Xét nghiệm sinh hóa máu là một xét nghiệm cần thiết trong y khoa, đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Qua bài viết này, Docosan sẽ cung cấp cho bạn ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu và cách thực hiện xét nghiệm như thế nào.
Tóm tắt nội dung
Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
Xét nghiệm sinh hóa máu là một xét nghiệm y học phổ biến, xét nghiệm để đo lường nồng độ hay hoạt độ của một số chất hóa học nhất định trong bệnh phẩm là máu, qua đó giúp đánh giá chức năng của một số bộ phận, cơ quan trong cơ thể đặc trưng cho chỉ số sinh hóa đó, hỗ trợ cho việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý.
Các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu?
Có rất nhiều loại xét nghiệm sinh hóa máu khác nhau được thực hiện nhằm giúp cho hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ hằng ngày. Đây là một xét nghiệm đơn giản, chi phí phù hợp nhưng có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm bệnh lý, điều trị và theo dõi điều trị bệnh.
Vì có rất nhiều chỉ số sinh hóa máu khác nhau nên thường không bác sĩ nào yêu cầu cho bạn xét nghiệm tất cả những chỉ số đó mà tùy vào từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định đo lường xét nghiệm loại nào là phù hợp, tránh dư thừa không cần thiết.
Trong đó, các chất sinh hóa quan trọng, phổ biến thường được chỉ định là:
- AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT
- ALP
- Creatinin
- Ure
- Bilirubin
- Albumin
- Glucose
- Chất béo
- Acid uric
- Đôi khi trong các bệnh lý chuyên biệt, bác sĩ sẽ cần khảo sát thêm nồng độ các loại hormone, vitamin và khoáng chất.
Cách thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu như thế nào?
Khi đến khám tại bệnh viện thì 3 việc sau chắc chắn các bác sĩ sẽ làm với bạn: hỏi bệnh, khám bệnh và cho bạn đi xét nghiệm. Các bác sĩ sẽ chỉ lựa chọn các chỉ số sinh hóa cần quan tâm để đo lường sau khi đã khám và hỏi bệnh cụ thể. Với chỉ định này, điều dưỡng hay kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ lấy một lượng máu tĩnh mạch ở tay vừa đủ của người bệnh.
Mẫu bệnh phẩm sẽ được cho vào ống nghiệm có chứa chất kháng đông phù hợp, có dán định danh người bệnh (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số PID duy nhất cho mỗi người bệnh – patient identification), và nhanh chóng đưa bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm ngay lập tức.
Đa phần các xét nghiệm sinh hóa máu đều được thực hiện khép kín bằng máy móc với các thuốc thử chuyên biệt. Sau khi kết quả được phòng xét nghiệm xem xét và phê duyệt sẽ được gửi trả lại cho bác sĩ chỉ định ban đầu. Phần bệnh phẩm dư thừa sau khi hoàn thành xét nghiệm sẽ được xử lý như rác thải y tế.
Đọc kết quả xét nghiệm sinh hóa máu như thế nào?
Ure máu
Ure trong máu là sản phẩm đào thải cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein, sẽ được lọc ở cầu thận để đào thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu là chủ yếu, còn lại qua đường tiêu hóa và mồ hôi. Do đó, chỉ số xét nghiệm Ure máu sẽ có giá trị gợi ý đánh giá chức năng thận cũng như theo dõi các bệnh lý thận nhưng không chính xác hoàn toàn vì nồng độ ure máu phụ thuộc vào chế độ ăn và tình trạng phân hủy protid của cơ thể và ure còn bị tái hấp thu khoảng 40% ở ống thận.
Giá trị Ure máu bình thường: 3 – 7 mmol/l (20-40 mg/dL)
Ure máu sẽ tăng trong các bệnh lý thận gây giảm lọc ure như: Suy thận mạn, sỏi thận, viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi niệu quản, mất nước do sốt cao, suy tim sung huyết, tiêu chảy,…
Ure máu giảm trong xơ gan, do chế độ ăn thiếu protein kéo dài, truyền dịch kéo dài, …
Creatinin
Creatinin là sản phẩm thoái hoá từ creatin của cơ. Khi được tiết ra huyết tương, creatinin không gắn với protein, không có chức năng sinh học, được thải trên 90% qua đường thận. Sự chuyển hóa creatinin gần như hằng định, không phụ thuộc vào chế độ ăn và sự thoái hóa protein, chỉ phụ thuộc vào khối lượng cơ
Giá trị Creatinin máu bình thường: đối với nam là từ 62 – 120 mmol/l (0,62 – 1,2 mg/dL) và nữ là từ 53 – 100 mmol/l ( (0,53 – 1,0 mg/dL)
Creatinin máu tăng liên quan đến tình trạng giảm độ lọc cầu thận, gặp trong bệnh gây suy thận cấp và mạn, suy tim mất bù, gout, cường giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường …
Creatinin huyết thanh giảm trong trường hợp phụ nữ có thai, teo cơ, liệt, sử dụng thuốc chống động kinh, …
AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT
AST, ALT, GGT được tìm thấy trong tế bào gan và được dùng để đánh giá các bệnh về gan như viêm gan cấp, mạn, tổn thương nhu mô gan (viêm gan siêu vi trùng, viêm gan do uống rượu…)
Giá trị bình thường của cả ALT là khoảng <30 U/L với nữ và <55 U/L với nam.
