Xét nghiệm VDRL (venereal disease research laboratory) là một xét nghiệm máu có thể chẩn đoán sàng lọc bệnh giang mai – một trong những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (sexually transmitted infections – STIs) phổ biến nhất. Bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, giang mai có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như não, tủy sống và tim. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về xét nghiệm VDRL.
Tóm tắt nội dung
1. Xét nghiệm VDRL là gì?
Xét nghiệm VDRL là một xét nghiệm để sàng lọc tình trạng mắc giang mai do độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong khi giá thành lại thấp.
Xét nghiệm VDRL không phát hiện trực tiếp vi khuẩn gây bệnh giang mai mà gián tiếp phát hiện sự nhiễm bệnh thông qua sự xuất hiện của các kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại các kháng nguyên tế bào bị vi khuẩn tấn công. Kháng thể là một loại protein được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để chống lại những vật thể lạ như vi khuẩn hoặc độc tố.
Do là xét nghiệm phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân, nên xét nghiệm VDRL có thể được áp dụng kể cả khi bạn có triệu chứng hay không.
2. Tại sao nên xét nghiệm VDRL?
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm VDRL nếu đánh giá bạn có nguy cơ mắc bệnh giang mai. Sau đây là một số triệu chứng ban đầu có thể có của bệnh giang mai:
- Có vết loét nhỏ, không đau ở vùng sinh dục.
- Sưng hạch bạch huyết gần vết loét.
- Phát ban trên da nhưng không ngứa.
Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm sàng lọc bệnh giang mai ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao, hoặc bạn đang được điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như bệnh lậu, HIV v.v. Xét nghiệm này cũng là một trong những xét nghiệm thường quy đối với thai phụ do giang mai có nguy cơ truyền từ mẹ sang con và để lại những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.
3. Thực hiện xét nghiệm VDRL như thế nào
Bạn không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm. Xét nghiệm VDRL tương tự như các xét nghiệm máu thông thường. Máu thường được lấy từ tĩnh mạch ở nếp gấp của khuỷu tay hoặc mu bàn tay. Sau đó mẫu máu được đưa đến phòng xét nghiệm để tìm các kháng thể được tạo ra trong cơ thể để phản ứng với vi khuẩn giang mai. Nếu nghi ngờ rằng giang mai đã tấn công hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm VDRL với bệnh phẩm là dịch não tủy.
4. Kết quả của xét nghiệm VDRL
Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với kháng thể giang mai, có nghĩa rằng bạn không mắc bệnh giang mai.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với kháng thể giang mai, nghĩa là bạn có thể đã mắc bệnh giang mai. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm khác để xác nhận kết quả, chẳng hạn như soi tươi bệnh phẩm là dịch tiết từ sang thương hay các xét nghiệm đặc hiệu cho vi khuẩn giang mai như phản ứng bất động xoắn khuẩn (Treponema pallidum Immobilization – TPI).
Xét nghiệm VDRL không phải luôn luôn chính xác. Bạn có thể có kết quả âm tính giả nếu bạn mắc bệnh giang mai dưới ba tháng vì lúc này cơ thể chưa đủ thời gian để tạo ra lượng kháng thể cho kết quả dương tính. Xét nghiệm cũng có thể không chính xác nếu bệnh giang mai ở giai đoạn cuối.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân có những yếu tố sau đây có thể gây ra kết quả dương tính giả:
- HIV
- Bệnh lyme
- Bệnh sốt rét
- Viêm phổi
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Tiêm chích ma túy
- Bệnh lao
Trong một số trường hợp, cơ thể bạn có thể không tạo ra kháng thể ngay cả khi bạn đã bị nhiễm bệnh giang mai; hoặc các kháng thể được tạo ra do nhiễm trùng giang mai có thể ở lại trong cơ thể bạn ngay cả sau khi bệnh giang mai của bạn đã được điều trị khỏi. Những trường hợp này cũng tạo ra kết quả sai lệch.
Phòng khám tư vấn và xét nghiệm VDRL
- Marie Stopes Việt Nam, Ba Đình, Hà Nội.
- Phòng khám Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Tân Bình, TP.HCM.
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế TIMEC, Bình Tân, TP.HCM.
- Phòng khám Nam khoa Thạc sĩ Bác sĩ Lê Vũ Tân, Quận 10, TP.HCM.
Bệnh giang mai có thể điều trị được nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi bạn nghĩ rằng mình có khả năng đã bị phơi nhiễm với giang mai để được hướng dẫn xét nghiệm chẩn đoán kịp thời. Nếu không được điều trị, bệnh có thể lây lan và gây ra các biến chứng trong các cơ quan quan trọng, thậm chí đe doạ tính mạng của bệnh nhân.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
VDRL Test – Healthline