12 loại nước giải khát mùa hè phổ biến hiện nay

Nước giải khát mùa hè không chỉ đơn thuần là nước uống để giải nhiệt mà còn là biện pháp bảo vệ sức khỏe, tránh các tác nhân gây bệnh trong mùa nắng nóng.

nước giải khát mùa hè

Việc sử dụng các loại nước giải khát mùa hè hiện nay rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nếu không chọn lựa nguyên liệu phù hợp và hiểu rõ cách dùng có thể dẫn đến những rủi ro về sức khỏe như hạ huyết áp, hạ natri, kali huyết. Vậy hãy cùng Diab tìm hiểu các vấn đề xoay quanh nước giải khát mùa hè thông qua bài viết này.

Các bệnh về nhiệt dễ gặp khi nắng nóng

Đông y

Trong y học cổ truyền, các bệnh về nhiệt hay còn gọi là thử ôn là chứng bệnh nhiệt cấp tính thường phát sinh trong những ngày hè nắng nóng, đi kèm với đó là những dấu hiệu mắc bệnh về nhiệt như sốt cao, phiền khát, bực dọc, toát mồ hôi nhiều, cơ thể mệt mỏi, uể oải, nổi mẩn ngứa,…

Nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt (thử ôn) thường do mắc phải khí hậu nóng oi bức của mùa hè, cảm nhiễm phải các tà khí phong, hàn, thử, thấp,… xâm nhập vào cơ thể hoặc do ăn uống nhiều đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị; tắm nước lạnh, do lao động nặng ra mồ hôi nhiều mất tân dịch gây táo trong cơ thể và tổn thương nguyên khí.

Tây y

Trong y học hiện đại, khí hậu nóng ẩm trong những ngày hè oi bức có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch – hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Môi trường nóng ẩm cũng là điều kiện lý tưởng cho nhiều vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc, côn trùng có hại sinh sôi, phát triển như E.coli, Salmonella, HSV, tay chân miệng, sởi, Candida, Aspergillus, ruồi, muỗi,… 

Đây đều là những nguyên nhân gây ra các bệnh trong mùa hè nắng nóng như tiêu chảy, mụn nhọt, nổi rôm sảy, mẩn ngứa, nhiệt miệng, loét miệng, sốt phát ban, sốt xuất huyết,… đi kèm với đó là tình trạng cơ thể mất nước, suy kiệt cơ thể.

Xem thêm: Những lưu ý khi điều trị rôm sảy bạn cần biết

Các bệnh về nhiệt ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Trong đông y, một số chứng bệnh về vị nhiệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là mùa nắng nóng như:

Chứng vị quản thống

Do tà khí làm hư tổn vị và khi vị hỏa thịnh sẽ làm cho khí không được lưu thông, tân dịch trong cơ thể bị tiêu hao sinh ra bệnh. Triệu chứng thường gặp như nóng rát vùng thượng vị, đau từng cơn, hay bị khát nước, táo bón hoặc thậm chí đại tiện ra máu.

Chứng tiêu khát

Chứng bệnh này thường do ăn uống quá nhiều đồ cay nóng, béo ngọt hay uống nhiều bia, rượu làm cho tỳ vị bị hư tổn, mất đi chức năng vận tiêu hóa, uẩn tích lâu ngày thành nội nhiệt. Thường nhiệt sẽ tích tụ ở trung tiêu làm tổn hao huyết và tân dịch gây ra bệnh.

Triệu chứng thường gặp có thể thấy như ăn nhiều, chóng đói, uống nhiều, khát nhiều, cơ thể mệt mỏi do cơ bắp không được dưỡng nuôi nhiều, đi tiểu tiện nhiều và táo bón.

Chứng răng sưng đau

Chứng răng sưng đau do vị hỏa đi theo đường kinh dương minh bốc lên mà sinh bệnh. Triệu chứng thường gặp đó là chân răng, nướu sưng đau, khát nước, miệng hôi, có khi loét cả lợi.

Chứng ẩu thổ

Thường nguyên nhân là do vị hỏa cang thịnh, mất đi sự hòa giáng mà vị hỏa nghịch lên thường sinh bệnh ở những người hút thuốc lá hay nghiện rượu. Triệu chứng thường gặp như đau vùng thượng vị, ăn vào thì nôn ra, táo bón hoặc tiểu tiện ra máu.

