Xét nghiệm vi khuẩn HP và những thông tin cần biết

Khi nào cần phải xét nghiệm vi khuẩn HP? Hiện nay, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là rất cao. Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Vì vậy, việc thực hiện các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP và điều trị diệt trừ chúng khi có chỉ định là việc vô cùng cần thiết. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP ngay trong bài viết dưới đây.

Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (hay H.pylori) tên đầy đủ là Helicobacter pylori, H.pylori là một loại vi khuẩn sống chủ yếu ở lớp nhầy của dạ dày, loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra một chất là Urease giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày.

Sư phát triển và hoạt động của chúng gây nên các bệnh lý như viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, và trong một số ít trường hợp, có thể tiến triển thành ung thư dạ dày gây ảnh hưởng tiêu cực đến cho sức khỏe con người. 

Vi khuẩn HP lây truyền qua những con đường nào? 

Đến nay người ta vẫn chưa hoàn toàn khẳng định đường lây của loại vi khuẩn này. Chúng được tìm thấy trong dịch dạ dày của người. Ngoài ra, còn có ở những nơi khác như vôi răng, nước bọt, phân, thực phẩm bẩn. Chúng cũng hiện diện trong dịch của các loài động vật khác như dịch dạ dày của mèo, cừu, sữa cừu hay trong cơ thể khỉ,… Dù vậy, cho đến này người vẫn được coi là ký chủ chính nên các đường lây từ người sang người vẫn được quan tâm hàng đầu.

Đường miệng – miệng

Vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, mảng vôi răng có thể lây lan giữa người với người khi cùng sinh hoạt, dùng chung dụng cụ ăn uống cùng với người có nhiễm vi khuẩn.

Đường phân – miệng

khi niêm mạc dạ dày bong tróc mang theo vi khuẩn HP theo phân được thải ra ngoài cơ thể cũng là một nguồn lây nhiễm bệnh.

Đường dạ dày – miệng 

Dụng cụ hay bệnh phẩm nội soi dạ dày sau khi thực hiện nếu không được đảm bảo khử khuẩn đúng cũng là nguồn nguy cơ gây lây nhiễm vi khuẩn HP.

Khi nào thì cần xét nghiệm vi khuẩn HP?

Có tới 80% trường hợp nhiễm vi khuẩn HP mà người nhiễm không có triệu chứng hay tổn hại nào về sức khỏe. Thông thường chỉ nên làm xét nghiệm vi khuẩn HP khi bạn có kế hoạch điều trị nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với các chỉ định điều trị như: có triệu chứng khó tiêu, đau dạ dày,  loét dạ dày – tá tràng, viêm dạ dày, thiếu máu thiếu sắt, thành viên trong gia đình có người bị ung thư dạ dày,…

Do đó việc có nên xét nghiệm tầm soát và tiến hành điều trị vi khuẩn HP hay không đều cần có sự hỗ trợ, tư vấn từ bác sĩ hay các chuyên gia.

xét nghiệm vi khuẩn HP
Xét nghiệm vi khuẩn HP thường được tiến hành trong phòng thí nghiệm – Ảnh minh họa

Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP

Hiện nay có rất nhiều xét nghiệm để tìm ra sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm và có những mục đích riêng ví dụ như là chẩn đoán bệnh, theo dõi điều trị hay phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học,… Điều quan trọng nhất là các thử nghiệm phải có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để giúp cho chẩn đoán trước điều trị và theo dõi sau điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. 

  • Độ nhạy: Thể hiện một xét nghiệm phát hiện ra bệnh tốt như thế nào, là khả năng kết quả xét nghiệm dương tính ở bệnh nhân mắc bệnh. Ví dụ một xét nghiệm dương tính ở 9 trong số 10 bệnh nhân mắc bệnh có độ nhạy là 90%
  • Độ đặc hiệu: Là khả năng có kết quả xét nghiệm âm tính ở bệnh nhân không mắc bệnh, ví dụ một xét nghiệm âm tính ở 9 trong số 10 bệnh nhân không mắc bệnh có độ đặc hiệu là 90%. Một xét nghiệm với độ đặc hiệu thấp sẽ làm chẩn đoán nhầm người không bệnh thành người bị bệnh

Việc đến thăm khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp cho các bác sĩ nhận định được tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn và đưa ra các xét nghiệm phù hợp nhất. Các xét nghiệm vi khuẩn Hp được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm các phương pháp không xâm lấn (không qua nội soi) và các phương pháp xâm lấn (qua nội soi).

