượu, Phenobarbital, Phenytoin, Carbamazepin, Griseofulvin, Rifampicin,… Chính vì thế, GGT thường được dùng trong phát hiện và theo dõi người nghiện rượu mạn hoặc người đang cai rượu.
  • Nguyên nhân khác: Một số bệnh lý gây ảnh hưởng thứ phát trên gan cũng có thể làm tăng nồng độ GGT trong xét nghiệm máu như nhồi máu cơ tim, suy tim sung huyết, tiểu đường, viêm tụy cấp,…
Các yếu tố làm tăng nồng độ GGT
Các yếu tố làm tăng nồng độ GGT

Mức độ nguy hiểm của chỉ số GGT

Chỉ số GGT trong xét nghiệm máu có thể cho thấy tình trạng sức khỏe của gan và các cơ quan liên quan. Mức GGT bình thường ở người lớn thường dao động từ 5 – 40 U/L, tuy nhiên các giá trị này có thể khác nhau tùy vào phương pháp xét nghiệm của từng phòng thí nghiệm.

Như đã đề cập, chỉ số GGT trong xét nghiệm máu cao có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ của các bệnh lý nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, tắc mật và nhiều bệnh lý liên quan khác. Mức GGT càng cao càng có nghĩa là càng nhiều tế bào gan bị phá hủy, nguy cơ tổn thương gan càng lớn. Điều quan trọng là phải kiểm tra và theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thực hiện xét nghiệm GGT như thế nào?

Bạn không cần phải chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn bằng kim tiêm. Máu sẽ được thu thập vào ống nghiệm chuyên dụng. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích tại vị trí tiêm. Quá trình này thường mất không quá năm phút. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại nơi kim tiêm đâm vào sau khi lấy mẫu, nhưng tình trạng này sẽ biến mất nhanh chóng.

Xét nghiệm GGT được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch
Xét nghiệm GGT được thực hiện bằng cách lấy máu tĩnh mạch

Kết quả xét nghiệm GGT

Nếu kết quả xét nghiệm GGT của bạn cao hơn mức bình thường, đó có thể là dấu hiệu của tổn thương gan do các nguyên nhân sau:

  • Viêm gan.
  • Xơ gan.
  • Rối loạn do sử dụng rượu.
  • Viêm tụy.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Suy tim sung huyết.
  • Tác dụng phụ của thuốc. Một số thuốc có thể gây tổn thương gan.

Kết quả xét nghiệm không thể cho biết bạn đang mắc phải bệnh lý nào, nhưng có thể cho biết mức độ tổn thương gan của bạn. Thông thường, chỉ số GGT càng cao thì mức độ tổn thương của gan càng lớn.

Nếu kết quả xét nghiệm GGT của bạn thấp hơn hoặc nằm trong giá trị bình thường, điều này có nghĩa là bạn có nhiều khả năng không mắc bệnh gan.

Kết quả xét nghiệm GGT cũng có thể được so sánh với kết quả của xét nghiệm ALP:

  • ALP cao và GGT cao có nghĩa là bạn có vấn đề về gan chứ không phải xương.
  • ALP cao và GGT thấp hoặc bình thường có nghĩa là bạn có nhiều khả năng có bệnh lý ở xương.

Ngoài xét nghiệm ALP, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm xét nghiệm chức năng gan khác, chẳng hạn như:

  • Alanine aminotransferase (ALT).
  • Aspartate aminotransferase (AST).
  • Lactic dehydrogenase (LDH).
Xét nghiệm GGT rất nhạy trong các trường hợp viêm gan do tắc mật, sỏi túi mật
Xét nghiệm GGT rất nhạy trong các trường hợp viêm gan do tắc mật, sỏi túi mật

Cách kiểm soát chỉ số GGT

Việc kiểm soát chỉ số GGT trong xét nghiệm máu thường dễ thực hiện nhưng đòi hỏi người bệnh phải có kỷ luật và sự quyết tâm cao. Dưới đây là những điều mà bệnh nhân cần tuân thủ:

  • Chế độ ăn uống khoa học: Bệnh nhân cần hạn chế bia rượu để làm giảm tổn thương gan do rượu gây ra. Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn cân bằng, bổ sung thực phẩm tốt cho gan như rau xanh, trái cây, các loại hạt giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ gan hoạt động tốt hơn. Tránh ăn nhiều chất béo, đường, muối vì có thể gây áp lực cho gan và dẫn đến tăng GGT.
  • Lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý giúp gan có thời gian hồi phục và hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng cần vận động thể chất đều đặn để giúp cải thiện sức khỏe tổng quát và hỗ trợ chức năng gan.
  • Tránh stress, căng thẳng: Quản lý stress thông qua các hoạt động như yoga, thiền, và các hoạt động giải trí giúp giảm áp lực lên gan.
  • Điều trị bệnh lý tiềm ẩn: Nếu mức GGT tăng cao do bệnh lý như viêm gan, xơ gan hoặc các bệnh lý khác, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và theo dõi sát sao tình trạng bệnh.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về gan và các cơ quan liên quan, từ đó có thể can thiệp kịp thời và giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển nặng.

Lưu ý khi xét nghiệm GGT

Nhiều loại thuốc khác nhau có thể ảnh hưởng đến chỉ số GGT trong xét nghiệm máu của bạn. Vì vậy, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc phòng xét nghiệm bạn thực hiện biết về bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào bạn đang dùng trước khi làm xét nghiệm. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc trước khi làm xét nghiệm. Hãy chỉ ngừng dùng thuốc nếu bác sĩ yêu cầu bạn làm như vậy.

Ngoài ra, uống rượu cũng có thể làm tăng chỉ số GGT trong xét nghiệm máu, vì vậy không sử dụng rượu, bia trong 24 giờ trước khi xét nghiệm để đảm bảo kết quả được chính xác.

Cuối cùng, nên chọn cơ sở khám chữa bệnh hoặc phòng xét nghiệm uy tín để thực hiện xét nghiệm. Những cơ sở này có máy móc hiện đại cùng với quy trình nghiêm ngặt hơn, giúp hạn chế sai số xảy ra khi tiến hành các phép đo định lượng GGT.

Xem thêm: 

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin mà Docosan muốn đem đến cho bạn đọc về chỉ số GGT trong xét nghiệm máu là gì cũng như những cách thay đổi lối sống để đạt được chỉ số GGT mong muốn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về sức khỏe của bản thân mình. Nếu cảm thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn cùng biết nhé!

Nguồn tham khảo:

1. Gamma-Glutamyl Transferase (GGT) Test

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22055-gamma-glutamyl-transferase-ggt-test
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

2. Gamma-glutamyl Transferase (GGT) Test

  • Link tham khảo: https://medlineplus.gov/lab-tests/gamma-glutamyl-transferase-ggt-test/
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

3. What Is a GGT Test?

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/hepatitis/ggt-test
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024

4. What level of GGT is dangerous? Decoding GGT Levels

  • Link tham khảo: https://redcliffelabs.com/myhealth/liver/what-level-of-ggt-is-dangerous-decoding-ggt-levels/
  • Ngày tham khảo: 31/08/2024