Giá trị bình thường của cả AST là khoảng <32 U/L với nữ và <40 U/L với nam.
Giá trị bình thường của cả GGT là khoảng <36 U/L với nữ và <61 U/L với nam.
ALP
ALP có nguồn gốc chủ yếu từ gan và xương nên khi tăng cao sẽ gợi ý nguyên nhân bất thường từ gan hoặc xương. Các nguyên nhân như phụ nữ 3 tháng cuối thai kì, người nhóm máu O và B sau khi ăn bữa ăn nhiều chất béo, đái tháo đường, …
Giá trị bình thường của cả ALP là khoảng 45-115 U/L với nam và 30-100 U/L với nữ.
Glucose
Glucose là chỉ số đường huyết trong máu, chỉ số quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường, hạ đường huyết.
Tùy vào thời điểm đo lường mà ta có 2 giới hạn tham chiếu khác nhau cho Glucose:
- Glucose máu đói: bình thường là < 100 mg/dL
- Glucose máu bất kì: bình thường là < 140 mg/dL
Bilirubin
Có 3 trị số bilirubin gồm: Bilirubin toàn phần; Bilirubin trực tiếp; Bilirubin gián tiếp.
Bilirubin không phải là một chỉ số nhạy trong phản ánh rối loạn chức năng gan nhưng thường giúp gợi ý tình trạng vàng da về cường độ và lượng sắc tố Bilirubin trong cơ thể. Chỉ số bilirubin được dùng để chẩn đoán và theo dõi các trường hợp vàng da do: tán huyết, viêm gan, tắc mật.
Giá trị bình thường của Bilirubin toàn phần là khoảng <17 micromol/L.
Giá trị bình thường của Bilirubin trực tiếp là khoảng <7 micromol/L
Albumin
Albumin là một loại protein được tổng hợp ở gan, chiếm khoảng 60% protein toàn phần có trong huyết thanh. Albumin giúp đánh giá chức năng tổng hợp của gan, bất thường trong các bệnh gan mạn tính cùng với các chỉ số xét nghiệm gan khác.
Giá trị bình thường của Albumin là khoảng 3,3 – 5 g/dL
Chất béo
Các chỉ số xét nghiệm chất béo thường dùng gồm có:
Cholesterol toàn phần
Xét nghiệm phổ biến và cần thiết để thăm dò rối loạn lipid máu, đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, đánh giá chức năng gan, người bệnh tăng huyết áp, người béo phì, hoặc khám sức khỏe định kỳ cho những người trên 40 tuổi…
Giá trị bình thường của Albumin là khoảng 140 – 200 mg/dL và tăng dần theo tuổi (khoảng 0,04 mmol cho mỗi tuổi ở nam và 0,025 cho mỗi tuổi ở nữ)
LDL-cholesterol
LDL-C là một lipoprotein xấu của cơ thể, nó chứa hàm lượng cholesterol cao nhất trong các lipoprotein nên được xem là yếu tố nguy cơ tim mạch cao nhất.
LDL-C tăng trong các bệnh lý: rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, béo phì,… và giảm trong bệnh lý xơ gan, hoặc người suy kiệt, hấp thụ kém,…
Giá trị bình thường của LDL-C là khoảng <130 mg/dL
HDL-cholesterol
HDL-C là lipoprotein tốt, xét nghiệm HDL-C giúp đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu cũng như bệnh xơ vữa động mạch.
Chỉ số HDL-C bình thường: >40 mg/dL.
Triglycerid
Chỉ số này tăng lên sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu, dùng thuốc ngừa thai, thời kì có thai và sau mãn kinh và trong trường hợp khác như Béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu,… và giảm do suy kiệt, kém hấp thụ, sau khi hoạt động thể lực mạnh.
Trị số bình thường của Triglycerid là khoảng 112 mg/dL
Acid uric
Xét nghiệm acid Uric giúp chẩn đoán bệnh thận, Gout,…
Chỉ số acid Uric bình thường: 180 – 420 mmol/l với nam giới và 150 – 360 mmol/l ở nữ giới.
Chỉ số acid Uric tăng với các bệnh suy thận, vẩy nến, Gout và giảm khi mắc bệnh Wilson, thương tổn tế bào gan, …
Kết luận
Xét nghiệm sinh hóa máu là xét nghiệm để đo lường nồng độ hay hoạt độ của một số chất hóa học trong bệnh phẩm là máu, giúp đánh giá chức năng của cơ quan trong cơ thể, hỗ trợ cho việc chẩn đoán và theo dõi bệnh lý.
Có rất nhiều chỉ số sinh hóa máu khác nhau như AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT, ALP, Creatinin, Ure, Bilirubin, Albumin, Glucose, Chất béo, Acid uric, … và mỗi loại có một ý nghĩa khác nhau nên thường không bác sĩ nào yêu cầu cho bạn xét nghiệm tất cả những chỉ số đó mà tùy vào từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định đo lường xét nghiệm loại nào là phù hợp, tránh dư thừa không cần thiết.
Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.
- Xét nghiệm sinh hóa máu là gì và được chỉ định khi nào? – medlatec.vn
- Sách Hóa sinh lâm sàng trường Phạm Ngọc Thạch