Một số nước giải khát mùa hè từ thảo dược

Để phòng ngừa và chữa trị các bệnh nhiệt trong những tháng hè, tùy trường hợp mà trong đông y có những vị thuốc thảo dược dùng để thanh nhiệt cho cơ thể, cụ thể gồm:

  • Thanh nhiệt giải thử: thường dùng các loại thảo dược như tây qua (dưa hấu), bạch biển đậu (đậu ván trắng), bạch mao căn (rễ cỏ tranh), râu bắp, lá sen,… để tiêu khát; trừ hỏa, nhiệt xâm nhập ngoài cơ thể gây cảm, say nắng, bí tiểu… 
  • Thanh nhiệt tả hỏa: dùng trong nhiệt bệnh mà tà khí xâm nhập vào khí phận gây sốt cao, miệng khát, ra mồ hôi thậm chí mê sảng, mạch hồng đại thì nên dùng thạch cao, tri mẫu, trúc diệp, thiên hoa phấn, hạ khô thảo,…
  • Thanh nhiệt táo thấp: Các vị thuốc nhóm này thường có vị đắng, tính hàn để vừa thanh nhiệt vừa trừ táo thấp có thể kể đến như hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá, khổ sâm, long đởm,…
  • Thanh nhiệt lương huyết: Các loại thảo dược trong nhóm thuốc này phần lớn sẽ có tính hàn, vị ngọt, hơi đắng có tác dụng thanh nhiệt ở huyết phận như sinh địa, huyền sâm, mẫu đơn bì, xích thược,…
  • Thanh nhiệt giải độc: dùng trong các trường hợp bệnh nhiệt độc, hỏa độc gây sảy, mụn nhọt, viêm tấy sưng đau, chảy máu cam, mồm lưỡi loét,… nên dùng các thảo dược như diếp cá, bồ công anh, rau má, rau sam, rau đắng, kim ngân hoa, liên kiều,…

Trong đông y, đa số các vị thuốc thanh nhiệt dạng khô sẽ được phối theo phương thang được dùng sắc uống. Tuy nhiên, một số loại thảo dược cũng có thể được dùng dưới dạng tươi như rau ăn hàng ngày hoặc ép, xay nhuyễn, nấu gia giảm thêm một ít đường phèn cho ra các loại nước giải khát mùa hè thơm ngon nhưng không kém phần hấp dẫn.

Nước ép dưa hấu

Trong y học cổ truyền, dưa hấu hay còn gọi là tây qua, hàn qua, thuỷ qua có vị ngọt, tính hơi hàn, tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu được dùng trong các trường hợp nóng trong bàng quang, cảm sốt, tiểu buốt, phù thũng, say rượu, phiền khát.

Trong nhân dân, quả dưa hấu dùng làm thức ăn bổ và mát hoặc dùng thịt quả ép lấy nước uống vào ngày hè vì đây là loại quả có tính giải nhiệt rất cao, chứa nhiều nước nên có thể bù đắp lượng nước cơ thể bị mất đi do nắng nóng.

nước giải khát mùa hè

Nước ép dưa hấu giải khát mùa hè

Râu bắp

Trong râu bắp có chứa nhiều cái phytosteroid, saponin, glycozit đắng cũng như các vitamin, khoáng chất, chất nhầy có lợi cho sức khỏe. Trong dân gian, râu bắp được dùng trong các trường hợp về bài tiết mật, thông tiểu tiện, sỏi thận trên hệ tiết niệu,…

Ngoài ra, râu bắp thường được dùng để nấu nước uống có mùi thơm, vị ngọt nhẹ có tác dụng thanh nhiệt, mát gan và được xem là một loại nước giải khát mùa hè tốt cho sức khỏe.

Mã đề

Mã đề trong đông y có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh can, tiểu trường, bàng quang nên được dùng làm thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu, các bệnh về nhiệt khác như chảy máu cam, nôn ra máu. Mã đề có thể dùng sắc uống hoặc phối hợp với các dược liệu khác như la hán quả, râu bắp, thuốc dòi, cỏ tranh,… cho ra một loại nước giải khát mùa hè thơm ngon được mọi người yêu thích.

Rễ cỏ tranh (Bạch mao căn)

Rễ cỏ tranh hay bạch mao căn là vị thuốc đông y được dùng nhiều trong các chứng bệnh do nhiệt gây ra với công năng lương huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu. Rễ cỏ tranh thường được chỉ định trong các bệnh thổ huyết, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, nhiệt bệnh khát nước bứt rứt, tiểu khó, tiểu ít, tiểu buốt.

