Xét nghiệm soi tươi – Nhuộm huyết trắng thường được thực hiện trong quá trình thăm khám phụ khoa. Quá trình này sẽ giúp cho bác sĩ đánh giá, xem xét và chẩn đoán tác nhân gây viêm âm đạo – âm hộ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng Docosan.
Tóm tắt nội dung
Xét nghiệm soi tươi – nhuộm là gì?
Xét nghiệm soi tươi – nhuộm (hay xét nghiệm dịch âm đạo) là một phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây nhiễm trùng âm đạo – âm hộ.
Tình trạng viêm nhiễm có thể do vi khuẩn, nấm men, virus hoặc ký sinh trùng. Đôi khi viêm nhiễm còn có thể do đáp ứng dị ứng hoặc kích ứng với các chất khác như thuốc diệt tinh trùng, bao cao su hayxà phòng, dung dịch vệ sinh…
Các triệu chứng của viêm âm đạo – âm hộ
Các triệu chứng của viêm âm đạo ở phụ nữ có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số phụ nữ không có triệu chứng, khi đó viêm âm đạo thường được phát hiện khi khám phụ khoa định kỳ. Tuy nhiên nếu xuất hiện, các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo nhiều, có mùi khó chịu hoặc thay đổi màu bất thường.
- Ngứa hoặc sưng ở bên ngoài âm đạo.
- Nóng rát khi đi tiểu.
- Đau hoặc khó chịu khi giao hợp.
Quy trình xét nghiệm soi tươi
Bạn nên tránh thụt rửa âm và và quan hệ tình dục trong vòng 24h trước khi được thăm khám và lấy mẫu bệnh phẩm.
Xét nghiệm soi tươi được sử dụng để giúp chẩn đoán tác nhân gây nhiễm trùng âm đạo mà không ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm trên bàn khám, đặt chân lên kiềng ba chân (giống như khi khám phụ khoa thông thường). Sau đó bác sĩ đưa một mỏ vịt vào âm đạo để giúp quan sát khu vực này, và dùng một tăm bông vô trùng đưa vào âm đạo để lấy mẫu dịch tiết âm đạo. Mẫu bệnh phẩm được trải ra trên phiến kính để quan sát dưới kính hiển vi.
Đọc kết quả xét nghiệm soi tươi
Khi kiểm tra dưới kính hiển vi, bác sĩ thường tìm kiếm những tác nhân gây nhiễm trùng chẳng hạn như nấm men hoặc sự tồn tại của một số vi khuẩn/ký sinh trùng, chẳng hạn như vi khuẩn Gardnerella vaginalis (nguyên nhân thường gặp gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn), ký sinh trùng Trichomonas vaginalis.
Người phụ nữ có thể mắc nhiều tác nhân gây viêm âm đạo cùng một lúc. Các loại viêm âm đạo – âm hộ thường gặp là:
- Viêm âm đạo do trichomonas.
- Viêm âm hộ do nấm candida albicans.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn (Gardnerella vaginalis).
- Viêm âm đạo do chlamydia.
- Viêm âm đạo do cầu trùng gram (+).
- Viêm âm đạo do trực trùng gram (-).
Sau khi xét nghiệm soi tươi
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với loại tác nhân gây nhiễm trùng cụ thể của bạn.
Ví dụ: Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm trùng nấm men, bác sĩ có thể kê đơn kem bôi âm đạo, thuốc đặt âm đạo hoặc thuốc chống nấm.
Nếu bạn bị viêm âm đạo do phản ứng với thuốc xịt âm đạo hoặc thuốc diệt tinh trùng, xà phòng thơm, nước thơm, chất làm mềm vải v.v. bạn cần tránh bất kỳ sản phẩm nào có thể gây kích ứng.
Trong thời gian điều trị, bác sĩ có thể khuyên bạn tránh giao hợp. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai. Sau khi điều trị, bạn nên thảo luận với bác sĩ về việc kiểm tra lại hoặc kiểm tra định kỳ để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn.
Ngăn ngừa viêm âm đạo
Các phương pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo – âm hộ:
- Vệ sinh cá nhân cẩn thận, tránh mặc quần jean hoặc vải thun bó sát vì điều này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhiễm trùng nấm men.
- Không thụt rửa hoặc sử dụng thuốc xịt âm đạo, xà phòng thơm nếu cơ thể nhạy cảm vì các tác nhân này có thể gây kích ứng.
- Sử dụng biện pháp bảo vệ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Bạn cũng nên tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Nếu bạn đang trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen trong giai đoạn này có thể dẫn đến khô và kích ứng âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc viêm nhiễm ở vùng âm đạo – âm hộ.
- Trao đổi với bác sĩ khi bạn có triệu chứng nghi ngờ bị viêm nhiễm vùng âm đạo – âm hộ.
Bác sĩ phụ sản khám & tư vấn
- Phòng khám sản phụ khoa Marie Stopes Việt Nam.
- BS. Trần Thiện Vĩnh Quân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Hiện đang công tác tại Phòng Khám Đa Khoa Sài Gòn Healthcare.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân tốt nhất, chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ và trao đổi với bác sĩ khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm nhiễm.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Vaginitis Test (Wet Mount) – Healthline