Lưu ý: Trước khi tiến hành các xét nghiệm, người bệnh cần ngưng tất cả các sản phẩm có chứa kháng sinh hay bismuth trước đó 1 tháng, thuốc ức chế proton H+ (PPI) trước đó 2 tuần.

Phương pháp không xâm lấn

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng xét nghiệm hơi thở (Urea breath test)

Đây là xét nghiệm không xâm lấn chính xác nhất giúp chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H.pylori. Thường được dùng để xác định xem vi khuẩn có được diệt trừ thành công sau điều trị. Những phương pháp này bị ảnh hưởng bởi liệu pháp kháng sinh gây hiện tượng âm tính giả (kết quả âm tính dù người bệnh có nhiễm H.p). 

Trong thực hiện xét nghiệm, bệnh nhân được cho uống 1 viên nang chứa ure (CO(NH2)2) trong đó phân tử C (carbon) được đánh dấu C14 hoặc C13. Nếu trong dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP thì enzym urease do vi khuẩn tiết ra sẽ phân giải ure trong viên nang thành NH2 và CO2 (với C được đánh dấu đã nêu trên).

Khí CO2 được khuếch tán vào máu và sau một thời gian ngắn chúng sẽ hiện diện trong hơi thở của người bệnh. Người bệnh sẽ thở bằng miệng vào một cái ống gắn với máy, và sẽ xem mẫu hơi thở có chứa C14 hay C13 không để cho kết quả xét nghiệm có hay không có sự hiện diện của vi khuẩn HP

Kết quả cả hai thử nghiệm thở C13 và C14 đều giống nhau và đều chính xác, chúng  khác nhau ở chỗ C13 là chất không gây phóng xạ còn C14 là chất có hoạt tính phóng xạ. Do C14 có hoạt tính phóng xạ nên không được dùng cho trẻ em và phụ nữ mang thai còn C13 thì an toàn hơn và dùng được cho mọi đối tượng.

Phương pháp có độ nhạy 90-100%, đặc hiệu 89-100%.

Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng vi khuẩn HP

Đây là một xét nghiệm giá rẻ được áp dụng phương pháp ELISA (Enzyme Linked Immunosorbent Assay) giúp phát hiện kháng thể IgG kháng HP trong mẫu máu được lấy từ người bệnh. Khi một người nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể sẽ đáp ứng lại tình trạng nhiễm khuẩn này bằng cách tiết ra kháng thể và xét nghiệm máu để tìm sự tồn tại của kháng thể đó.

Tuy nhiên xét nghiệm dương tính chỉ cho biết bạn đã từng hoặc đang nhiễm HP vì thế xét nghiệm có thể vẫn cho kết quả dương tính sau 18 tháng sau khi người bệnh đã được điều trị Hp thành công. Xét nghiệm máu chỉ khá chính xác nếu người bệnh chưa từng điều trị vi khuẩn HP trước đây. 

Xét nghiệm này có độ nhạy 88-99%, đặc hiệu 89-95%.

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng xét nghiệm phân

Đây là một xét nghiệm mới dùng kỹ thuật ELISA có tên là Premier platinum HpSA để phát hiện các thành phần của vi khuẩn H.p trong phân. Xét nghiệm này ngoài việc giúp chẩn đoán nhiễm H.p, nó còn giúp theo dõi điều trị diệt trừ vi khuẩn HP 

Đối với trẻ em, xét nghiệm này rất có ích trong nghiên cứu dịch tễ học vì các xét nghiệm xâm lấn qua nội soi khó thực hiện. Hơn nữa, đối với trẻ em mới sinh ra và trong những năm đầu đời, chẩn đoán huyết thanh cũng khó đánh giá do còn kháng thể từ mẹ truyền sang con vẫn còn tồn tại.

Đây là phương pháp có độ nhạy 95%, đặc hiệu 94%.

Xét nghiệm vi khuản HP bằng phương pháp xâm lấn 

Phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP thep phương pháp xâm lấn các phương pháp được thực hiện qua nội soi dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ đưa một ống dài mỏng có gắn camera vào miệng (hoặc mũi) để quan sát họng, thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thu thập một vài mẫu mô để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn thông qua các phương pháp khác nhau . Sau đây là một vài phương pháp thông dụng.