Mía dò

Mía dò có thể dùng cả thân rễ, búp non, cành non để làm thuốc. Mía dò có vị chua, đắng, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chống viêm. Ở Trung Quốc, mía dò dùng chữa viêm thận, phù thũng, bí tiểu. Mía dò có thể dùng dạng đơn hay phối với các vị thuốc khác để sắc uống.

Mía

Mía còn gọi là cam phá trong đông y có vị ngọt, tính hàn với công dụng tư âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát nên mía là thực phẩm rất phù hợp trong những ngày hè nóng nực. Có thể dùng mía dưới dạng nước uống hoặc dùng cả cây tươi cắt khúc 2 – 3cm ăn lạnh hay phơi khô, sắc với nước uống trừ nhiệt.

nước giải khát mùa hè

Nước giải khát mùa hè từ mía

Diếp cá

Từ xưa, diếp cá đã được dùng rộng rãi như một loại rau ăn giúp kích thích tiêu hóa và tăng mùi vị món ăn. Nhưng ít ai biết rằng, diếp cá có thể dùng để xay, ép lấy nước uống không chỉ có tác dụng giải khát, thanh nhiệt trong mùa hè mà còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm trong bệnh trĩ, suy giãn tĩnh mạch, giải độc tố.

La hán quả

Đông y đã chỉ ra rằng la hán quả có vị ngọt, chua nhẹ, tính mát giúp thanh nhiệt lương huyết, sinh tân chỉ khái, thanh nhiệt nhuận phế, hóa đàm, tươi mới làn da. Quả la hán có vị ngọt gấp 300 lần so với đường mía nhưng không gây tăng đường huyết nên rất phù hợp cho người đái tháo đường. Dùng la hán quả sắc hoặc hãm dùng làm nước giải khát mùa hè rất tốt.

nước giải khát mùa hè

Thanh nhiệt mùa hè với nước la hán quả

Xem thêm: Người tiểu đường nên uống gì và không nên uống gì?

Rau má

Nước rau má cũng là một loại nước giải khát mùa hè được mọi người ưa chuộng vì rau má có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu sưng, kháng viêm được dùng trong các chứng chảy máu cam, thổ huyết, tiểu tiện rắt buốt do hư nhiệt. Rau má có thể dùng khô hoặc dạng tươi ép lấy nước uống hoặc phối thêm với đậu xanh, mía, khoai môn,… tăng phần hấp dẫn cho thức uống.

nước giải khát mùa hè

Nước rau má giúp thanh nhiệt, giải độc

Bông cúc

Bông cúc có mùi thơm, vị ngọt nhẹ, đôi khi hơi đắng, có tính mát, thanh nhiệt nên được dùng để hãm trà để giải cảm nắng rất hữu hiệu. Bông cúc có thể làm giảm sốt, hạn chế tình trạng sưng tấy, giảm cơn đau. Khi hãm trà bông cúc có thể kết hợp chung với kim ngân hoa, bạc hà, kỷ tử, đại táo để tăng mùi vị thơm ngon cũng như hiệu quả sử dụng.

Bí đao

Hiện nay, bí đao được biết đến như một loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, lợi tiểu, làm đẹp da, ổn định huyết áp tốt cho sức khỏe. Nhưng nhiều người sẽ thắc mắc “uống nước ép bí đao sống có tốt không?”. 

Thực tế chỉ ra rằng nên nấu chín bí đao, sắc lấy nước hoặc cắt lát, phơi khô, đun với nước để uống giải khát vì trong bí đao sống chứa nhiều hoạt chất saponin có chỉ số xà phòng hóa với tính kiềm cao, uống thường xuyên và lâu dài sẽ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Đây cũng là giải đáp cho câu hỏi “uống nước ép bí đao sống có tốt không?”.

Xem thêm: 10 thực phẩm giúp ổn định huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ

Mủ trôm

Theo đông y, mủ trôm có vị ngọt, tính mát nên được dùng để thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát. Ngoài ra, mủ trôm còn được dùng để nhuận tràng điều trị trong táo bón. Các polysaccharide trong mủ trôm còn có tác dụng hạ đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, tăng cường miễn dịch cơ thể giúp mau chóng lành vết thương.

