Tổng quan về xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là một phần không thể thiếu trong quy trình khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để đánh giá các tình trạng bất thường trong cơ thể bệnh nhân như tình trạng nhiễm trùng, bệnh lý tim mạch, rối loạn chức năng gan, thận v.v. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đến bạn đọc một số loại xét nghiệm máu phổ biến nhất.

1. Các loại xét nghiệm máu

Trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ có thể yêu cầu một trong các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (Complete Blood Count – CBC) định lượng nhiều thành phần khác nhau của máu, chẳng hạn như:

  • Hồng cầu và các chỉ số liên quan đến hồng cầu
  • Bạch cầu và công thức bạch cầu
  • Tiểu cầu

Xét nghiệm công thức máu sẽ gợi ý các rối loạn về máu, chẳng hạn như thiếu máu, các vấn đề về đông máu, viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch. Xét nghiệm này cũng được dùng để theo dõi kết quả điều trị của bệnh nhân.

Xét nghiệm sinh hoá máu

Các xét nghiệm sinh hoá máu chủ yếu định lượng các thành phần trao đổi chất cơ bản trong huyết tương. Kết quả xét nghiệm sinh hoá cho biết tình trạng hoạt động của các cơ quan như gan, thận, tim…. Trước khi thực hiện xét nghiệm sinh hoá bệnh nhân cần nhịn ăn để tránh ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm.

Một số xét nghiệm sinh hoá thường được chỉ định là :

  • Đánh giá chức năng gan, thận
  • Định lượng men tim
  • Định lượng đường huyết

Xét nghiệm đánh giá chức năng đông – cầm máu

Xét nghiệm đông – cầm máu giúp bác sĩ đánh giá khả năng đông – cầm máu cũng như gợi ý những rối loạn liên quan đến quá trình đông cầm máu của bệnh nhân. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm này nếu họ nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc trước khi bệnh nhân thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật ngoại khoa. Ngoài ra, đối với người đang sử dụng warfarin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác, bác sĩ có thể sẽ thực hiện xét nghiệm đông máu để theo dõi định kỳ.

Xét nghiệm định lượng mỡ trong máu

Nếu bác sĩ muốn đánh giá nguy cơ bệnh lý tim mạch hoặc các vấn đề xơ vữa động mạch khác, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm định lượng mỡ trong nhằm cung cấp các thông tin:

  • Nồng độ cholesterol kết hợp với lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp (low density lipoprotein – cholesterol – LDL-c)
  • Nồng độ cholesterol kết hợp với lipoprotein có trọng lượng phân tử cao (high density lipoprotein – cholesterol – HDL-c)
  • Nồng độ cholesterol
  • Nồng độ triglyceride

Trước khi thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân cần nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ, để tránh ảnh hưởng của chế độ ăn lên kết quả xét nghiệm. Bác sĩ thường dặn bệnh nhân ăn tối sớm và đến xét nghiệm vào buổi sáng sớm ngày hôm sau để đạt được thời gian theo yêu cầu của xét nghiệm.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ LDL-c, cholesterol hoặc triglyceride tăng cao, trong khi HDL-c giảm thấp thì nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch của bệnh nhân sẽ tăng cao.

Bảng trao đổi chất cơ bản

Bảng trao đổi chất cơ bản (Basic Metabolic Panel – BMP) nhằm định lượng của các chất được tìm thấy trong thành phần huyết tương của máu. BMP cung cấp thông tin về sự trao đổi chất của một số cơ quan trong cơ thể.

BMP xem xét một số chất cơ bản như :

  • Calci: Nồng độ canxi bất thường có thể cho thấy bệnh nhân gặp vấn đề liên quan đến thận hoặc xương, ung thư, suy dinh dưỡng hoặc một số bệnh lý khác.
  • Glucose : Nồng độ đường huyết cao hơn bình thường có thể cho thấy dấu hiệu bệnh tiểu đường. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn trước khi xét nghiệm đường huyết để có kết quả chính xác.
  • Chất điện giải: Nồng độ chất điện giải bất thường có thể cho thấy cơ thể bị mất nước, dấu hiệu bệnh thận hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác.

2. Ai nên xét nghiệm máu định kỳ?

Bạn có thể xét nghiệm máu khi thực hiện quy trình khám tổng quát định kỳ, hoặc khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý. 

Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc chống đông máu hoặc các thuốc ảnh hưởng đến thành phần các chất trong máu, bạn có thể cần xét nghiệm máu định kỳ.

xet nghiem mau
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán một số tình trạng trong cơ thể

3. Thực hiện xét nghiệm máu

Vị trí lấy máu làm xét nghiệm thường là tĩnh mạch ở vùng khuỷu tay hoặc cổ tay.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ buộc một dải cao su quanh cánh tay, phía trên vị trí lấy máu, sát khuẩn vùng lấy máu bằng tăm bông tẩm cồn trước khi đâm kim. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa kim vào tĩnh mạch của bệnh nhân để lấy máu. Việc lấy mẫu để xét nghiệm máu thường kéo dài không quá 3 phút. Lượng máu lấy ra khỏi cơ thể để làm xét nghiệm không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn. Bạn có thể cảm thấy hơi châm chích hoặc khó chịu nơi tiêm.

4. Rủi ro khi xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra những rủi ro như:

  • Nhiễm trùng tại chỗ tiêm, chẳng hạn như viêm, sưng, đỏ và bạn có thể bị sốt.
  • Chảy máu quá nhiều. Những người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc những người có các bệnh lý tiềm ẩn khác gây rối loạn đông máu có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này.

5. Xét nghiệm máu bao nhiêu tiền?

Chi phí xét nghiệm máu tuỳ thuộc vào số lượng và loại xét nghiệm mà bạn định thực hiện.

Phòng khám tư vấn và thực hiện xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu thường diễn ra nhanh và rất hiếm có rủi ro. Trước khi thực hiện xét nghiệm máu, bạn nên hỏi bác sĩ có nên nhịn ăn hoặc tránh sử dụng thuốc trước khi làm xét nghiệm hay không để kết quả được chính xác nhất.


Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

All about blood tests – medicalnewstoday

Contact Me on Zalo