Tổng quan về phương pháp xét nghiệm PSA

Xét nghiệm kháng nguyên đặc trưng của tiền liệt tuyến (Prostate Specific Antigen) hay còn gọi là xét nghiệm PSA là phương phát giúp phát hiện sự phát triển bất thường của tuyến tiền liệt ngay từ giai đoạn đầu. Bài viết sau đâu sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về xét nghiệm PSA, cùng Docosan tìm hiểu ngay nhé.

Xét nghiệm PSA là gì?

PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt ở nam giới. Bình thường, PSA được sản xuất từ các tế bào của tuyến tiền liệt và được phát hiện chủ yếu trong tinh dịch, một lượng nhỏ được tìm thấy trong máu. Khi tuyến tiền liệt phát triển bất thường. chẳng hạn như ung thư, phì đại hoặc thậm chí khi viêm, nồng độ PSA cũng tăng lên trong máu. 

Như vậy, xét nghiệm PSA là một xét nghiệm máu được chỉ định để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Xét nghiệm sẽ đo nồng độ PSA trong máu của người bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng PSA được tổng hợp bởi cả mô ung thư và không phải ung thư trong tuyến tiền liệt, do đó, kết quả xét nghiệm PSA đơn thuần không giúp đưa ra chẩn đoán xác định một tình trạng ung thư tiền liệt tuyến mà chỉ là gợi ý để bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm khác để khẳng định chẩn đoán. 

xét nghiệm psa
Xét nghiệm PSA là gì?

Tại sao nên xét nghiệm PSA?

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những ung thư thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong cao ở nam giới. Căn bệnh này thường tiến triển chậm và âm thầm trong nhiều năm và nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Xét nghiệm PSA có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm để bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến tiền liệt có thể làm tăng nồng độ PSA. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý không phải ung thư cũng có thể làm tăng mức PSA, chẳng hạn như phì đại tiền liệt tuyến hoặc viêm tiền liệt tuyến. Do đó, xét nghiệm PSA chỉ là một phương pháp để sàng lọc phát hiện giai đoạn ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt. Giá trị tầm soát của xét nghiệm này tương tự như thủ thuật khám trực tràng bằng ngón tay (digital rectal exam), nghĩa là bác sĩ sẽ đưa một ngón tay vào trực tràng để thăm khám tuyến tiền liệt. Bác sĩ có thể dự đoán độ cứng, chắc của mô tiền liệt tuyến để gợi ý tiền liệt tuyến có bị ung thư hay không. Cả xét nghiệm PSA và khám trực tràng bằng ngón tay đều không cung cấp đủ thông tin để bác sĩ đưa ra chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Nếu kết quả xét nghiệm và thăm khám bất thường, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để khẳng định chẩn đoán.

xét nghiệm psa
Xét nghiệm PSA giúp đánh giá và chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm PSA có thể được áp dụng để:

  • Đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị.
  • Kiểm tra tình trạng tái phát (nếu có) của ung thư.

Những hạn chế của xét nghiệm PSA

Các hạn chế của xét nghiệm PSA bao gồm:

  • Yếu tố làm tăng PSA: Bên cạnh ung thư, các bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nồng độ PSA, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia – BPH), tuyến tiền liệt bị viêm nhiễm. Ngoài ra, nồng độ PSA thường tăng theo độ tuổi.
  • Các yếu tố làm giảm PSA: Một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ PSA, chẳng hạn như thuốc điều trị phì đại tiền liệt tuyến hoặc các bệnh lý tiết niệu, một số loại thuốc hóa trị liệu. Ngoài ra béo phì cũng là 1 nguyên nhân làm giảm nồng độ PSA.
  • Kết quả không chính xác: Đôi khi xét nghiệm cung cấp kết quả không chính xác. Nồng độ PSA tăng cao không nhất thiết có nghĩa là bạn bị ung thư. Hay bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt có thể có nồng độ PSA bình thường.
xét nghiệm psa
Những hạn chế của xét nghiệm PSA

Thực hiện xét nghiệm PSA như thế nào?

Xét nghiệm PSA tương tự như các xét nghiệm máu thông thường. Bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm để lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó mẫu máu được đựng trong ống nghiệm chuyên dụng và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích và đo nồng độ PSA của bạn.

Nồng độ PSA có đơn vị đo là nanogram PSA trên mỗi mililit máu (ng / mL).

Bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt hoặc thực hiện một số thăm khám hoặc xét nghiệm khác dựa trên kết quả xét nghiệm PSA của bạn.

xét nghiệm psa
Thực hiện xét nghiệm PSA như thế nào?

Một số xét nghiệm PSA khác nhau

Bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp định lượng PSA khác nhau trước khi quyết định có yêu cầu sinh thiết nhằm cải thiện độ chính xác của xét nghiệm PSA.

Một số phương pháp xét nghiệm PSA bao gồm:

  • tPSA (total PSA) : tổng lượng PSA trong máu
  • fPSA/tPSA : là tỉ lệ PSA tự do so với PSA toàn phần. Tỉ lệ này càng giảm thì nguy cơ bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến càng cao.
xét nghiệm psa
Một số xét nghiệm PSA khác nhau

Bác sĩ có thể so sánh và giải thích các kết quả xét nghiệm PSA như sau :

  • Tốc độ tăng PSA: Tốc độ tăng PSA là sự thay đổi mức PSA trong thời gian theo dõi. PSA tăng nhanh có thể cho thấy dấu hiệu của ung thư. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn cần nhiều bằng chứng khoa học làm cơ sở cho độ chính xác của kết quả.
  • Mật độ PSA: Ung thư tuyến tiền liệt có thể tạo ra nhiều PSA trên mỗi thể tích mô hơn so với các bệnh lý lành tính của tuyến tiền liệt như phì đại hay viêm tiền liệt tuyến.

Phòng khám tư vấn và xét nghiệm PSA

  • Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, Quận 10, TP.HCM.
  • Golden Healthcare, Tân Bình, TP.HCM.
  • Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm y khoa Điag, Quận 10 TP.HCM.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.

Xét nghiệm PSA là một trong những xét nghiệm quan trọng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Bạn đọc cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.