Có thể nấu nước giải khát mùa hè từ mủ trôm với gia thêm các loại thảo mộc khác như tuyết yến, nhựa đào, hạt chia, câu kỷ tử, nấm tuyết, hạt sen, đường phèn để tăng độ thơm ngon, hấp dẫn cho thức uống.

nước giải khát mùa hè

Mủ trôm không chỉ giải nhiệt mà còn giúp nhuận tràng

Thành phần một số bài thuốc nước giải khát mùa hè phổ biến hiện nay

Sâm bổ lượng

Công dụng chính của thức uống giải khát này là thanh nhiệt, an thần, bồi bổ nguyên khí cơ thể nhờ nhiều vị thảo mộc trong bài thuốc như phổ tai, đậu xanh, củ sen, đại táo, hạt sen,… có thể tham khảo như sau:

  • Đậu xanh nguyên vỏ: 200g.
  • Phổ tai (rong biển dạng sợi): 150g.
  • Củ sen tươi: 150g.
  • Hạt sen: 150g.
  • Táo đỏ: 150g.
  • Nhãn nhục khô: 100g.
  • Ý dĩ: 100g.
  • Nấm tuyết: 100g.
  • Đường phèn vừa đủ tùy khẩu vị. 
nước giải khát mùa hè

Thành phần thảo mộc nước sâm bổ lượng

Nước mát thảo dược

Nước mát thảo dược là tên dân gian để chỉ loại nước giải khát nấu từ các loại dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, làm mát, hạ sốt, lợi tiểu thường được dùng trong gia đình vào những ngày hè nắng nóng. Thành phần của nước mát hiện nay thường sử dụng gồm:

  • Bọ mắm (cây thuốc dòi): 100g.
  • Mã đề: 100g.
  • Rễ cỏ tranh: 100g.
  • Râu bắp: 50g.
  • Mía: 2 – 3 khúc.
  • Lẻ bạn lá lớn: 2 – 3 lá.
  • La hán quả: 1 trái.
  • Đường phèn, lá dứa vừa đủ tùy khẩu vị mỗi gia đình.
nước giải khát mùa hè

Nước mát thảo dược – nước giải khát mùa hè cho mọi nhà

Lưu ý khi sử dụng các loại nước giải khát từ thảo dược

Khi sử dụng các món ăn bài thuốc hay các loại nước giải khát mùa hè từ các thảo dược, vị thuốc thanh nhiệt, giải nhiệt cần lưu ý những điều sau:

  • Liều lượng sử dụng nên vừa phải, tránh lạm dụng nhất là với các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi hay những người có tỳ, vị hư yếu dễ gây lạnh bụng, đau bụng, đi tiêu phân lỏng.
  • Không nên phối hợp các loại nước giải khát thanh nhiệt chung với các đồ ăn sống như rau sống, sashimi, gỏi cá, thịt tái,… để tránh gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy.
  • Lưu ý khi chọn mua các loại thảo mộc dù ở dạng khô thì phải tránh các loại đã bị ẩm mốc, mùi hôi khó chịu do đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi.
  • Nên mua các loại thảo mộc tươi nguyên, không bị dập nát về rửa sạch, để ráo, nấu nước giải khát uống hoặc tự sơ chế, cắt thái, phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận, nơi khô ráo để dùng dần.
  • Không nên uống các loại nước giải khát giải nhiệt quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ.
  • Mỗi người có thể trạng và cơ địa khác nhau, do đó nên chọn lựa các loại nước giải khát mùa hè phù hợp với thực của trạng cơ thể. Ví dụ: Người bị bệnh gan có thể chọn các loại nước từ atiso, mã đề, rau má; người tiểu đường hạn chế dùng các loại thảo dược ngọt nhiều như mía lau thay vào đó có thể chọn la hán quả, râu bắp,…
  • Nước giải khát thanh nhiệt thường có tính hàn, mát, vị ngọt hoặc đắng nhẹ nên người tạng hàn hoặc đang cảm lạnh không nên dùng.
  • Các loại nước giải khát mùa hè ngoài giúp giải nhiệt còn có tác dụng lợi tiểu. Do đó, nếu dùng liên tục hàng ngày thay nước uống sẽ dẫn đến mất cân bằng điện giải, kém hấp thu các khoáng chất như canxi, kali, natri, magie,… gây tụt huyết áp, chóng mặt, co rút cơ, nhược cơ,…
  • Người đang dùng các thực phẩm bổ sung hoặc thuốc có thành phần từ muối khoáng như natri, canxi, kali,… không nên dùng chung với nước mát thảo dược vì có thể làm giảm hấp thu, mất tác dụng của thuốc.

Nguồn tham khảo