Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt virus viêm gan siêu vi B (hepatitis B surface antigen – HBsAg) hay còn được gọi là xét nghiệm HBsAg là một trong những cách quan trọng nhất giúp bác sĩ chẩn đoán, phân loại và kiểm soát viêm gan B. Để hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm này, hãy cùng Docosan tham khảo bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Xét nghiệm HBsAg là gì?
Xét nghiệm HBsAg lấy mẫu bệnh phẩm là máu tĩnh mạch của bệnh nhân. Xét nghiệm này được áp dụng để xác định xem bệnh nhân có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu kết quả HBsAg (+), bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân các phương pháp điều trị thích hợp và đề nghị bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác để khẳng định chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh.
Bệnh viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh tổn thương gan nghiêm trọng do virus viêm gan B (hepatic B virus – HBV) gây ra. HBV có thể gây viêm gan tối cấp, viêm gan cấp và viêm gan mạn. Bệnh nhân bị viêm gan B mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Hầu hết những người bị nhiễm viêm gan B cấp tính khi trưởng thành đều có thể hồi phục tự nhiên mà không cần uống thuốc điều trị kháng virus. Trẻ sơ sinh và trẻ em có nhiều khả năng bị nhiễm viêm gan B mãn tính.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân viêm gan B, cũng không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn nếu bạn mắc bệnh. Tiêm vaccine là biện pháp dự phòng lây nhiễm HBV hiệu quả và an toàn nhất.
Các triệu chứng của viêm gan B cấp
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan B (từ nhẹ đến nặng) thường xuất hiện trong khoảng một đến sáu tháng sau khi bị nhiễm bệnh, bao gồm:
- Đau bụng, đặc biệt đau tức vùng gan
- Nước tiểu đậm màu
- Sốt
- Đau khớp
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và ói mửa
- Suy nhược và mệt mỏi
- Vàng da và mắt
Những bệnh nhân bị viêm gan tối cấp có thể diễn tiến nặng sang suy gan cấp, bệnh lý não gan, tỉ lệ tử vong cao.
Nguyên nhân gây viêm gan B
Virus HBV truyền từ người sang người qua đường máu hoặc các chất dịch cơ thể khác.
Những con đường lây truyền viêm gan B phổ biến:
- Quan hệ tình dục: Bạn có thể bị nhiễm bệnh nếu quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị nhiễm bệnh khi máu, nước bọt, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo của bạn tình xâm nhập vào cơ thể bạn.
- Dùng chung kim tiêm: Viêm gan B dễ dàng lây truyền qua bơm kim tiêm có dính máu người bệnh. Dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy qua đường tĩnh mạch khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao.
- Vô tình dính kim tiêm có máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân: Nhân viên y tế hoặc người chăm sóc bệnh nhân viêm gan B nếu bị kim tiêm đã sử dụng ở bệnh nhân viêm gan B hoặc dịch tiết của bệnh nhân tiếp xúc với da có vết thương hở của người chăm sóc, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nhân viên y tế hoặc người chăm sóc.
- Từ mẹ sang con: Người mẹ đang mang thai và bị nhiễm viêm gan B có thể truyền virus sang con trong khi sinh. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có thể được chủng ngừa để tránh bị nhiễm trong hầu hết các trường hợp.
Cấu trúc của virus HBV
HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có vật chất di truyền là DNA.
Ở giai đoạn nhân đôi, HBV tồn tại trong huyết thanh dưới 3 dạng cấu trúc là hạt tử siêu vi (virion hoàn chỉnh), cấu trúc hình cầu và cấu trúc hình ống. Cấu trúc hình cầu và hình ống là phần kháng nguyên bề mặt của HBV được tạo ra dư thừa trong bào tương của tế bào gan. Các virion bao gồm lớp vỏ bên ngoài có bản chất là lipid có mang kháng nguyên bề mặt (HBsAg) và phần lõi bên trong bao gồm kháng nguyên lõi (hepatitis B core antigen – HBcAg), DNA polymerase và DNA.
Kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B (hepatitis B surface antigen – HBsAg) xuất hiện trong huyết thanh người bệnh từ 1 đến 10 tuần sau khi tiếp xúc với HBV, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. HBsAg sẽ biến mất trong vòng bốn đến sáu tháng trong các trường hợp nhiễm trùng cấp tự khỏi. HBsAg kéo dài trên 6 tháng trong những trường hợp nhiễm HBV mạn tính.
Mục đích của xét nghiệm HBsAg
Xét nghiệm HBsAg được dùng để chẩn đoán hoặc theo dõi điều trị những trường hợp nhiễm HBV.
Các trường hợp sau nên xét nghiệm HBsAg :
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người hiến máu hoặc mô.
- Người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B.
- Người bệnh phải lọc máu, truyền máu hoặc các chế phẩm của máu
- Người bệnh trước khi điều trị ức chế miễn dịch, hoá trị liệu
- Người chưa được tiêm vaccine viêm gan B
- Bạn tình, con cái, thành viên trong gia đình có tiếp xúc gần với người nhiễm HVBV
- Người có tiền sử tiếp xúc với bơm kim tiêm hoặc các thủ thuật không an toàn
Phòng khám tư vấn và xét nghiệm HBsAg
- Phòng khám chuyên khoa phụ sản Hoa Sen, Quận 4, TP.HCM.
- Phòng khám Đa khoa Galant, Quận 5, TP.HCM.
- Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag, Quận 10, TP.HCM.
Xét nghiệm HBsAg giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm gan B. Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp đánh giá đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Bạn đọc nên trao đổi với kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Hepatitis B Surface Antigen Test (HBsAg) – verywellhealth