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng chẩn đoán mô bệnh học

Đây là một phương pháp chẩn đoán nhiễm khuẩn HP được sử dụng rộng rãi hiện nay. Dựa vào mẫu mô lấy được từ dạ dày, được soi dưới kính hiển vi không chỉ nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP mà còn để đánh giá những thương tổn kèm theo ở niêm mạc dạ dày như viêm cấp, viêm teo, chuyển sản, nghịch sản và ung thư dạ dày.

Bởi lẽ mật độ nhiễm H.p có liên quan đến thương tổn mô bệnh học, vì thế xét nghiệm này còn giúp đánh giá những thay đổi mô bệnh học của niêm mạc dạ dày trước và sau điều trị diệt trừ vi khuẩn HP

Xét nghiệm có độ nhạy 93-99%, đặc hiệu 95-99%.

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng Xét nghiệm urease nhanh (CLO test)

Đây là một xét nghiệm thông dụng, nhanh chóng, rẻ tiền, đơn giản và hữu hiệu để phát hiện HP. Nguyên tắc của xét nghiệm là nhằm phát hiện men urease của vi khuẩn HP, HP gần như là loại vi khuẩn duy nhất trong dạ dày tiết men urease với khối lượng lớn. 

Men urease của vi khuẩn HP có trong mẫu mô dạ dày sẽ làm biến đổi ure trong môi trường thuốc thử thành amoniac (NH3), NH3 làm môi trường thuốc thử có pH kiềm, vì vậy làm thay đổi màu của chất chỉ thị. Người ta nhận biết được sự hiện diện của vi khuẩn nhờ sự đổi màu giấy chỉ thị từ vàng sang đỏ tía. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể cho kết quả âm tính giả trên bệnh nhân đang xuất huyết tiêu hóa. 

Độ nhạy cao 89-98%, đặc hiệu 93-100%.

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng nuôi cấy vi khuẩn

Lấy mẫu mô niêm mạc dạ dày để tìm sự hiện diện của vi khuẩn. Trong chẩn đoán nhiễm HP, nuôi cấy là xét nghiệm đặc hiệu nhất. Nuôi cấy còn cho biết mật độ của vi khuẩ HP, cấu trúc gen của các chủng HP khác nhau và biết dạng hình cầu của HP 

Tuy nhiên, xét nghiệm này ít được áp dụng để chẩn đoán trên thực tế mà chỉ được thực hiện nhiều trong các nghiên cứu khoa học vì hiện tại đã có nhiều phương pháp khác đơn giản hơn, dễ áp dụng rộng rãi hơn. 

Trong các trường hợp điều trị thất bại, nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ có ích để hướng dẫn điều trị thích hợp và là một trong các phương pháp để đánh giá tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn đối với kháng sinh.

Xét nghiệm có độ nhạy 98%, độ đặc hiệu 95-100%

Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng PCR (Polymerase Chained Reaction)

Nhiễm vi khuẩn HP có thể được chẩn đoán bằng phương pháp này nhờ việc khuếch đại những chuỗi gen quan trọng của chúng dựa trên các AND thu thập được từ mẫu mô ở dạ dày. PCR định ra được cấu trúc gen ở các chủng vi khuẩn HP có khả năng gây bệnh cũng như giúp tìm ra gen đột biến tạo ra sự kháng thuốc của vi khuẩn.

Do chi phí cao, máy đắt tiền, đòi hỏi nhân viên xét nghiệm lành nghề nên kỹ thuật này chưa được phổ biến lắm ở Việt Nam, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. 

Xét nghiệm này có độ nhạy 80-97% và độ đặc hiệu 83- 100%.

Kết luận

Nhiễm vi khuẩn HP rất phổ biến trong cộng đồng và chúng là một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. HP là loại vi khuẩn dễ thay đổi do đó dù hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện nhưng cách nào cũng có mặt ưu điểm và hạn chế của nó. Hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, thăm khám và đưa ra các phương pháp xét nghiệm cũng như lộ trình điều trị phù hợp nhất


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Tài liệu tham khảo:

  1. PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN NHIỄM HELICOBACTER PYLORI, BS CKII LÂM VÕ HÙNG
  2. Toronto note 2020, 36th Edition, pp.G11
  3. Chẩn đoán và điều trị nhiễm Helicobacter pylori, Điều trị bệnh nội khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Có thể bạn quan tâm